Lớp học chữ Nôm đặc biệt của những người ở tuổi “xưa nay hiếm”

Tiếng lành đồn xa, lớp học chữ Hán Nôm ở Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, thu hút nhiều bậc cao niên từ các xã khác trên địa bàn huyện Vĩnh Tường đến đăng ký học chữ.
Sau nhiều năm theo học, các lão sinh có thể viết chữ Hán Nôm thành thạo. (Ảnh: Nguyễn Thảo/TTXVN)

Cứ sáng thứ Sáu hàng tuần, tại khuôn viên đình làng xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, lại rôm rả tiếng cười, tiếng nói chuyện. Đó là lớp học Hán Nôm của những cụ già từ 60 tuổi trở lên, thầy giáo cũng đã gần 80 tuổi.

Lớp học chữ Hán Nôm của các cụ cao niên tổ chức tại khuôn viên đình làng Thượng Trưng được bắt đầu từ cuối tháng 5/2016. Bất kể ngày nắng hay mưa, lúc nào lớp học cũng duy trì trên dưới 20 học viên.

Ông Phạm Văn Thúc, 78 tuổi, là người khởi xướng phong trào học Hán Nôm ở Thượng Trưng. Ban đầu, lớp học có khoảng 10 học viên, là những người cao tuổi hoặc vừa về hưu sống ở xã Thượng Trưng.

Tiếng lành đồn xa, lớp học chữ Hán Nôm ở Thượng Trưng còn thu hút nhiều bậc cao niên từ các xã khác trên địa bàn huyện Vĩnh Tường đến đăng ký học chữ.

[Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Gỡ bỏ mọi rào cản thực hiện giáo dục mở]

Ông Phạm Văn Thúc cho biết Thượng Trưng là vùng có truyền thống hiếu học, khoa bảng với nhiều người đỗ tú tài, tiến sỹ. Vùng đất văn hiến này vẫn còn lưu giữ nhiều hoành phi, câu đối, sắc phong, thư tịch cổ... nhưng lại không mấy người biết đọc.

Từ đó, ông Thức trăn trở, phải lập ra một lớp học nào phù hợp với những người cao tuổi trong xã, trước là để họ sống vui, khỏe với tuổi già, sau là để con cháu, thế hệ trẻ nhìn vào học tập, noi gương theo. Với ý tưởng đó, lớp học chữ Hán Nôm ra đời.

Lớp học chữ Hán Nôm lấy khuôn viên đình Thượng Trưng làm nơi để cho các bậc cao niên tụ họp, gặp nhau vào mỗi sáng thứ Sáu hàng tuần. Ông Thúc trực tiếp đứng giảng dạy và mời thêm các thầy giáo từ các câu lạc bộ chữ Hán Nôm trong tỉnh về dạy cho các cụ.

Ông Lê Xuân Khoan đã ngoài 85 tuổi, vẫn đạp xe hơn 10 cây số từ xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường đến học. Là người cao tuổi nhất, cụ cần mẫn và chăm học, ít khi thấy cụ chịu vắng mặt buổi nào.

Ông Khoan chia sẻ trước kia, cha ông là ông đồ nho. Ông cũng được cha truyền dạy chữ nhưng qua thời gian, trí nhớ kém nên dần quên hết. Được biết ở xã Thượng Trưng mở lớp dạy chữ, ông tìm đến học vừa để vui tuổi già, để hiểu được những ý nghĩa thâm thúy trong chữ Hán Nôm của cha ông để lại và học như một cách để nêu gương cho con cháu.

Theo ông Bùi Văn Thọ, 75 tuổi, "lớp trưởng" của câu lạc bộ Hán Nôm và cũng là người theo học từ khi mới khai giảng cho biết: "Chúng tôi chủ yếu là cán bộ về hưu, có niềm đam mê với môn này và theo đuổi từ rất lâu. Học chữ Nôm để hiểu được ý nghĩa sâu xa trong văn thơ, trong những câu đối thơ Nôm của các bậc thánh hiền.”

