Lớp phóng viên chiến trường GP10: Vẫn mãi tuổi 20

Theo nhà báo Đỗ Phượng, GP10 là lớp đặc biệt, xứng đáng là 1 danh hiệu trong lịch sử xây dựng và phát triển Thông tấn xã Việt Nam.
40 năm trước - ngày 16/3/1973, những sinh viên ưu tú được lựa chọn từ một số trường đại học tên tuổi của đất nước, lên tàu từ ga Thường Tín (Hà Nội) để bắt đầu cho một chuyến đi, bắt đầu cho một cuộc đời từ trong khói lửa chiến tranh. Hơn 100 học viên khóa GP10 - lớp phóng viên chiến trường của Việt Nam Thông tấn xã đã lên đường vào chiến trường B, chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng...

Tuổi 20-ngày ấy lên đường


Những cử nhân từ các Trường Đại học Tổng hợp, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Ngoại giao... được tuyển chọn về Việt Nam Thông tấn xã theo chủ trương của Đảng, Chính phủ trong những ngày cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đang bước vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh.

Anh Nguyễn Sĩ Thủy “nhớ mãi những chuyện tình” nhớ lại: Khi ấy, chuẩn bị đón Xuân mới Quý Sửu 1973, lớp báo chí GP10 được về nghỉ Tết chia tay gia đình, người thân để đi xa, khó hẹn ngày trở lại. Có người đã kịp làm một đám cưới thời chiến để vui lòng bố mẹ ở hậu phương trong ngày tiễn con đi chiến trường. Những cử nhân còn rất trẻ, lên đường vào chiến trường phơi phới tuổi 20.

Anh Lý Văn Tích, Lớp trưởng lớp GP10 vẫn nhớ như in ngày 16/3/1973, các đoàn trong lớp phóng viên được biên chế theo 5 Chi với các phiên hiệu riêng đi mặt trận. Mọi người rời tỉnh Hòa Bình - nơi bồi dưỡng sức khỏe và rèn thể lực, tập kết về Ga Thường Tín. Ngay chiều tối cùng ngày, mọi người lên tàu vào Nam. Ngày ấy, có cả những cuộc chia tay với những giọt nước mắt giấu trong chiếc khăn tay của những người đang yêu nhau. Họ không dám ôm hôn nhau trước chỗ đông người, trước anh em đồng đội; họ nắm chặt tay nhau, lặng lẽ, vội vàng và hy vọng về một ngày gặp lại.

Theo nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, lớp phóng viên GP10 là “Lớp đặc biệt được tổ chức theo Chỉ thị của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ chỉ đào tạo cho chiến trường.” Những phóng viên chiến trường tương lai được chú ý đặc biệt bởi tất cả đều là những cử nhân trẻ trước khi gia nhập đội ngũ những người làm báo thông tấn, điều đó không dễ có được trong điều kiện đất nước đang chiến tranh. Phải chăng, tầm văn hóa, nhận thức chính trị và ý thức giác ngộ cách mạng cao của các cử nhân đến từ các trường đại học tên tuổi lúc bấy giờ đã giúp các học viên GP10 nhanh chóng tiếp thu những kiến thức cần thiết của phóng viên chiến trường, phóng viên-nhà báo Việt Nam Thông tấn xã.

Anh Trần Quang Vũ không do dự khi nói rằng 6 tháng bồi dưỡng nghiệp vụ, được những nhà báo như Hoàng Tùng, Lưu Quý Kỳ... nhiệt tình dạy bảo; học viên học ngày học đêm với tinh thần tất cả vì miền Nam... nên chất lượng phóng viên GP10 khác với bất kỳ một khóa bồi dưỡng nghiệp vụ nào của Việt Nam Thông tấn xã trước đây và Thông tấn xã Việt Nam sau này.

Anh Trần Quang Vũ không giấu sự xúc động khi nhớ lại đêm đưa tiễn những người bạn, người đồng chí, đồng nghiệp hy sinh trên đường ra trận ở vùng đất Attapu (Nam Lào). Mưa như có ai đổ nước xối xả lên tấm tăng làm lán nghỉ giữa rừng. Mưa lớn là vậy mà vẫn không át được tiếng khóc, tiếng nấc tiếc thương giữa những người đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè mới đến cùng nhau giờ lại vội vã vĩnh viễn xa nhau. Các phóng viên GP10 khóc vĩnh biệt hai bạn cùng khóa Trần Viết Thuyên và Phạm Thị Kim Oanh.

Chiếc xe chở đoàn phóng viên tin (đoàn A264) đi chiến trường B2 bị lật nhào ở thị trấn Attapu khi còn cách Trạm giao liên 79 chỉ vài ba cây số trên biên giới Lào-Campuchia, ngày cuối cùng của cung đường giao liên cơ giới - ngày 2/4/1973. Hầu hết những người đi trên xe đều bị thương. Anh Thuyên, chị Oanh và ông Lâm Văn Bang (cán bộ miền Nam tập kết) đã hy sinh, gánh cái không may cho tất cả mọi người.

Buổi chiều muộn, trước khi vượt sông Sekon sang đất Campuchia, nhìn dòng nước cuốn theo những đau thương mất mát của chiến tranh trôi về đâu không rõ, chứng kiến tận mắt sự tàn khốc của chiến tranh..., những người trong đoàn không ai bảo ai đều lấy Nhật ký ra đọc, đọc hết những gì đọc được... và đốt đi trước lúc vượt sông. Tuổi 20 là vậy, suy nghĩ và hành động của tuổi trẻ thời chiến tranh, của những cử nhân-phóng viên GP10 là vậy. Họ muốn để lại sau tất cả để nhẹ nhàng bước vào cuộc chiến. Các anh Đình Na, Khuất Thế Dũng, Đoàn Đức bị thương được bố trí quay ra Bắc điều trị vẫn nằng nặc đòi đi tiếp cùng đồng đội.

Những dòng tin đẫm hơi thở chiến trường

Ngày đó, lớp phóng viên GP10 sau khi kết thúc khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí tại Hạ Hiệp-Quốc Oai (Hà Tây cũ) được biên chế thành 5 Chi đi đến các mặt trận ở phía Nam chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng với các phiên hiệu riêng. Một đoàn đi Bình Trị Thiên; một đoàn đi các tỉnh miền Trung Trung Bộ; ba đoàn, gồm 2 đoàn phóng viên tin và 1 đoàn phóng viên ảnh đi sâu vào chiến trường miền Đông và miền Tây Nam Bộ.

Được đào tạo, bồi dưỡng tốt cả về chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị tư tưởng; với bầu nhiệt huyết của tuổi 20, các phóng viên tin, ảnh lớp GP10 trên khắp các chiến trường đã kịp thời thích nghi với không khí và hoàn cảnh chiến tranh. Những dòng tin ảnh thông tấn ban đầu đã kịp thời gửi về Tổng xã ở Thủ đô Hà Nội. Đó là những tin bài, ảnh thời sự phản ánh những trận chiến đấu, những chiến dịch được mở ra, những chiến công vang dội của quân dân ta ở nơi đầu sóng ngọn gió của cuộc chiến tranh chống Mỹ-ngụy.

Trên chiến trường Bình Trị Thiên và miền Trung Trung Bộ khói lửa có các phóng viên Trần Kim Qui, Triệu Thị Thùy, Hà Mùi, Cao Trọng Nghiệp, Lê Thị Kim Thoa, Cao Tần Hòa... Ở miền Đông và Tây Nam Bộ có Vũ Xuân Bân, Nguyễn Anh Tuấn, Vũ Xuân Hoạt, Phạm Nhật Nam, Lê Cương, Kim Sơn, Quang Minh, Văn Khánh, Bạch Yến, Thanh Liêm, Nguyễn Sĩ Thủy, Hoàng Đình Chiến, Lý Văn Tích, Đỗ Minh Hưng, Phạm Độ, Lê Văn Thơn, Nguyễn Đăng Chiến... Tất cả không quản ngại gian khổ hy sinh, bám địa bàn, bám dân, đột ấp, lội đồng, vượt kênh rạch trong đêm… để thổi vào mỗi dòng tin, mỗi tấm ảnh hơi thở nóng hổi của chiến trường, hơi thở của quân dân miền Nam trong những ngày hừng hực khí thế tiến công cách mạng.

Phóng viên GP10 cũng đã cùng các cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Họ cùng các thế hệ phóng viên của Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng kịp ghi lại thời khắc lịch sử thiêng liêng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà bằng những dòng tin và hình ảnh đầy nhựa sống.

Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đức Lợi khẳng định phóng viên GP10 là những cử nhân được đào tạo chính quy tại các Trường Đại học, được tuyển chọn về Việt Nam Thông tấn xã, học nghiệp vụ phóng viên để đi chiến trường. Đỉnh cao vinh quang và cũng là vinh dự mà nhiều phóng viên GP10 có được là trực tiếp tham gia đưa tin, chụp ảnh, góp phần phản ánh một trong những chiến công vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau ngày nước nhà thống nhất, phóng viên GP10 có mặt đưa tin, chụp ảnh về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam của đất nước, về cuộc chiến giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng... Dù có mặt ở chiến trường hay làm nhiệm vụ tại cơ quan Tổng xã, phóng viên lớp GP10 đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Lớp phóng viên GP10 có một vị trí đặc biệt trong sự nghiệp vẻ vang của ngành thông tấn. Trang sử hào hùng của Thông tấn xã Việt Nam mãi mãi khắc ghi gương sáng GP10.

Vẫn mãi tuổi 20

Kỷ niệm 40 năm ngày đi chiến trường, lớp phóng viên GP10 ngày ấy bây giờ tóc đã bạc, đã lên chức ông, chức bà trong mỗi gia đình; nhiều người trong số họ có con trai, con gái đang theo nghiệp bố, mẹ tại cơ quan Thông tấn xã Việt Nam hay các đơn vị thông tin báo chí khác. Họ không còn đủ mặt như ngày lên tầu đi chiến trường.

Một người trong lớp GP10 tâm sự: Lớp phóng viên đi chiến trường ngày ấy, ngoài 2 người hy sinh trên đường ra trận, đến nay, đã có 8 anh chị em về cõi vĩnh hằng do bệnh tật hiểm nghèo; có cặp vợ chồng như Hoàng Khắc Điện, Hồ Bạch Yến cũng đã ra đi. Mỗi lần nghe tin ai đó trong khóa GP10 ra đi lại là một đêm không ngủ; thao thức nhớ lại từng gương mặt bạn bè, nhớ về những ngày làm việc sống chết bên nhau trong bom đạn...

Bây giờ, các anh chị lớp GP10 ngày ấy đều đã nghỉ hưu, mỗi người tùy hoàn cảnh tìm cho mình một công việc để đỡ nhớ nghề, nhớ nghiệp hay giúp đỡ gia đình, con cháu. Họ gặp lại nhau trong những dịp Thông tấn xã Việt Nam tổ chức đi thăm lại chiến trường xưa, ngày truyền thống ngành hay khi gia đình nào có việc hiếu, việc hỷ...

Sự đổi thay về sức khỏe theo thời gian là điều không tránh được. Cuộc sống đời thường cũng tác động không nhỏ đến mỗi người khi xa rồi nghề chụp ảnh, làm tin thông tấn. Nhiều sự đổi thay nhưng với lớp phóng viên GP10, duy chỉ có một điều không thay đổi: Tình yêu Thông tấn xã Việt Nam, yêu nghề và đồng chí đồng đội, bạn bè trong khóa phóng viên đi chiến trường năm nao.

Các anh chị tự hào khi nói rằng, phóng viên GP10 là lớp phóng viên đi qua chiến tranh; giầu tình yêu thương và tha thứ. Và, đặc biệt, họ không “công thần” khi từ chiến trường trở về. Họ giữ mãi trong lòng sự nhiệt tình của tuổi 20 ngày ấy khi lên đường, rời xa giảng đường để làm phóng viên chiến trường thực thụ. Thực sự, trong suy nghĩ của rất nhiều người, nhất là ở những đồng nghiệp “liền anh liền chị” hay lớp phóng viên nhà báo thông tấn sau này, lớp phóng viên GP10 đã thành một danh hiệu.

Xin mượn lời của nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam: “GP10 là lớp đặc biệt, xứng đáng là một danh hiệu trong lịch sử xây dựng và phát triển của Thông tấn xã Việt Nam..."./.

Công Hải (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục