Từ năm 2017, thị trường bất động sản Long An nổi lên như một đối trọng của tỉnh Đồng Nai và Bình Dương khi nhiều công trình hạ tầng kết nối giao thông được đồng loạt quy hoạch và triển khai.
Gần đây, thị trường này tiếp tục nóng lên khi nhiều “ông lớn” đánh tiếng triển khai một loạt dự án tại đây.
Hưởng lợi từ hạ tầng
Theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vùng Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm 8 tỉnh, thành là Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Phước, Tiền Giang và Tây Ninh.
Đây sẽ là vùng đô thị hiện đại, trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, là trung tâm thương mại, tài chính, trung tâm nghiên cứu khoa học-dịch vụ, trung tâm công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chuyên sâu…
Vùng Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát triển không gian theo hướng cân bằng, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, liên kết vùng với khung hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với Thành phố Hồ Chí Minh là hạt nhân trung tâm.
Từ quy hoạch này, bức tranh phát triển hạ tầng của vùng Thành phố Hồ Chí Minh đã phát triển khá nhanh và bài bản.
Long An với vị trí liền kề và được xem như “dấu gạch nối” nối Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng Sông Cửu Long là một điểm sáng với nhiều dự án giao thông được triển khai đồng bộ và hiện đại.
[Phê chuẩn kết quả bầu bổ sung Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An]
Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh kết nối với Đồng bằng Sông Cửu Long thông qua các tuyến giao thông huyết mạch như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 50, đại lộ Võ Văn Kiệt, đại lộ Nguyễn Văn Linh, Lê Văn Lương, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương…
Mạng lưới này đều đi qua địa bàn Long An hoặc đấu nối thuận tiện với mạng lưới hạ tầng sẵn có của Long An.
Đặc biệt, đến năm 2020, khi tuyến cao tốc Bến Lức-Long Thành đi vào hoạt động sẽ giúp bức tranh giao thông liên vùng Đồng bằng Sông Cửu Long-Đông Nam Bộ trở nên hoàn thiện và kết nối trực tiếp với mạng lưới cao tốc, quốc lộ, hệ thống cảng biển quốc tế quan trọng của khu vực phía Nam như Cái Mép-Thị Vải, Sao Mai-Bến Đình, Cát Lái cũng như sân bay quốc tế Long Thành.
Ngoài ra, mới đây Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép đưa việc xây dựng một làm đường song hành với Quốc lộ 50 bổ sung vào quy hoạch giao thông Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Trong khi đó, tỉnh Long An cũng đưa ra đề xuất xây dựng đường song hành Quốc lộ 1A.
Trong tương lai, còn có thêm tuyến Quốc lộ N1, đường Vành đai 3, Vành đai 4, cũng như đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ, với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 5 tỷ USD hứa hẹn sẽ tạo ra động lực tăng trưởng đột phá cho Long An cũng như khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Để chuẩn bị đón làn sóng đầu tư, gần đây Long An đã tập trung triển khai ba công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, là Đường tỉnh 830, đường Vành đai thành phố Tân An và tuyến trục kết nối Long An-Tiền Giang-Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này mở ra cho Long An cơ hội đột phá về phát triển kinh tế
Cú hích từ những “ông lớn”
Theo Sở Xây dựng tỉnh Long An, từ cuối năm 2017 đến nay, bất động sản Long An liên tục tăng giá, tạo thành những cơn sốt đất nền, nhất là tại khu vực các huyện giáp ranh Thành phố Hồ Chí Minh như Bến Lức, Đức Hòa,
Cần Đước, Cần Giuộc.
Nguyên nhân bên cạnh việc “đón sóng” hạ tầng thì thông tin một loạt “ông lớn” bất động sản như Vingroup, Vạn Thịnh Phát, Him Lam, Nam Long, TTC Land… rục rịch triển khai những dự án quy mô lớn tại Long An cũng khiến cho dòng vốn ồ ạt đổ về đây nắm bắt cơ hội.
Đáng chú ý là việc Tổng công ty Becamex-IDC muốn thành lập một khu kinh tế theo mô hình phức hợp đô thị-công nghiệp-dịch vụ có quy mô lên đến 4.100ha và Tập đoàn Vingroup với hai dự án có tổng diện tích đất 900ha tại huyện Đức Hòa.
Mới đây, tập đoàn Nam Long cũng đã khởi công xây dựng dự án khu đô thị Waterpoint tại thị trấn Bến Lức với quy mô 355ha.
Một điểm tựa khác mang tính bền vững cho thị trường bất động sản Long An là kinh tế tăng trưởng khá nhanh và ổn định, triển vọng thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước ngày càng sáng sủa.
Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn Long An đang có 16 khu công nghiệp hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 80%. Riêng năm 2018, Long An có 1.492 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 0,6% so với năm trước đó; vốn đăng ký đạt 22.464 tỷ đồng, tăng 12%.
Trong cùng kỳ cũng ghi nhận 90 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 450 triệu USD được cấp phép đầu tư trên địa bàn, tăng 15 triệu USD.
Tính chung, đến hết năm 2018, trên địa bàn tỉnh Long An có 11.748 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký 272.776 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 951 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 6.009 triệu USD
Vài năm tới, khi hệ thống giao thông kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh thông suốt, Long An sẽ có thêm động lực rất lớn để phát huy hết tiềm năng. Điều này kéo theo một lượng lớn lao động đến Long An sinh sống, làm việc giúp nhu cầu nhà ở tăng lên và mang lại cơ hội cho lĩnh vực bất động sản./.