Long An: Phục hồi kinh tế-xã hội gắn với đảm bảo an toàn phòng dịch

Long An đặt mục tiêu đến cuối tháng 11, tất cả cơ sở sản xuất, kinh doanh đang tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch COVID-19 quay trở lại hoạt động, song song với việc ổn định đời sống nhân dân.
Long An: Phục hồi kinh tế-xã hội gắn với đảm bảo an toàn phòng dịch ảnh 1Một chốt kiểm soát phòng dịch tại thành phố Tân An (Long An), hồi tháng 8/2021. (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN)

Ngày 19/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An đã ban hành Kế hoạch phục hồi kinh tế-xã hội gắn với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Tỉnh tập trung các giải pháp hỗ trợ, tác động ngay đến doanh nghiệp, nền kinh tế, phát huy cao nhất hiệu quả các chính sách hỗ trợ đang triển khai, phù hợp với mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên trong năm 2021.

Phấn đấu cuối năm 2021, tỉnh hoàn thành cao nhất chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) (đạt từ 3-4%). Tỉnh đặt mục tiêu đến cuối tháng 11, tất cả doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đang tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch COVID-19 quay trở lại hoạt động; đến 31/10 cơ bản hoàn thành tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 cho người dân đủ 18 tuổi trở lên.

Cùng với đó là ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội; mở dần các hoạt động văn hóa xã hội phù hợp với diễn biến dịch bệnh và kết quả tiêm vaccine.

Để đạt mục tiêu đề ra, Long An thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Các cơ quan, địa phương phối hợp theo dõi, cập nhật tình hình phục hồi sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nắm bắt những khó khăn vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi để đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo giải quyết kịp thời.

[Hơn 40% doanh nghiệp tại tỉnh Long An đã hoạt động trở lại]

Đơn vị liên quan chủ động xây dựng phương án, hướng dẫn quy trình chi tiết tổ chức hoạt động kinh doanh thương mại-dịch vụ, phù hợp với từng giai đoạn dựa trên kết quả kiểm soát dịch bệnh, từng bước khôi phục các hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.

Các ngành chức năng rà soát những tồn tại, hạn chế trong quá trình sản xuất-tiêu thụ nông sản để có giải pháp tháo gỡ nhằm đảm bảo sản xuất-tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh được thông suốt, hiệu quả.

Các ngành chủ động, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tháo gỡ khó khăn, không để đứt gãy sản xuất, đảm bảo cung ứng, tiêu thụ, nhất là lương thực, thực phẩm, các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu khi thực hiện giãn cách xã hội trong phòng, chống dịch bệnh; triển khai xây dựng và phát triển các chuỗi cung cấp thực phẩm, sản phẩm nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh.

Long An tổ chức điều phối hoạt động giao thông vận tải, có hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không) đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo quyết định của Bộ Giao thông Vận tải; không quy định thêm các điều kiện, giấy phép cản trở lưu thông hàng hóa, đặc biệt đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân và vật tư, nguyên liệu sản xuất; kiểm soát chặt chẽ tại điểm đầu-điểm cuối, không để ách tắc trong lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu.

Đến nay, tỉnh có hơn 5.800/13.483 doanh nghiệp hoạt động trở lại (chiếm khoảng 43% trên tổng doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh); trong đó có khoảng 1.800 doanh nghiệp sản xuất với khoảng 127.736 lao động và khoảng gần 4.000 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hàng hóa thiết yếu với khoảng 57.800 lao động.

Công tác an sinh xã hội được tập trung thực hiện kịp thời. Tính đến hết ngày 27/9, Long An đã triển khai hỗ trợ cho 400.772 đối tượng với tổng kinh phí 262,9 tỷ đồng. Tỉnh đã tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho toàn dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục