Tại Bệnh viện An Bình Thành phố Hồ Chí Minh, từ nhiều năm nay có một lớp học vẽ đặc biệt: lớp hội họa giao tiếp dành cho những bệnh nhân đang phục hồi chức năng sau đột quỵ. Từ lớp vẽ, nhiều người bệnh đã hồi phục một cách ngoạn mục, vực dậy tinh thần và khai phá được năng khiếu tiềm ẩn của bản thân.
Khi bệnh viện thành nơi học vẽ
Đều đặn mỗi sáng thứ Sáu hàng tuần, ông Hồ Đắc Thắng (59 tuổi, ngụ thành phố Thủ Đức) lại nhờ con trai đưa đến Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện An Bình (quận 5) để tham gia lớp vẽ tranh.
Từ khi biết đến lớp vẽ này, ông Thắng chưa nghỉ buổi nào. Thích vẽ từ nhỏ nhưng không có cơ hội học vẽ, cuộc sống mưu sinh khiến cho niềm đam mê vẽ trong ông Thắng gần như bị dập tắt. Thế nên khi nghe nói có lớp vẽ miễn phí cho bệnh nhân phục hồi chức năng sau đột quỵ, dù nhà xa nhưng ông Thắng vẫn hào hứng tham gia.
“Đến đây, mình rất vui vì gặp được nhiều người cùng cảnh ngộ, sau đó còn được cầm cọ, pha màu, vẽ tranh… đam mê hồi bé trỗi dậy, tinh thần mình thoải mái hơn, các ngón tay dường như linh hoạt hơn," ông Thắng chia sẻ.
[Mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 trường hợp mắc bệnh đột quỵ]
Ở một góc khác, anh Phạm Xuân Sang (39 tuổi, ngụ quận 8) lại đang mải miết tô màu cho bức tranh hoa lá đơn giản. Dù ban đầu hơi ngại ngùng vì không biết vẽ nhưng sau hai buổi học, anh lại “ghiền” vì lớp vẽ rất vui. Mỗi lần tô màu xong một bức vẽ, anh nhờ vợ chụp hình lại và đăng lên mạng xã hội để “khoe” với bạn bè, người thân. Quan trọng hơn, tinh thần của anh ngày một cải thiện theo hướng tích cực hơn.
Anh tâm sự: “Ban đầu, khi mới bị đột quỵ liệt nửa người, mình rất chán, buồn và nhiều đêm khóc thầm, không ngủ được. Đến đây, nhìn thấy nhiều người cùng cảnh ngộ, được trò chuyện, cùng tập vật lý trị liệu, vẽ tranh, tô màu, mình lạc quan hơn, tự nhủ phải cố gắng tập luyện để sớm trở lại cuộc sống như trước đây."
Ông Thắng, anh Sang là hai trong số các học viên của lớp hội họa giao tiếp do Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện An Bình tổ chức.
Tiến sỹ Lê Khánh Điền, Trưởng Khoa cho biết năm 2012, ông nhận được học bổng du học Australia về chuyên ngành phục hồi chức năng. Trở về nước năm 2013, ông đề xuất tổ chức lại hoạt động phục hồi chức năng cho người bệnh một cách bài bản hơn, trong đó có hoạt động mở lớp hội họa giao tiếp.
Được sự đồng ý của lãnh đạo bệnh viện, tiến sỹ Lê Khánh Điền đã mời các sinh viên tình nguyện của Trường Đại học Kiến trúc và Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tham gia hướng dẫn cho người bệnh; đồng thời vận động các nhà hảo tâm tài trợ chi phí để mua bàn, ghế, dụng cụ, giấy vẽ, cọ, màu vẽ… cho lớp học.
Từ năm 2013 đến nay, lớp hội họa giao tiếp thu hút nhiều bệnh nhân tham gia. Mỗi buổi học thường xuyên có khoảng 20 bệnh nhân, có người đã theo lớp 6-7 năm, có người đã khỏi bệnh nhưng vẫn thỉnh thoảng quay lại với lớp học.
Nhờ lớp học, nhiều bệnh nhân đã "khai phá" được khả năng tiềm ẩn của bản thân và có những bức vẽ rất đẹp. Bệnh viện An Bình từng tổ chức triển lãm tranh của các học viên lớp hội họa giao tiếp. Dự kiến năm 2023, một buổi triển lãm tranh tương tự với quy mô lớn hơn sẽ được tổ chức.
Nâng đỡ tinh thần cho người bệnh sau đột quỵ
Theo tiến sỹ Lê Khánh Điền, bệnh nhân sau tai biến thường bị yếu liệt nửa người, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn chức năng nuốt. Sau khi điều trị, người bệnh cần phục hồi các chức năng để trở lại với cuộc sống sinh hoạt thường ngày.
Hội họa giao tiếp có vai trò quan trọng trong việc kích thích sự phát triển của não bộ, giúp bệnh nhân phục hồi tốt hơn. Lớp vẽ tranh vừa giúp giải tỏa tâm lý vừa giúp tay chân của bệnh nhân linh hoạt hơn.
“Tâm lý, tinh thần thoải mái là một trong những yếu tố quan trọng đối với những người bệnh đang phục hồi chức năng. Đồng thời khi bệnh nhân có sự giao tiếp, trao đổi với nhau, họ sẽ có thêm niềm tin, động lực để vượt qua những khó khăn trước mắt," tiến sỹ Điền cho biết thêm.
Thực tế, nhiều bệnh nhân tham gia lớp vẽ đã phục hồi tốt và nhanh hơn so với những bệnh nhân khác. Một số bệnh nhân trong thời gian dài sau đột quỵ rơi vào tình trạng buồn chán, đau khổ, không có động lực phục hồi, nói năng khó khăn, chân tay yếu liệt. Sau khi tham gia lớp vẽ, họ đã trở nên hoạt bát, lanh lợi.
Anh Nguyễn Thanh Tuấn (46 tuổi, ngụ quận 8) bị đột quỵ hơn 1 năm trước. Từ đó, anh trở nên lầm lì, ít nói và không có động lực sống.
Khi biết đến lớp vẽ, anh trở nên vui vẻ, lạc quan và chăm chỉ luyện tập để sớm trở lại với cuộc sống bình thường. Nhờ thế, các cử động tay chân linh hoạt hơn, các vận động khác dần phục hồi. Anh đã có thể tự đi xe điện đến bệnh viện, tự chủ được sinh hoạt cá nhân mà không phải trông cậy vào người khác.
“Khi biết sức khỏe của tôi đã cải thiện, lãnh đạo công ty cũ đồng ý tiếp nhận tôi quay trở lại với công việc. Dự kiến qua Tết, tôi sẽ đi làm lại," anh Tuấn hồ hởi khoe.
Bác sỹ Hồ Hải Trường Giang, Giám đốc Bệnh viện An Bình cho biết trung bình mỗi ngày, Khoa Phục hồi chức năng của bệnh viện tiếp nhận khoảng 200 lượt bệnh nhân đến khám và tập vật lý trị liệu.
Để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân, đơn vị đã trang bị nhiều máy móc, thiết bị hiện đại để người bệnh có thể tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng vận động. Song song đó, hoạt động ngôn ngữ trị liệu được chú trọng để phục hồi chức năng nói và nuốt cho người bệnh.
Cùng với đó, đơn vị đang triển khai các hoạt động trị liệu, trang bị các kỹ năng cầm, nắm đồ vật, thay quần áo, tắm rửa… giúp người bệnh dần tự chủ được sinh hoạt hằng ngày.
Từ thành công của lớp hội họa giao tiếp, sắp tới, Bệnh viện An Bình sẽ mở thêm các lớp như âm nhạc trị liệu, cờ vua, cờ tướng, trò chơi điện tử, thư pháp… dành cho những bệnh nhân sau điều trị sa sút trí tuệ, tai biến, tổn thương não… để có thêm công cụ giúp người bệnh phát triển não bộ, phục hồi ngôn ngữ và vận động./.