Lớp học chữ Hán Nôm của các bậc cao niêm ở đình Thượng Trưng. (Ảnh: Nguyễn Thảo/TTXVN)

Đến lớp ai cũng thấy trẻ lại, vui như được quay trở lại thời cắp sách. Buổi nào thầy cũng kiểm tra bài cũ. Ai cũng phải đọc, có người còn bị nhắc nhở phải ngắt, nghỉ đúng lúc. Có cụ giọng đọc sang sảng như những người chủ trò tế lễ ngày xưa khiến lớp học có âm điệu rộn ràng.

Những ngày đầu mở lớp, kinh phí còn eo hẹp, ông Thúc đứng ra đảm nhiệm giảng dạy cho lớp. Để nâng cao kiến thức về chữ Hán Nôm, ông Thức cùng các thành viên thường xuyên sưu tầm các loại sách liên quan đến Hán Nôm, những câu đối, tam kinh, ngũ thiên tự, sách tự học Hán nôm… về nghiên cứu và chia sẻ cho các học viên.

Việc học chữ Hán Nôm vốn dĩ đã rất khó, đối với những người cao tuổi lại càng khó khăn hơn bởi trí nhớ đã giảm sút. Ấy vậy mà những lão sinh theo lớp nhiều năm đã có thể nhận được nhiều mặt chữ, dịch được các bộ hoành phi câu đối ở đình chùa và đọc được những cuốn gia phả cổ xưa.

Ông Thúc chia sẻ: “Chúng tôi lấy các câu ngụ ngôn, các câu đối, bức hoành phi hay câu nói dùng hằng ngày để dạy. Đi vào từng chi tiết, ý nghĩa để các cụ dễ hiểu và nhanh tiếp thu nhất.” Mỗi buổi học, các bậc cao niên sẽ được thầy giáo phát cho các bài thơ, áng văn của các thi sỹ như Nguyễn Du, Hồ Chí Minh... để phân tích, học các từ mới. Sau này còn tìm hiểu cả các văn bản cổ như "Hịch Tướng Sĩ," "Bình Ngô Đại Cáo"...

Khi những học viên đã có đủ vốn chữ, các thầy bắt đầu yêu cầu khó hơn như cuối mỗi buổi học, thầy lại đưa ra một vế đối và yêu cầu buổi học sau các lão sinh phải mang đến vế đối còn lại.

Lớp học còn thường xuyên tổ nhiều chuyến đi thực tế tại các địa phương, thăm quan các đình chùa, thẩm định hàng trăm tài liệu Hán Nôm, đọc, dịch các văn bia, gia phả, hoành phi, câu đối cho nhiều cơ quan, dòng họ.

Sau khi theo học, có những người nhớ được hàng trăm chữ, có thể viết được các bài cúng, bài tế đơn giản và hiểu được ý nghĩa của các câu đối, hoành phi ở đình, chùa. Những người thầy của lớp học kỳ lạ này trăn trở muốn truyền đạt lại những nét tinh hoa của cha ông cho nhiều hơn nữa các hậu bối và cả thế hệ trẻ hôm nay.

Hiện nay, ông Thúc và các cộng sự đã mở được một lớp học chữ Hán Nôm cho các bậc cao niên và các em nhỏ ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường nhằm giúp các em nhỏ tìm hiểu về nét đẹp văn hóa từ lâu đời của dân tộc.

Trong thời đại ngày nay, khi những nét văn hóa truyền thống dần bị lãng quên thì lớp học đặc biệt này lại mang một thông điệp ý nghĩa về văn hóa, giúp các thành viên hiểu hơn về các sắc phong câu đối hoành phi đình làng, gia đình.

Lớp học Hán Nôm của những người cao tuổi ở xã Thượng Trưng cũng đã tạo thành một văn hóa đẹp - một xã hội cùng học tập./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục