LPB đặt mục tiêu thay đổi mạnh mẽ, toàn diện trong nhiệm kỳ mới

Các cổ đông của LPB đã nhất trí phương án tăng vốn điều lệ lên 28.676 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu nhằm củng cố tiềm lực tài chính, gia tăng nguồn vốn trung-dài hạn.
LPB đặt mục tiêu thay đổi mạnh mẽ, toàn diện trong nhiệm kỳ mới ảnh 1Ra mắt Hội đồng quản trị của LPB tại Đại hội đồng cổ đông 2023. (Ảnh: Vietnam+)

Ngày 23/4 tại Ninh Bình, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienvietPostbank, mã LBP) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Với tỷ lệ đồng thuận cao, Đại hội đồng cổ đông LPB đã thông qua các kế hoạch về phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, phương án tăng vốn điều lệ năm 2023, thay đổi tên viết tắt của ngân hàng, bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới.

Mục tiêu lợi nhuận trước thuế 6.000 tỷ đồng 

Tại Đại hội, các cổ đông đã thống nhất thông qua các báo cáo quan trọng và kế hoạch 2023 với sự đồng thuận cao. Đại hội đã nhất trí phương án tăng vốn điều lệ lên 28.676 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu.

Cụ thể phát hành cho cổ đông hiện hữu 500 triệu cổ phiếu (5.000 tỷ đồng), phát hành 10 triệu cổ phiếu (100 tỷ đồng) theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), phát hành riêng lẻ 300 triệu cổ phiếu (3.000 tỷ đồng) cho nhà đầu tư nước ngoài, nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng lên 15,5%. Đặc biệt, LPB sẽ chi trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu lên tới 19% từ việc phát hành 329 triệu cổ phiếu (3.285 tỷ đồng).

Lãnh đạo LPB cho biết việc tăng vốn nhằm củng cố tiềm lực tài chính, gia tăng nguồn vốn trung-dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh, bảo đảm hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của các cơ quan chức năng, đáp ứng kế hoạch tăng trưởng liên tục hằng năm.

[Lienvietpostbank: Lợi nhuận trước thuế quý 1 đạt 1.566 tỷ đồng]

Năm 2023 LPB cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 6.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022, điều này phản ánh nỗ lực và quyết tâm của ngân hàng trong việc đảm bảo lợi ích cho khách hàng và cổ đông giữa bối cảnh dự báo kinh tế 2023 còn nhiều thách thức.

Ngân hàng cũng dự kiến tổng tài sản đạt 375.000 tỷ đồng, tăng trưởng 14,4% so với đầu năm. Huy động giao dịch giữa các định chế tài chính với doanh nghiệp và người dân (thị trường 1) dự kiến đạt 295.700 tỷ đồng, tăng 17,9%, tăng trưởng tín dụng thị trường 1 dự kiến ở mức 16%, lên gần 273.500 tỷ đồng, có thể được điều chỉnh phụ thuộc vào giới hạn tăng trưởng theo phê duyệt của NHNN. Mức chi trả cổ tức năm 2023 dự kiến là 12%.

Các định hướng chiến lược trọng tâm của LBP năm nay là: Số hóa hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh bán lẻ - đặc biệt tập trung vào địa bán nông thôn đồng thời tái cấu trúc ngân hàng theo hướng hỗ trợ tốt nhất cho phát trển mô hình kinh doanh như xây dựng mô hình hoạt động linh hoạt, tinh gọn để đảm bảo hoạt động vận hành tốc độ nhanh nhưng vẫn an toàn, tuân thủ các quy định về quản trị rủi ro và đầy đủ các chốt kiểm soát...

Đại hội cũng đã bỏ phiếu bầu Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ IX (2023-2028). Với tỷ lệ đồng thuận cao, Đại hội đồng cổ đông đã thông qua 7 thành viên Hội đồng quản trị và 4 thành viên Ban Kiểm soát. Hội đồng quản trị mới gồm: Ông Nguyễn Đức Thụy (Chủ tịch); ông Huỳnh Ngọc Huy và ông Lê Hồng Phong là 2 thành viên cũ; ông Nguyễn Văn Thùy, ông Lê Minh Tâm, ông Hồ Nam Tiến và ông Bùi Thái Hà là ứng viên mới.

Ban Kiểm soát mới gồm: Bà Dương Hoài Liên, ông Trần Thanh Tùng, bà Nguyễn Thị Lan Anh và ông Nguyễn Phú Minh.

Đây đều là các nhân sự cấp cao có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính–ngân hàng, có đầy đủ khả năng để dẫn dắt LPB hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng, phát triển bền vững cả về quy mô lẫn chất lượng trong tương lai.

LPB đặt mục tiêu thay đổi mạnh mẽ, toàn diện trong nhiệm kỳ mới ảnh 2Vốn điều lệ của LPBank từ 2018-2023. Đơn vị: Tỷ đồng

Cũng tại Đại hội, lãnh đạo ngân hàng lý giải việc đổi từ LienVietPostBank thành LPBank là do nhược điểm của tên LienVietPostBank là quá nhiều ký tự, khó phát âm, khó nhớ, dẫn đến khó nhận biết, hiệu ứng truyền thông không cao. Xu hướng chung của các ngân hàng hiện nay là sử dụng tên viết tắt dưới dạng rút gọn nhất có thể, dễ đọc, dễ nhớ.

Báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông cho biết, vượt lên những biến động của nền kinh tế nói chung, ngành tài chính ngân hàng nói riêng, trong năm 2022, LPB đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh được Đại hội đồng cổ đông giao phó, tạo tiền đề vững chắc cho hoạt động kinh doanh của Ngân hàng trong giai đoạn tiếp theo.

Trong đó, lợi nhuận trước thuế đạt 5.690 tỷ đồng, tăng trưởng 56% so với năm 2021. Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của LPB tăng 13%, đạt 327.746 tỷ đồng; huy động giữa thị trường 1 đạt hơn 250.936 tỷ đồng và cho vay thị trường 1 đạt hơn 235.767 tỷ đồng, tăng tương ứng 16% và 12,8% so với cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử 15 năm hoạt động của ngân hàng.

Mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam

Trao đổi với cổ đông về xu thế chuyển đổi số hiện nay, ông Hồ Nam Tiến, quyền Tổng Giám đốc LPB cho biết chuyển đối số là 1 trong những chiến lược chính của ngân hàng thời gian tới. Thời gian qua, ngân hàng thành lập văn phòng chuyển đổi để chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh, mô hình chuyển đổi số và tương tác với các ngân hàng. Ngân hàng đã cải tiến công nghệ, nâng cao các tính năng mới, hiện đại, hỗ trợ phát triển kinh doanh, xây dựng mô hình kinh doanh mới, xây dựng uy tín, định hình thương hiệu trên thị trường. Tiết giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận và nâng cao trải nghiệm của các khách hàng…

Trả lời cổ đông về nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, ông Tiến cho biết, hiện tại ngân hàng vẫn đang tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài phù hợp, trong kế hoạch tăng vốn điều lệ đã có kế hoạch này.

Việc cổ đông lớn VNPost có ý định thoái vốn khiến nhiều cổ đông băn khoăn. Về vấn đề này, ông Bùi Thái Hà, Phó Tổng Giám đốc cho hay, trên cơ sở hợp tác giữa hai bên, thời gian qua, LPB đã mở rộng mạng lưới tới 63 tỉnh, thành phố, phân bổ đều đến các huyện. Từ thời điểm hợp tác đến nay, huy động vốn của ngân hàng đã tăng 11 lần. Ngân hàng cũng phối hợp với VNPost phục vụ nhiều khách hàng ở khu vực nông nghiệp nông thôn và đưa nhiều sản phẩm dịch vụ đến với người dân vùng sâu, vùng xa, góp phần hạn chế tín dụng đen.

Cũng theo ông Hà, việc VNPost thoái vốn không thành công thời gian qua là do giá khởi điểm quá cao so với thị giá cổ phiếu LPB trên thị trường. Việc thoái vốn của khỏi LPB là trách nhiệm của VNPost trong thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về chủ trương thoái vốn ngoài ngành, LPB không thể can thiệp hoặc tác động gì với quá tình thoái vốn của VNPost. Tuy nhiên, ngay cả khi VNPost thoái vốn, việc hợp tác giữa hai bên cũng không bị ảnh hưởng do hai bên đã ký kết  thỏa thuận hợp tác toàn diện trong 50 năm.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Đức Thụy cho biết thêm ngân hàng sẽ vẫn phát triển các trụ cột chính là đẩy mạnh chuyển đổi số, số hoá hoạt động ngân hàng, kiên định chiến lược bán lẻ đặc biệt khu vực nông thôn tận dụng thế mạnh vốn có. Cùng với đó là tái cấu trúc ngân hàng, tăng tỷ trọng thu nhập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đội ngũ kế cận cho chi nhánh và hội sở./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục