Long An: Xây dựng cơ chế ưu đãi thu hút hàng hóa container qua cảng biển

Tại hội thảo, các đại biểu chia sẻ thông tin, quan điểm, tăng cường hiểu biết về hiện trạng các cảng trên địa bàn; đề xuất các cơ chế, chính sách thu hút container vào cảng trên địa bàn tỉnh Long An.

Quang cảnh Hội thảo khoa học “Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút container vào cảng Long An.” (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN)
Quang cảnh Hội thảo khoa học “Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút container vào cảng Long An.” (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN)

Hơn 150 đại biểu là lãnh đạo Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh, các sở, ban ngành Long An; đại diện thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh; doanh nghiệp kinh doanh, khai thác cảng trên địa bàn tỉnh, các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực logictics... tham dự Hội thảo khoa học xây dựng cơ chế, chính sách thu hút container vào cảng trên địa bàn tỉnh Long An vào chiều 11/1.

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, cập nhật những xu hướng mới nhất và tìm kiếm giải pháp tối ưu, xây dựng một hệ thống cảng biển hiện đại, hiệu quả, bền vững.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ thông tin, quan điểm, tăng cường hiểu biết về hiện trạng các cảng trên địa bàn; đề xuất các cơ chế, chính sách thu hút container vào cảng trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế của địa phương; tạo hành lang pháp lý, cơ sở để thực hiện các chính sách nhằm thu hút container qua cảng; nghiên cứu, đánh giá thực trạng, nhu cầu, phân tích kỹ lưỡng đặc điểm các chân hàng, luồng hàng từ miền hậu phương-vùng phục vụ trực tiếp và gián tiếp của cảng Long An, phân tích đặc điểm năng lực cảng như vị trí cảng, kết nối giao thông nội địa và cơ sở hạ tầng...

Theo Tiến sỹ Trần Thị Anh Tâm, Khoa Kinh doanh Quốc tế-Marketing, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, để thu hút hàng hóa container vào cảng Long An cần phải có “Giải pháp ba nhà,” đó là sự hợp tác trên cơ sở win-win giữa “Quản lý cảng - chủ hàng (doanh nghiệp xuất nhập khẩu nội vùng) - hãng tàu vận chuyển quốc tế”; cải thiện kết nối giao thông đường bộ và đường thủy; tăng cường hợp tác với các khu công nghiệp lớn trong khu vực Tây Nam Bộ - nơi có nhu cầu vận chuyển hàng hóa lớn...

Ông Lê Nam Quốc, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Long An cho rằng, để cảng Long An hoạt động hiệu quả, thời gian tới tỉnh cần thành lập Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng quốc tế Long An với mô hình quản lý đa chức năng, áp dụng theo xu hướng hiện đại hóa, thông quan tự động của Hải quan khu vực và thế giới; tiếp tục đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ lãnh đạo, công chức hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, rút ngắn thời gian thông quan, giảm chi phí.

Đại diện Cảng Quốc tế Long An đề xuất tỉnh ban hành cơ chế chính sách ưu đãi thu hút hàng container vào cảng; đồng hành trong việc tạo chân hàng container và điều tiết luồng hàng về cảng; nâng cao tính nghiệp sẵn sàng phục vụ công nghiệp; giảm chi phí động logistics cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất-kinh doanh trên địa bàn.

ttxvn_xay_dung_co_che_chinh_sach_thu_hut_container_vao_cang_long_an_0111-2.jpg
Ông Mai Văn Nhiều, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Long An, phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN)

Ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An cho biết, thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực phấn đấu trở thành trung tâm trung chuyển của vùng, tập trung phát triển hạ tầng logistics, hạ tầng giao thông vận tải, kho bãi và ứng dụng công nghệ mới trong logistics.

Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, bao gồm hạ tầng giao thông cấp quốc gia, hạ tầng giao thông cấp tỉnh (đường bộ, đường thủy, cảng thủy nội địa) và cảng cạn, trung tâm logistics.

Phó Chủ tịch Nguyễn Minh Lâm đề nghị Sở Giao thông Vận tải phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan nghiên cứu kỹ, tiếp thu từng ý kiến góp ý của diễn giả, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học và đánh giá dự kiến tác động và hiệu quả cụ thể của chính sách.

Theo đó, xác định rõ cơ chế pháp lý và thực tiễn ban hành của chính sách; đối tượng cần được hỗ trợ (chủ tàu, chủ hàng, đơn vị vận chuyển); mức hỗ trợ phù hợp với khả năng ngân sách của tỉnh...

Qua đó, góp phần phát huy tối đa các tiềm năng khác biệt và nổi trội, lợi thế về địa hình kinh tế Long An, tạo đột phá phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư trong và ngoài nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục