Phật giáo đồng hành cùng cộng đồng tạo nên những phép màu của cuộc sống (Bài 1)

Lòng từ bi - Những món quà quý giá được gửi trao lại trong cuộc sống

Với gần 2000 năm gắn bó và đồng hành với dân tộc, Phật giáo Việt Nam đã trải qua những thăng trầm cùng lịch sử đất nước. Phật giáo đã thấm sâu, lan tỏa, hòa quyện vào xã hội Việt Nam.

Lời mở đầu

Với gần 2000 năm gắn bó và đồng hành với dân tộc, Phật giáo Việt Nam đã trải qua những thăng trầm cùng lịch sử đất nước. Phật giáo đã thấm sâu, lan tỏa, hòa quyện vào xã hội Việt Nam, là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam.

Trong bất cứ thời kỳ nào của lịch sử, Phật giáo cũng có những đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần "Hộ quốc, an dân" và phương châm "Đạo pháp-Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội". Trong những năm gần đây, các hoạt động Phật sự và hoạt động xã hội của Phật giáo luôn có sự đổi mới, bám sát thực tiễn sinh động, luôn hướng đến con người, vì con người. Các hoạt động từ thiện, nhân đạo, an sinh xã hội được đông đảo tín đồ, Phật tử và người dân đồng lòng ủng hộ.

Hòa chung trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, năm 2024, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam đã có một điểm nhấn mới, đó là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền các hoạt động vận động đăng ký hiến mô tạng - một hoạt động mang tính nhân văn như giáo lý Phật giáo thường răn dậy. Bởi trong cuộc sống, hiến mô, tạng là một trong những món quà quý giá nhất mà một người có thể trao tặng cho người khác. Thông qua những hoạt động này, cùng với nhiều tôn giáo khác, Phật giáo Việt Nam đã thể hiện sâu sắc tinh thần nhân văn, hướng thiện, tăng cường kết nối tình đoàn kết giữa Đạo với Đời, giữa các tầng lớp nhân dân, góp phần giáo dục, phát huy tinh thần cộng đồng, phát huy sức mạnh tập thể theo truyền thống của người Việt.

Những năm qua, để thúc đẩy sự phát triển của công cuộc đổi mới, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm khai thác, phát huy, xây dựng các nguồn lực phục vụ cho quá trình phát triển đất nước. Trong đó, có những chính sách đúng đắn về tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng, coi đây là một trong những nhân tố quan trọng để việc giải quyết các vấn đề xã hội, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước hiện nay.

Chùm bài: “Phật giáo đồng hành cùng cộng đồng tạo nên những phép màu của cuộc sốngtập trung phản ánh hệ tư tưởng Phật giáo trong đời sống góp phần phát huy tinh thần tốt đời đẹp đạo của mỗi người và của cộng đồng.

Những triết lý về mặt tư tưởng này vượt không gian và thời gian, bất cứ ở đâu và bất cứ thời đại nào, tư tưởng đạo đức của Phật giáo vẫn giữ giá trị cốt lõi trong nền tảng đạo đức nhân loại. Đạo Phật lấy chúng sinh làm đối tượng để phụng sự, đặt sự tồn tại của mình trong mối tương quan mật thiết với sự tồn tại và tiến hóa của xã hội loài người. Có thể khẳng định, những kết quả đạt được của Phật giáo Việt Nam thời gian qua đã góp phần ổn định xã hội, hướng một bộ phận nhân dân có định hướng đúng trong đời sống tinh thần và xây dựng được chuẩn mực đạo đức xã hội và đạo đức cá nhân, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Bài 1:

Lòng từ bi - Những món quà quý giá được gửi trao lại trong cuộc sống

Mô, tạng hiến là một trong những món quà quý giá nhất mà một người có thể trao tặng cho người khác. Mỗi một mô, tạng được hiến tặng là một cuộc sống được hồi sinh, một gia đình được bảo vệ và là một niềm hy vọng được nhen nhóm. Trên toàn thế giới nói chung và cả Việt Nam nói riêng, hàng triệu người đang chờ đợi một phép màu, chờ đợi một cơ hội sống mới từ những tấm lòng nhân hậu trong cuộc sống gửi trao.

Nhịp đập của lòng nhân ái

Hai tháng sau khi được ghép tim-gan đồng thời tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, anh Đ.V.H. (41 tuổi) đã hồi phục diệu kỳ, chuẩn bị được xuất viện. Anh H. có thể vận động đi lại, nói chuyện bình thường, như có một cuộc đời mới.

Anh H. là người bệnh ghép tim-gan đồng thời lần đầu tiên tại Việt Nam. Trước đó, anh được phát hiện mắc bệnh cơ tim giãn từ lâu, chức năng tim suy giảm theo thời gian kèm theo gan, thận và các tạng khác cùng suy giảm. Anh H nhập Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng suy tim cấp cứu, cơ hội sống chỉ tính bằng 1-2 ngày khi tim phổi, gan đều phải nhờ đến máy móc chạy thay. Cách duy nhất có thể cứu sống người bệnh là thay thế đồng thời tim và gan. Khi đó các bác sỹ chỉ dám nghĩ cơ hội thành công khoảng 20%.

Anh H. là người bệnh ghép tim-gan đồng thời lần đầu tiên tại Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cùng thời điểm, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nhận được thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An có một bệnh nhân chấn thương sọ não nặng và không còn kỳ vọng sống. Gia đình bệnh nhân sau khi nén được nỗi đau đã có hành động cao cả, hiến tạng của bệnh nhân để có thể mang lại sự sống cho những người khác.

Sau 8 tiếng, ca phẫu thuật ghép đồng thời tim-gan đã kết thúc thành công. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam, các bác sỹ tiến hành thành công ca ghép tim gan đồng thời trên một bệnh nhân đặc biệt ở giai đoạn nặng từ người cho chết não. Qua đó cho thấy sự phát triển của nền Y học Việt Nam trong 20 năm qua, đặc biệt là lĩnh vực ghép tạng.

Anh H. bộc bạch khi nói về người hiến tạng đã mang lại cơ hội sống cho mình: “Một phần cơ thể của em đã cho anh được sống. Hai anh em mình cùng đồng hành với nhau.”

Một trường hợp khác là bé T.N.N. (11 tuổi) bị suy tim giai đoạn cuối. Các bác sỹ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiên lượng nếu không ghép thì sự sống của cháu chỉ được tính từng ngày. Rất may mắn thay, bé N. đã nhận được trái tim từ chàng trai 17 tuổi tại Phú Thọ chết não hiến tặng.

Sau khi được ghép tim, tình trạng sức khỏe của cháu ổn định, được xuất viện, trở vể nhà với bạn bè, thầy cô. N chia sẻ, ước mơ của cháu là trở thành bác sỹ để cứu giúp những người như cháu. Giây phút xúc động khi trái tim khỏe mạnh đập trở lại trong lồng ngực của người bệnh suy đa tạng, đánh dấu sự hồi sinh kỳ diệu. Đó không chỉ là thành công của y học hiện đại mà còn là niềm hy vọng mới cho cuộc đời, trao tặng sự sống từ những trái tim mạnh mẽ và yêu thương.

Những nhịp tim ấy không chỉ là nhịp tim của người bệnh, mà còn là nhịp đập của lòng nhân ái, của sự kỳ diệu trong y học và của hi vọng cho tất cả những người bệnh đang chờ đợi một phép màu giữa cuộc đời.

Bé T.N.N. (11 tuổi) sức khỏe trở nên tốt hơn sau khi được ghép tim từ người cho chết não. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Không chỉ riêng anh H. và bé N. mà mỗi năm Việt Nam có rất nhiều người được hồi sinh cuộc sống nhờ tấm lòng từ bi - hiến tạng của người chết não và gia đình họ quyết định gửi trao những “cơ hội sống” cho người khác… Bởi một người hiến đa tạng có thể mang lại cuộc đời mới cho 5 đến 7 người.

Một cuộc hội ngộ đặc biệt vừa diễn ra tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức giữa bác sỹ và người được hiến tạng sau 14 năm của ca ghép gan từ người hiến chết não đầu tiên tại Việt Nam. Ông Trần Ngọc Thanh (59 tuổi, ở tại Điện Biên) - người đầu tiên tại Việt Nam được ghép gan từ người hiến chết não đến nay vẫn sống khoẻ mạnh và lao động bình thường với công việc nương rẫy và thu hái cà phê, thậm chí vẫn làm một thợ xây khi xây nhà.

Trong cuộc gặp với hai bác sỹ đã thực hiện ca phẫu thuật hồi sinh sự sống cho ông cách đây 14 năm là Phó giáo sư Nguyễn Tiến Quyết - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Tiến sỹ Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ông Thanh cho biết, nhờ tấm lòng của người hiến tạng gửi trao cơ hội sống, các bác sỹ phẫu thuật đã mang lại cho ông cuộc đời thứ hai.

“Tôi không thể tin rằng mình đã sống khỏe mạnh suốt 14 năm qua, tất cả đều nhờ bác sỹ và người hiến tạng đã giúp đỡ tôi trong thời khắc sinh tử. Được gặp lại bác sỹ hôm nay, tôi như sống lại giây phút hồi sinh,” ông Thanh bộc bạch.

Cuộc hội ngộ đặc biệt vừa diễn ra tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức giữa bác sỹ và người được hiến tạng sau 14 năm của ca ghép gan từ người hiến chết não đầu tiên tại Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trước đó vào năm 2010, khi được chẩn đoán mắc bệnh gan giai đoạn cuối, ông Thanh rơi vào tình trạng nguy cấp và cơ hội duy nhất để tiếp tục sống là ghép gan.

Phó giáo sư Nguyễn Tiến Quyết cho hay sự thành công của ca ghép gan đầu tiên ở Việt Nam từ người cho chết não đã mở ra triển vọng lớn đối với tương lai của những bệnh nhân không may mắc bệnh hiểm nghèo. Điều đó cũng chứng minh y học Việt Nam đã có thể thực hiện được tất cả những kỹ thuật khó của y học thế giới về ghép tạng. Đây là ca ghép gan được thực hiện hoàn toàn bởi đội ngũ y bác sỹ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, không có sự hỗ trợ từ các chuyên gia nước ngoài, thời gian thực hiện ghép nhanh chỉ trong 5 giờ 20 phút.

Qua kiểm tra sức khỏe định kỳ và được thực hiện các xét nghiệm cần thiết, các bác sỹ cho biết sức khỏe của ông Thanh vẫn ổn định. Ông cho biết hiện tại ở nhà ông vẫn làm các công việc nương rẫy, ông cảm thấy bản thân hoàn toàn khỏe mạnh và chỉ phải sử dụng thuốc thải ghép liều thấp.

Hy vọng trong thời gian tới, sẽ có nhiều trường hợp mở lòng và ủng hộ việc đăng ký hiến tặng mô/ tạng để có nhiều người bệnh được cứu chữa hơn nữa và có thêm nhiều trường hợp không may qua đời tiếp tục được cống hiến cho sự sống, tiếp tục được "sống" thêm một cuộc đời thứ 2.

“Bố thí một phần thân thể để cứu giúp người khác”

Trải qua nhiều năm, Việt Nam đã không ngừng phát triển các kỹ thuật ghép tạng, từ ghép gan, thận, tim, phổi đến ghép đa tạng chứng tỏ khả năng hội nhập ngang bằng với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay sau hơn 30 năm thực hiện, với ca ghép thận đầu tiên vào tháng 6/1992, đến nay các bác sỹ của Việt Nam đã thực hiện gần 10.000 ca ghép tạng trên cả nước với sự tham gia của gần 30 bệnh viện và trung tâm ghép tạng. Hai năm trở lại đây, mỗi năm các y bác sỹ đã thực hiện thành công trên 1.000 ca ghép tạng, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, từng đó vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ghép tạng của nhân dân, bởi có tới 94% ca ghép tạng từ hiến sống là quá cao và tỷ lệ đăng ký hiến mô tạng từ người chết não ở Việt Nam vẫn rất thấp. Điều này đặt ra thách thức và trách nhiệm lớn lao với ngành y tế và toàn xã hội trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và khuyến khích cộng đồng tham gia hiến tặng mô, tạng.

Đến nay các bác sỹ của Việt Nam đã thực hiện gần 10.000 ca ghép tạng trên cả nước.

Phó Giáo sư Nguyễn Thị Kim Tiến - Nguyên Bộ trưởng Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người, chia sẻ vấn đề hiện nay tại Việt Nam là nguồn tạng của người chết não còn rất ít. Tỷ lệ đăng ký hiến tạng trong nhân dân và ghép tạng người chết não thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Năm 2023, tỷ lệ người hiến tạng sau chết não tại Việt Nam chỉ chiếm 0,15%, đứng thứ 38 trên thế giới.

Chỉ ra những thách thức hiện nay trong việc vận động người dân đăng ký hiến tặng mô, tạng, Phó giáo sư Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, người dân cần phải thay đổi quan niệm, nhận thức của người dân về hiến tạng sau chết não. Đó là quan niệm về chết phải toàn thây, e ngại đụng vào thân thể người thân sau chết, sợ gia đình, chưa thấy hiến tạng là văn hóa, trách nhiệm và từ bi với cộng đồng.

"Làm sao cộng đồng hiểu được ý nghĩa của việc hiến mô tạng. Thay vì vùi "nguồn sống" vào lòng đất hay thiêu cháy thì chúng ta dùng nó để cứu người. Nguồn tạng hiến là cứu cánh cuối cùng của người bệnh, niềm hy vọng cho sự sống hồi sinh,” Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người nhấn mạnh.

Phân tích quan điểm về tấm lòng từ bi khi hiến tạng, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng Trị sự giáo hội phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người cho hay: “Dù xây chín bậc phù đồ không bằng làm phúc cứu cho một người. Đạo Phật dạy con người ta sống phải biết tích phúc và tích đức. Bởi việc tích phúc, tích đức để chúng ta chuyển hóa nghiệp báo của mình trở nên nghiệp lành, nghiệp thiện và trong các pháp môn tu không gì bằng pháp môn bố trí trong các hành động bố trí không gì bằng là chúng ta có cơ hội bố thí một phần thân thể của mình để cứu giúp cho sinh mạng của những người khác.”

Trong Kinh Dược sư Đức Phật cũng dạy rằng con người ta bố thí phần thân thể của mình để cứu giúp. Đó là hành động của các vị Bồ tát. Giáo hội Phật giáo Việt Nam mong muốn tăng ni và đồng bào Phật tử tích cực, mạnh mẽ tham gia vào phong trào hiến mô tạng.

Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng Trị sự giáo hội phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Bản thân tôi cũng đã đăng ký hiến mô tạng từ trong nhiều năm nay và tôi được biết có nhiều chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội, các chức sắc tăng ni và phật tử đăng ký hiến mô tạng. Mong rằng mọi người sẽ hiểu hơn, lan tỏa rộng rãi để nhiều người cùng đăng ký tham gia vào phong trào hiến mô tạng, cứu giúp mọi người. Để mỗi người đều có cơ hộ cuối cùng khi mất đi vẫn làm phúc bố thí và tích phúc tích đức,” Thượng tọa Thích Đức Thiện cho hay.

Về công tác hiến ghép tạng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh hiến mô, tạng là một trong những món quà quý giá nhất mà một người có thể trao tặng cho người khác. Ở Việt Nam, đã có hàng nghìn người đã được ghép tạng thành công, được cứu sống nhờ sự sẻ chia, nhân ái của những tấm lòng cao đẹp đó. Đoàn kết, tương thân, tương ái, trọng tình nghĩa, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người khác là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được các thế hệ người Việt Nam ta xây dựng, gìn giữ, vun đắp và phát huy từ ngàn đời nay - đó chính là những yếu tố làm nên vẻ đẹp của con người Việt Nam, làm nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã khẳng định: “Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng đồng tình và bác ái.” Đặc biệt, truyền thống quý báu đó còn được minh chứng bằng nghĩa cử cao đẹp hiến mô, tạng cứu người với tinh thần “cho đi là còn mãi” của hàng nghìn người trên khắp mọi miền Tổ quốc trong những năm qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh ghép tạng là một trong những thành tựu quan trọng nhất của nền y học thế giới từ thế kỷ 20. Việt Nam rất tự hào, mặc dù đi sau thế giới 50 năm và sau các nước trong khu vực khoảng 20 năm, nhưng đến nay trình độ ghép tạng của Việt Nam đã ngang bằng nhiều nước và tỷ lệ sống sau ghép tạng ở Việt Nam còn cao hơn so với một số quốc gia phát triển, trong khi chi phí rẻ hơn rất nhiều.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động Chương trình "Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi”. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Theo Thủ tướng, trong hơn 30 năm qua, lĩnh vực ghép tạng đã đạt được sự tiến bộ vượt bậc đó chính là nhờ 3 nhân tố chủ yếu: Chủ trương, đường lối, chính sách khuyến khích của Đảng, Nhà nước; sự nỗ lực của đội ngũ y bác sỹ, nhân viên y tế; đặc biệt là sự hy sinh cao cả của những người hiến tạng, gia đình người hiến tạng và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân.

Phát huy truyền thống “tương thân tương ái” tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, với mong muốn nhận thức và tinh thần hiến tạng cứu người tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa trong xã hội, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi mọi người dân Việt Nam trưởng thành, không phân biệt giới tính, dân tộc, tôn giáo, vùng miền hãy tình nguyện đăng ký hiến tạng trên tinh thần “Mở lòng nhân ái-Lan tỏa yêu thương-Thắp sáng niềm tin-Tiếp nối hy vọng-Gieo mầm sự sống” vì “cho đi là còn mãi,” một người có thể cứu nhiều người.

Những người hiến tạng sau khi chết não vẫn kịp để lại những món quà quý giá khi cuộc đời họ đã đến hồi kết. Đó là những phần cơ thể, là hi vọng sống tiếp cho những người xa lạ đang ngày đêm mong chờ một cơ hội được hồi sinh, sống tiếp cuộc đời với bao hoài bão dang dở./.

Bài 2: Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Nhịp cầu lan tỏa thông điệp nhân ái

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục