"Lũ chồng lũ, bão chồng bão” miền Trung: Huy động tổng lực để ứng phó

Chỉ riêng 20 ngày đầu tháng 10, nhiều trạm quan trắc tại các địa phương từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị ghi nhận được tổng lượng mưa cao gấp 3-5 lần so với mức trung bình cùng kỳ trong suốt 30 năm qua.
Thôn Hữu Tân, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) bị nước lũ cô lập hoàn toàn. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Thôn Hữu Tân, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) bị nước lũ cô lập hoàn toàn. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Những ngày này, nhân dân cả nước cùng với Đảng, Chính phủ, các lực lượng quân đội, công an, các ngành chức năng đang nỗ lực, khẩn trương hỗ trợ các tỉnh, thành phố miền Trung khắc phục quả nặng nề do thiên tai gây ra.

Nhìn lại toàn bộ đợt "lũ chồng lũ, bão chồng bão" trong suốt tháng 10 vừa qua trên dải đất miền Trung ruột thịt, để thấy rõ hơn những yêu cầu nhiệm vụ, cũng như bài học kinh nghiệm và biện pháp ứng phó nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, hỗ trợ hiệu quả, giúp nhân dân khu vực bị ảnh hưởng sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.

Tháng 10 nghiệt ngã tại vùng đất dễ tổn thương

Ngày 24/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, cho biết chưa năm nào có đến 5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trong một tháng như năm nay.

Lúc này, cơn bão số 8 mới chuẩn bị đổ bộ vào miền Trung và chưa xuất hiện thông tin về cơn bão số 9 mà sau này nó cũng càn quét khốc liệt dải đất miền Trung.

Trước đó, ngày 19/10, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đánh giá các tỉnh, thành phố ở miền Trung đã hứng chịu hai đợt mưa lớn với lượng mưa kỷ lục - lượng mưa ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế vượt mốc lịch sử năm 1979 và 1999; có nơi mưa 800mm/ngày với tổng lượng mưa trên 3.000mm/đợt.

Vào thời điểm này, dĩ nhiên cơ quan chức năng còn chưa thể tính đến những cơn mưa như trút nước xuống mảnh đất miền Trung dài và hẹp do hai cơn bão số 8 và số 9 mang lại.

[Vì sao các vụ sạt lở đất nghiêm trọng liên tiếp xảy ra ở miền Trung?]

Chỉ riêng 20 ngày đầu tháng 10, nhiều trạm quan trắc tại các địa phương từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị ghi nhận được tổng lượng mưa cao gấp 3-5 lần so với mức trung bình cùng kỳ trong suốt 30 năm qua. Điều này lý giải vì sao lũ lên rất nhanh.

Ngày 6/10 mưa lớn bắt đầu đổ bộ miền Trung, đến ngày 7/10 tại tỉnh Quảng Trị xuất hiện tình trạng ngập lụt. Ngày 8/10 đồng loạt tại Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế đều có những điểm ngập sâu khiến hàng nghìn người dân phải sơ tán. 

Ngày 10/10, quy mô ngập mở rộng sang hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Nam, nhiều nơi đã ngập sâu đến hết nóc nhà.

Gần 70.000 người phải rời nhà, rời làng đi tránh lũ khẩn cấp. Đến ngày mưa thứ 6 (ngày 12/10), đất đá sạt lở, vùi lên ngôi nhà điều hành của Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) khiến 17 công dân thiệt mạng và mất tích. 

Đêm 12/10, vụ sạt lở đất tại Tiểu khu 67 của Trạm Kiểm lâm sông Bồ (cũng ở xã Phong Xuân) vùi lấp 13 cán bộ, chiến sỹ của Đoàn cứu hộ Quân khu 4 và tỉnh  Thừa Thiên-Huế khi họ đang trên hành trình đi cứu hộ những công nhân mất tích.

Rạng sáng 18/10, một vụ sạt lở đất nữa đã vùi lấp Sở chỉ huy của Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 thuộc Quân khu 4 (đóng tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) khiến 22 sỹ quan, chiến sỹ hy sinh. 

Ngày 25/10, cơn bão số 8 đổ bộ vào đất liền từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị. Sức gió không mạnh nhưng gây mưa lớn tại các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên – Huế. 

Thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết, tính đến ngày 27/10, mưa lũ sạt lở đất ở miền Trung đã làm 130 người chết, 18 người mất tích, thiệt hại về vật chất cực kỳ lớn.

Việc tìm kiếm 12 công nhân bị mất tích trong vụ sạt lở đất tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) vẫn đang được tiến hành.

Tiếp đó, cơn bão số 9 kèm theo mưa lũ, sạt lở đất đã làm 27 người chết, 50 người mất tích, 67 người bị thương tính đến 7h ngày 31/10. Đáng chú ý là 2 vụ sạt lở đất ở hai huyện Nam Trà My và Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) làm hàng chục người chết và mất tích; 2 con tàu đánh cá của tỉnh Bình Định bị chìm trên biển khiến 23 ngư dân đến nay vẫn chưa có thông tin.

Các cơ quan chức năng đang nỗ lực tìm kiếm những các nạn nhân ở Nam Trà My, Phước Sơn (Quảng Nam) và các ngư dân của tỉnh Bình Định mất tích trên biển.

Bão số 9 khiến 92.000 ngôi nhà bị tốc mái, trong đó khoảng hơn 5.000 nhà bị sập đổ hoàn toàn, hơn 600 công trình bao gồm trạm xá, trường học bị hỏng ở các cấp độ khác nhau. 

Huy động tổng lực để ứng phó

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, các lực lượng công an, quân đội, nhất là cán bộ, chiến sỹ nhiều đơn vị của quân đội trong bối cảnh bão lũ nguy hiểm nhưng vẫn kiên cường làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn ở mọi vùng, miền của Tổ quốc, đặc biệt là ở miền Trung. 

Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ chia sẻ với sự khó khăn, mất mát của đồng bào, của các cán bộ, chiến sỹ ở miền Trung. Chính phủ đã có nhiều biện pháp quyết liệt để cứu hộ, cứu nạn, chỉ thị kịp thời để sơ tán người dân, đảm bảo an toàn, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. 

"Lũ chồng lũ, bão chồng bão” miền Trung: Huy động tổng lực để ứng phó ảnh 1Ngập lụt kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Ban Chỉ đạo tiền phương đã được thành lập do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp chỉ đạo, không chỉ đóng tại Đà Nẵng mà sau đó được dịch chuyển vào huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam).

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, cũng đã vào Quảng Ngãi để kịp thời chỉ đạo ứng phó.

Chính phủ đã dành nhiều thời gian thảo luận các biện pháp ứng phó với tình hình bão lũ, đưa ra các biện pháp cần thiết; hỗ trợ các tỉnh khó khăn trong điều kiện nguồn lực cho phép; yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan chức phát huy trách nhiệm trong việc khắc phục hậu quả bão lũ.

Chính phủ cũng đã tổ chức các lực lượng chức năng triển khai các hoạt động hỗ trợ vật chất cần thiết phục vụ việc khôi phục cuộc sống bình thường cho nhân dân tại vùng thiệt hại do bão lũ; chỉ đạo các địa phương phát động trong toàn dân phong trào "lá rách ít đùm lá rách nhiều."

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, trong khoảng thời gian 2 ngày, một lực lượng gồm hơn 90.000 cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an cùng lực lượng xung kích của 6 tỉnh miền Trung đã được huy động tham gia phòng, chống cơn bão số 9.

Các lực lượng đã hướng dẫn 45.000 tàu, thuyền cùng 300.000 thuyền viên vào nơi neo đậu an toàn; di dời được 100.000 hộ dân với 400.000 người dân ra khỏi những nơi nguy hiểm để đến nơi tránh trú bão an toàn.

Theo ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đợt thiên tai vừa qua tại miền Trung nói riêng và trên cả nước nói chung, khốc liệt hơn năm 1999 với 4 trận bão liên tiếp, trong đó bão số 9 mạnh nhất trong 20 năm vừa qua.

Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và do làm tốt công tác tuyên truyền đến người dân nên thiệt hại chỉ bằng một phần nhỏ so với năm 1999. 

Quay lại với hơn 20 năm trước, do tác động của khối không khí lạnh mạnh kết hợp với dải áp thấp xích đạo, các nhiễu động trên cao và cuối cùng là áp thấp nhiệt đới, các tỉnh miền Trung đã phải hứng chịu những trận mưa rất lớn từ ngày 1 dến ngày 6/11/1999, gây ra lũ lụt nghiêm trọng, nhấn chìm nhiều huyện, thị xã, làm chết 595 người và thiệt hại tài sản lên đến gần 3.800 tỷ đồng. Thừa Thiên-Huế chịu thiệt hại nặng nề nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục