Lũ đang lên nhanh trên các sông ở miền Trung-Tây Nguyên

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hiện lũ trên sông thuộc các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa; Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận và khu vực Bắc Tây Nguyên đang lên.
Lũ đang lên nhanh trên các sông ở miền Trung-Tây Nguyên ảnh 1Vị trí hai áp thấp nhiêjt đới. (Nguồn: nchmf.gov.vn)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hiện lũ trên sông thuộc các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa; Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận và khu vực Bắc Tây Nguyên đang lên; riêng các sông ở Quảng Ngãi đang xuống.

Áp thấp nhiệt đới với gió giật cấp 9 đang hoạt động trên vùng biển phía Nam tỉnh Cà Mau. Một áp thấp nhiệt đới khác cách đảo Palawan (Philippines) khoảng 120km về phía Đông có khả năng mạnh lên thành bão đang tiến vào Biển Đông.

Về lũ khẩn cấp trên sông Kỳ Lộ (Phú Yên), sông Dinh (Khánh Hòa) và trên các sông từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Thuận, khu vực Bắc Tây Nguyên diễn biến như sau: mực nước lúc 7 giờ ngày 1/11 trên các sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) tại Trà Khúc 4,82m, dưới báo động 2 0,18m; sông Vệ (Quảng Ngãi) tại Sông Vệ 3,48m, ở mức báo động 2; sông Kỳ Lộ (Phú Yên) tại Hà Bằng 9,12m, dưới báo động 3 0,38m; sông Dinh (Khánh Hòa) tại Ninh Hòa 5,55m, trên báo động 3 0,05m; sông ĐắkBla (Kon Tum) tại Kon Plông 593,24m, dưới báo động 2 0,26m. Các sông khác còn dưới báo động 1.

Dự báo trong 3-6 giờ tới, lũ trên sông Kỳ Lộ, sông Dinh có khả năng đạt đỉnh. Sông Kỳ Lộ (Phú Yên) tại Hà Bằng ở mức 9,6m, trên báo động 3 0,1m; Sông Dinh (Khánh Hòa) tại Ninh Hòa ở mức 6,0m, trên báo động 3 0,5m.

Trong 6-12 giờ tới, lũ trên các sông từ Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận và khu vực Bắc Tây Nguyên tiếp tục lên; các sông ở Quảng Ngãi sẽ lên lại. Mực nước trên một số sông như sông Kôn (Bình Định) tại Thạch Hòa lên mức 7,0m, ở mức báo động 2; sông Kỳ Lộ tại Hà Bằng ở mức 9,0m, dưới báo động 3 0,5m; sông Dinh tại Ninh Hòa ở mức 5,3m, dưới báo động 3 0,2m; sông Trà Khúc tại Trà Khúc ở mức 5,2m, trên báo động 2 0,2m; sông Vệ tại Sông Vệ ở mức 4,0m, trên báo động 2 0,5m. Các sông khác lên mức báo động 1-báo động 2

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp tại các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Thuận; đặc biệt ở các huyện của tỉnh Quảng Nam là Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My, Núi Thành và Phú Ninh; của Quảng Ngãi gồm Trà Bồng, Tây Trà, Sơn Hà, Sơn Tây, Đức Phổ, Nghĩa Hành và Ba Tơ; của Bình Định là An Lão, Tây Sơn, Tuy Phước, Vân Canh, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh; tại Phú Yên gồm Đồng Xuân, Tuy An, Sơn Hòa, Sông Hinh, Tây Hòa, Phú Hòa và Đông Hòa; tại Khánh Hòa là Cam Lâm, Vạn Ninh, Khánh Vĩnh, Diên Khánh và Khánh Sơn.

Từ ngày 3-8/11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên khả năng cao tiếp tục xuất hiện một đợt lũ. Nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt trong đợt lũ này. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1-2.

Về áp thấp nhiệt đới gần bờ, hồi 7 giờ ngày 1/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 7,7 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, cách Côn Đảo khoảng 130km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 7 giờ ngày 2/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 8,2 độ Vĩ Bắc; 104,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam tỉnh Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, ở vùng biển Tây Nam quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau (bao gồm các huyện đảo Phú Quý, Côn Đảo) có mưa rào và dông kèm khả năng lốc xoáy, vòi rồng; gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2,0-4,0m; biển động mạnh. Ven biển các tỉnh Nam bộ cần đề phòng nước dâng kết hợp với triều cường cao từ 4-4,5m.

Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên) trong khoảng 5-10 độ Vĩ Bắc, 103,5-108,5 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, từ chiều và đêm 1/11, ven biển các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang có gió giật mạnh cấp 6-7. Từ ngày 1 đến hết ngày 2/11, ở Nam bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-150mm, có nơi trên 200mm. Do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh, các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung bộ trong ngày và đêm 1/11 tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông.

Về áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông: Hồi 7 giờ ngày 1/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 120,7 độ Kinh Đông, cách đảo Palawan (Philippines) khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 7 giờ ngày 2/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,8 độ Vĩ Bắc; 116,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 240km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên) trong khoảng 10-14 độ Vĩ Bắc; phía Đông 115,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. Dự báo 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km và tiếp tục có khả năng mạnh thêm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục