Lồng ghép giới vào xây dựng luật pháp còn hạn chế

Dù đã lồng ghép giới trong xây dựng và thực hiện các bộ luật, nhưng VN cần cụ thể hơn nữa để tăng tính thực tiễn của luật về bình đẳng giới.
Ngày 22/9, Bộ Tư pháp và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã phối hợp tổ chức diễn đàn đối thoại chính sách về “Lồng ghép giới trong xây dựng và thực thi pháp luật: Vai trò của ngành tư pháp trong giải quyết các vấn đề bất bình đẳng giới và bảo vệ quyền phụ nữ.”

Tại diễn đàn, đa số các ý kiến đều đánh giá cao quá trình thực hiện lồng ghép giới trong các bộ luật, đặc biệt là Luật Bình đẳng giới. Tuy nhiên, cũng còn nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần cụ thể hóa hơn nữa việc lồng ghép giới trong xây dựng luật pháp để tăng tính thực tiễn của việc thi hành các luật về bình đẳng giới.

Bà Nguyễn Thúy Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề vê xã hội của Quốc hội, cho biết: “Vấn đề lồng ghép giới mặc dù đã được pháp luật quy định, song kỹ năng phân tích, lồng ghép giới còn hạn chế và không được thực hiện ngay từ giai đoạn đầu của quá trình soạn thảo nên chỉ mới đáp ứng một phần yêu cầu theo quy định của pháp luật.”

Theo bà Anh, nguyên nhân của hiện tượng này, bên cạnh việc thiếu nguồn thông tin, dữ liệu đầu vào cho phân tích giới, thiếu chuyên gia am hiểu sâu sắc về việc lồng ghép giới trong dự án Luật, còn có một phần do các ban soạn thảo chưa có nhận thức đúng về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của hoạt động này trong công tác xây dựng pháp luật.

“Để giải quyết vấn đề này, bên cạnh nâng cao nhận thức của các chủ thể có trách nhiệm trong hoạt động xây dựng pháp luật, cần coi việc không chấp hành trình tự, thủ tục lồng ghép giới  trong xây dựng pháp luật là hành vi vi phạm, theo đó, các cơ quan có trách nhiệm thẩm tra dự án, dự thảo luật cần có thái độ kiên quyết đối với việc trình dự án, dự thảo không đảm bảo yêu cầu lồng ghép giới theo quy định,” bà Anh nói.

Đồng tình với quan điểm của bà Anh, tiến sỹ Trần Văn Chung, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Phó trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành tư pháp-Bộ Tư pháp cho biết: “Việc lồng ghép giới cần được thực hiện một cách đầy đủ ngay từ khâu lập chương trình đến soạn thảo, thẩm định và thông qua văn bản. Đồng thời, cần thiết phải có sự hỗ trợ tư vấn của các chuyên gia về giới, trong đó có việc tạo ra một mạng lưới các chuyên gia cao cấp tư vấn về giới để đưa ra các ý kiến, tham vấn cho các tổ chức chủ trì soạn thảo các vấn đề về giới.”

Việc lồng ghép giới trong xây dựng và thực thi pháp luật nhằm mục đích đảm bảo thực hiện tốt bình đẳng giới trong xã hội. Bình đẳng giới là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển của một xã hội, một đất nước. Chính vì thế, đó cũng là mục tiêu của sự phát triển và là yếu tố hỗ trợ, nâng cao khả năng tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội của mỗi quốc gia./.
Việt Nam ký công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW) vào ngày 29/7/1980 và phê chuẩn vào ngày 17/2/1982.

Ngày 29/11/2006 , Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Bình đẳng giới lần đầu tiên và có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2007. Luật quy định các nguyên tắc bình đẳng giới, các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân trong việc thực hiện bình đẳng giới.
Hồng Kiều (Vietnnam+)

Tin cùng chuyên mục