Biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh mẽ đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội trên phạm vi cả nước nói chung và địa bàn tỉnh Lào Cai nói riêng. Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ông Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai, đã trao đổi phóng viên TTXVN về những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và định hướng lâu dài của địa phương nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn.
Thưa ông, thời gian qua, Lào Cai đã chịu những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu lên các mặt đời sống kinh tế, xã hội địa phương như thế nào?
Ông Hoàng Quốc Khánh: Trong một nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đối với các nước đang phát triển của Ngân hàng Thế giới đưa ra những nhận định dự báo từ năm 2007 cho thấy, Việt Nam là nước chịu thiệt hại nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến hoạt động sản xuất thấy rõ nhất là đối với ngành Nông nghiệp.
Đối với Lào Cai, biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh mẽ đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội trên phạm vi địa bàn toàn tỉnh. Các hiện tượng thời tiết cực đoan có xu hướng xuất hiện nhiều và mạnh hơn. Đặc biệt là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá đã trở nên thường xuyên hơn trong mùa mưa trên khu vực dãy núi Hoàng Liên Sơn. Các đợt rét đậm, rét hại, mưa đá, dông sét, băng giá, sương muối, xảy ra với tần suất ngày một nhiều hơn tại các vùng núi cao thuộc các huyện Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương và Si Ma Cai.
[Lào Cai xây dựng kịch bản đảm bảo tăng trưởng kinh tế trên 10%]
Tình trạng thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất về mùa khô xảy ra cục bộ tại một số địa phương. Bên cạnh đó, sự thay đổi về nhiệt độ và lượng mưa có nguy cơ làm thay đổi diện tích và chất lượng rừng, hạn hán và thiếu nước cũng tạo ra nguy cơ cháy rừng cao trên địa bàn toàn tỉnh, khí hậu ở Lào Cai có nhiều biến đổi thất thường, gây thiệt hại về kinh tế, xã hội cho địa phương.
Chỉ tính riêng năm 2020, địa bàn tỉnh này đã xảy ra 14 đợt thiên tai như rét hại, mưa đá, dông lốc, sét đánh, gây thiệt hại lớn về người, tài sản, hoa màu, cơ sở hạ tầng của Nhà nước và nhân dân, ước tổng thiệt hại khoảng 229 tỷ đồng.
-Trước thực trạng đó, Lào Cai đã triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai như thế nào? Những kết quả nổi bật mà tỉnh đã đạt được?
Ông Hoàng Quốc Khánh: Để tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai đã chủ động triển khai 4 giải pháp: tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; tăng cường sự lãnh đạo cả cấp ủy đảng, chính quyền các cấp nhất là của cơ sở, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp trong việc bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; không ngừng tăng cường năng lực của bộ máy, cán bộ chuyên trách công tác tham mưu lĩnh vực biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai.
Đặc biệt, tỉnh Lào Cai đã ban hành các đề án, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển của các ngành, lĩnh vực và các văn bản chỉ đạo, trong đó đều chú trọng lồng ghép kế hoạch, mục tiêu về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phối hợp tốt với các địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện.
Đáng chú ý, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Nghị quyết 09 -NQ/TU ngày 25/4/2013 về đẩy mạnh công tác quản lý và bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu để xây dựng tỉnh Lào Cai phát triển nhanh và bền vững, giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020; Đề án số 10- ĐA/TU “Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016-2020.” Với việc triển khai kịp thời và có hiệu quả các giải pháp trên, Lào Cai đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai những năm qua.
Chủ động ứng phó với thiên tai, tỉnh Lào Cai đã lắp đặt hai hệ thống cảnh báo sớm thiên tai, gồm (4 cụm loa cảnh báo, 4 điểm đo lượng mưa, 4 điểm đo lưu lượng nước) và sử dụng phần mềm tin nhắn để thông tin kịp thời tình hình xả lũ của các nhà máy thủy điện đến các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp.
Trong các năm qua, tỉnh Lào Cai luôn duy trì lực lượng phòng chống thiên tai khoảng trên 10.000 người/năm đảm bảo đủ lực lượng sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố thiên tai xảy ra; thường xuyên rà soát, kiểm kê, đánh giá chất lượng trang thiết bị phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chủ động, sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị, vật tư, y tế, nhu yếu phẩm và các điều kiện cần thiết khác đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Lào Cai chú trọng lồng ghép chương trình, xây dựng nông thôn mới gắn với nâng cao đời sống người dân, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; chủ động di dời, sắp xếp lại các điểm dân cư ở những nơi có nguy cơ bị lũ, bão và sạt lở. Từ năm 2004 đến năm 2018, toàn tỉnh bố trí sắp xếp ổn định được 7.434 hộ ra khỏi vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai.
Trong bảo vệ, phát triển bền vững rừng, tăng cường hấp thụ khí nhà kính và bảo tồn đa dạng sinh học, Lào Cai đã thực hiện quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch phát triển giống cây lâm nghiệp, quy hoạch vùng trồng quế; xây dựng và thực hiện có hiệu quả phương án cho thuê môi trường rừng Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên-Văn Bàn, Vườn Quốc gia Hoàng Liên Sa Pa; Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát.
Tỉnh tăng cường công tác bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh mới, trồng mới rừng phòng hộ, đặc dụng và trồng rừng thay thế, trồng mới rừng sản xuất; trồng rừng thâm canh trên 30% diện tích trồng mới... Kết quả, diện tích đất Quy hoạch lâm nghiệp giai đoạn 2016-2025 đạt 429.536 ha, chiếm 67,8% diện tích tự nhiên toàn tỉnh.
Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cũng là một trong những thành tựu quan trọng của Lào Cai trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Tỉnh đã triển khai các mô hình thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi: Mô hình chăn nuôi tập trung trên đệm lót sinh học, mô hình ủ phân hữu cơ; Mô hình sử dụng nước thải biogas tưới cây; Dự án hỗ trợ cacbon thấp (từ năm 2014 đến nay đã xây lắp được 3.562 công trình khí sinh học); Dự án ”Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi tỉnh Lào Cai” được triển khai thực hiện từ năm 2009-2012, đã hỗ trợ xây 275 hầm biogas...
Lào Cai đặc biệt chú trọng đẩy mạnh phát triển khoa học-công nghệ trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Địa phương đã ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thông tin địa lý (GIS) xây dựng bản đồ phân vùng có nguy cơ cháy rừng và chỉ huy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai nhằm góp phần giảm thiểu nguy cơ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng trên địa bàn tỉnh.
Trong sản xuất công nghiệp, Lào Cai đã nghiên cứu công nghệ chế biến quặng Apatit Lào Cai loại 2 thành các chế phẩm hóa chất theo phương pháp hóa học thân thiện với môi trường; ứng dụng công nghệ biến tính vật liệu gốm bằng hợp chất phốt phát và nghiên cứu chế biến xỉ phốt pho vàng Lào Cai thành nguyên liệu cho công nghiệp sản xuất các sản phẩm gốm xây dựng...
Các đồ án quy hoạch chung xây dựng, giao thông tỉnh đều có đề cập Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phát triển đô thị theo hướng bền vững như: Quy hoạch cao độ cao độ san nền, cao độ xây dựng theo cao độ quốc gia có tính đến ứng phó với biến đổi khí hậu, lũ lụt; Tăng tỷ lệ diện tích quy hoạch đất cây xanh, mặt nước (ao, hồ) trong quy hoạch xây dựng đô thị bằng hoặc cao hơn so với quy chuẩn quy hoạch; Xây dựng hệ thống các tuyến đường vành đai bao quanh đô thị mục đích giảm thiểu khói bụi do các phương tiện vận tải có tải trọng lớn; Quy hoạch xây dựng theo định hướng nhất thể hóa đô thị và nông thôn nâng cao tính khả thi, phát triển bền vững đô thị.
Ngoài ra, Lào Cai đã thực hiện hợp tác quốc tế với một số cơ quan, tổ chức để triển khai các chương trình, dự án trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu như: Chương trình hỗ trợ của Chính phủ Na Uy; Tổ chức Lâm nghiệp Nhật Bản; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… Bên cạnh đó, tỉnh phối hợp với các bộ, ngành trong nước thực hiện một số chương trình, dự án; phối hợp với huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và phòng chống vận chuyển, buôn bán lâm sản, động vật hoang dã trái phép qua biên giới.
- Ở tầm nhìn dài hạn, những năm tới, Lào Cai sẽ triển khai các hành động gì để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, thưa ông?
Ông Hoàng Quốc Khánh: Trước những diễn biến phức tạp và thách thức do biến đổi khí hậu mang lại, Lào Cai xác định ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự tập trung của toàn bộ hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực, chủ động của toàn bộ các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng địa phương phát triển bền vững về kinh tế-xã hội, hài hòa với thiên nhiên, môi trường xanh, sạch, an toàn và có khả năng thích ứng, phục hồi cao trước các tác động của biến đổi khí hậu.
Với tầm nhìn dài hạn cho giai đoạn 2021-2030 và đến năm 2050, ngày 09/10/2020, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch số 268/KH-UBND Hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch này xác định, đến năm 2030, Lào Cai bước đầu chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, giám sát phát thải khí nhà kính, có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững, đảm bảo chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.
Đến năm 2050, Lào Cai chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả và bền vững tài nguyên, bảo đảm môi trường sống và cân bằng sinh thái, phấn đấu đạt các chỉ tiêu về môi trường hiện nay của các nước công nghiệp trong khu vực.
Bên cạnh đó, kế hoạch đặt ra các mục tiêu cụ thể về việc nâng cao năng lực và nhận thức về biến đổi khí hậu và các tác động của biến đổi khí hậu, cũng như nâng cao năng lực lập kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu cho các cấp chính quyền, các ban ngành, các tổ chức xã hội và cộng đồng trên địa bàn tỉnh; tăng cường khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, các nhóm cộng đồng, các ngành dễ bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu; tăng cường sự phối kết hợp giữa các sở, ban ngành trong việc lập quy hoạch, kế hoạch có tính đến biến đổi khí hậu; đẩy mạnh việc lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu vào các kế hoạch, quy hoạch phát triển của tỉnh, trong đó lưu ý đến các quy hoạch phát triển không gian, cơ sở hạ tầng đô thị (dài hạn).
Bên cạnh đó, lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu vào công tác tái định cư, trong đó đặc biệt lưu ý việc cung cấp các dịch vụ xã hội và hỗ trợ về sinh kế; tăng cường năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu; xây dựng cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu phục vụ công tác lồng ghép biến đổi khí hậu vào kế hoạch, quy hoạch phát triển của tỉnh...
-Trân trọng cảm ơn ông!./.