Trường phái “Hiện thực kỳ ảo” (Magical Realism) được định nghĩa là khi có những yếu tố ảo diệu tựa ma thuật được đưa vào một bối cảnh chân thực.
Nhà văn Gabriel Garcia Marquez của Colombia có công phổ biến rộng rãi trường phái kể trên trên văn đàn thế giới, còn trong văn hóa đại chúng, một người con khác của Colombia đã đưa những thứ không tưởng vào đời thật.
Ấy là Pablo Escobar - ông trùm cocaine huyền thoại và được xem là tên tội phạm nổi tiếng lịch sử.
Cuộc đời Escobar mang màu sắc kỳ ảo là bởi đất nước Colombia nói riêng và cả thế giới nói chung chưa từng chứng kiến một ông trùm “không tưởng” như y, với tài hô phong hoán vũ khiến chính phủ nhiều nước phải kiêng dè.
Năm 2018, một lần nữa khán giả được nghe câu chuyện đời khó tin của Escobar qua tác phẩm “Loving Pablo” (tựa Việt là Ông Trùm Pablo).
[Tài tử Javier Bardem vào vai trùm matúy khét tiếng Pablo Escobar]
Câu chuyện “thực mà như bịa”
Bộ phim “Loving Pablo” được dựa trên cuốn hồi ký “Loving Pablo, Hating Escobar” của nữ nhà báo kiêm phát thanh viên Virginia Vallejo.
Cuốn sách phát hành năm 2017 này nhanh chóng trở thành tác phẩm tiếng Tây Ban Nha bán chạy nhất tại cả Colombia lẫn Mỹ bởi nội dung nóng bỏng của nó.
Trong sách, Vallejo hồi tưởng lại mối quan hệ tình ái giữa mình với ông trùm Pablo Escobar và những chủ đề nhạy cảm như tham nhũng trong chính trị, nội tình các băng đảng cartel...
Dù Escobar đã chết từ năm 1993 nhưng cái tên này vẫn có sức nặng nhất định đối với xã hội Colombia và nền văn hóa đại chúng thế giới.
Khi lên phim, vai Escobar và Vallejo lần lượt được đảm nhiệm bởi Javier Bardem và Penelope Cruz.
“Loving Pablo” mở đầu với sự hình thành của băng đảng Medellin, để rồi theo lời kể của Vallejo, khán giả dần được chứng kiến con đường lên tới đỉnh cao và rồi lụn bại của ông trùm Escobar.
Trong hơn một thập niên, kể từ khi bắt đầu việc buôn bán ma túy tại Colombia và sau đó mở rộng thị trường sang Mỹ, Escobar đã trở thành cái gai trong mắt chính quyền nhiều nước - đặc biệt là Mỹ.
Chính quyền của Tổng thống Reagan đã làm nhiều cách, bao gồm cả việc thành lập một lực lượng đặc biệt, để tiếp cận được gã trùm ma túy coi trời bằng vung này.
Tuy nhiên, tiền bạc không đáy không những đã giúp Escobar an toàn mà thậm chí còn biến hắn trở thành một “ông nghị.”
Việc một tên tội phạm tầm cỡ như Escobar trở thành đại biểu Quốc Hội Colombia nghe có vẻ khó tin, nhưng đó hoàn toàn là sự thực.
“Loving Pablo” gần như mô tả lại hoàn toàn thực trạng của Colombia trong thập niên 1980s và những năm đầu 1990s.
Khi ấy, Escobar là ông vua một cõi mà không quan tòa nào đủ can đảm để đưa ra xét xử. Hắn có thể vung tiền mua ghế vào nghị trường, ra lệnh ám sát một chính trị gia danh tiếng, treo thưởng hàng chục nghìn đô cho tính mạng một cảnh sát và thậm chí còn... tự xây nhà tù cho riêng mình.
Nhà tù La Catedral được xây theo yêu cầu của Escobar để gã ra đầu thú trước chính phủ Colombia vào năm 1991.
Tuy nhiên, đây thực chất là một... nơi nghỉ dưỡng, với đầy đủ cơ sở vật chất tiện nghi và còn có cả vòi phun nước lẫn một sân bóng đá.
Đây được xem là pháo đài để ngăn chặn các kẻ thù vào ám sát Escobar hơn là một nơi để giam giữ ông trùm khét tiếng này.
Những sự kiện trên nếu được gắn với một cái tên xa lạ nào khác thì hoàn toàn có thể được cho là hư cấu.
Tuy nhiên cái tên được nhắc tới ở đây là Pablo Escobar, nên đó là chuyện hoàn toàn có thật. Đó là điểm hấp dẫn của “Loving Pablo” - đặc biệt là với những người chưa từng tìm hiểu kỹ về cuộc đời của ông trùm người Colombia.
Vẫn dưới tầm Narcos
Tựa đề “Loving Pablo, Hating Escobar” không chỉ là quan điểm trái ngược của mình cô nhân tình Vallejo về nhân vật huyền thoại này.
Escobar là cái tên gieo rắc nỗi kinh hoàng cho nhiều gia đình với “cái chết trắng,” đồng thời là kẻ châm ngòi cuộc chiến đẫm máu từng khiến Colombia trở thành thủ phủ của những vụ giết người cuối thế kỷ 20.
Nhưng cũng chính con người ấy lại được người dân nghèo Medellin xem như một “Robin Hood” thời hiện đại, với tài diễn thuyết hùng hồn trước đám đông và những đóng góp của gã cho đời sống người dân.
Pablo còn là kẻ vô cùng yêu vợ thương con, bởi dù có vô vàn người phụ nữ vây quanh, hắn vẫn biết trân trọng vợ mình bởi cô là người “đã ở bên cạnh khi tôi không có lấy một cắc.”
Để đảm nhiệm vai Escobar là nhiệm vụ không dễ dàng, nhưng tài tử Javier Bardem đã làm tốt điều này.
Ngôi sao từng giành giải Oscar với “No Country For Old Men” này luôn mơ được thực hiện một phim về Escobar và đã mừng như bắt được vàng khi Virginia Vallejo ra hồi ký.
Không kể vẻ ngoài đã được chăm chút với mái tóc xoăn, bộ ria mép và chiếc bụng phệ, Bardem còn lột tả được thần thái đa sắc của Escobar. Đóng cặp cùng ông là người vợ Penelope Cruz trong vai Vallejo.
Sự ăn ý được thể hiện trong những cảnh hai người bên cạnh nhau, tuy nhiên diễn xuất của hai ngôi sao này là chưa đủ để biến “Loving Pablo” thành một tác phẩm xuất sắc. Bộ phim ra đời ba năm sau “Narcos” - series truyền hình đình đám của Netflix về cuộc đời Escobar.
Cuộc đời đầy ắp sự kiện của Escobar sẽ hợp lý hơn nếu được kể trên phim truyền hình, và thực tế cho thấy “Loving Pablo” cũng gạt bỏ hoặc mô tả sơ sài nhiều sự kiện trong cuộc đời Escobar.
Ngôn ngữ trong phim cũng là một vấn đề, khi đạo diễn Fernando Leon de Aranoa để các diễn viên nói tiếng Anh với giọng Tây Ban Nha khá khó nghe thay vì nói tiếng Tây Ban Nha.
Bản thân “Loving Pablo” còn sự non tay trong kể chuyện, với những tình huống được làm quá nhanh dễ tạo sự hụt hẫng ở khán giả.
Ví dụ như phân cảnh đầu, Vallejo được giới thiệu gặp Escobar trong bữa tiệc và ngay cảnh sau đã là nhân tình. Việc thiếu đi các cảnh dẫn dắt cần thiết như vậy khiến bộ phim không thực sự thuyết phục - đặc biệt là với những ai từng xem qua “Narcos.”
Trong trường hợp chưa từng xem qua loạt phim của Netflix hay đọc về cuộc đời Escobar, “Loving Pablo” là một lựa chọn không tồi cho những ai muốn biết về ông trùm ma túy lớn nhất lịch sử thế giới này.
Loving Pablo (tựa Việt là Ông trùm Pablo)
Đạo diễn: Fernando Leon de Aranoa
Diễn viên: Javier Bardem, Penelope Cruz
Thể loại: Tiểu sử, Hình sự
Thời lượng: 123 phút
Ngày khởi chiếu tại Việt Nam: 29/8.
Phim cấm khán giả dưới 18 tuổi.