Long An: Phát triển nông thôn mới tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế

Chính nhờ xây dựng nông thôn mới, hạ tầng khu vực nông thôn tại nhiều địa phương của tỉnh Long An dần được nâng cấp, tạo điều kiện cho khu vực nông thôn phát triển toàn diện mọi mặt.
Long An: Phát triển nông thôn mới tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế ảnh 1Nhiều tuyến đường được bêtông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại. (Ảnh: TTXVN)

Với vị trí kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế của khu vực phía Nam, tỉnh Long An có quy mô và được quy hoạch là địa phương phát triển công nghiệp hàng đầu Việt Nam.

Tuy nhiên, Long An vẫn là địa phương có vùng nông thôn và quy mô sản xuất nông nghiệp đáng kể. Do vậy, để phát triển toàn diện kinh tế-xã hội địa phương, phát triển nông thôn chính là đòn bẩy để Long An hướng tới thực hiện thành công mục tiêu này.

Phát triển kinh tế nông thôn hiện nay được lồng ghép trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn Mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Tỉnh Long An cũng lấy chương trình xây dựng nông thôn mới để đồng loạt thực hiện xây dựng kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn.

Theo ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An, đến nay, toàn tỉnh đã có 121/161 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 75,2% tổng số xã, đạt 85,2% kế hoạch giai đoạn 2021-2025.

30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm 24,79% tổng số xã nông thôn mới, đạt 52,6% kế hoạch giai đoạn 2021-2025.

4/15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới gồm Châu Thành, Tân Trụ, thành phố Tân An và thị xã Kiến Tường, đạt 40% kế hoạch giai đoạn 2021-2025.

Chính nhờ xây dựng nông thôn mới, hạ tầng khu vực nông thôn dần được nâng cấp, tạo điều kiện cho khu vực nông thôn phát triển toàn diện mọi mặt.

Xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, một vùng thuộc rốn phèn cũng khởi sắc lên từ đây.

Chị Nguyễn Thị La, ngụ tại ấp Tà Nu, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng chia sẻ trước khi xây dựng nông thôn mới, người dân nơi đây rất nghèo. Các tuyến đường của ấp đều là đường đất, khó chạy xe.

Tuy nhiên, sau khi chính quyền địa phương vận động người dân đồng lòng xây dựng nông thôn mới, người góp đất, người góp sức cùng chính quyền địa phương đắp đường, mở lộ, đường sá được đầu tư mở rộng, sử dụng nước sạch thay cho nước sông, điện về thắp sáng cả vùng quê.

Người dân được hướng dẫn tham gia mô hình ba giảm, ba tăng; một phải, năm giảm trong trồng lúa nên năng suất tăng, đời sống ổn định hơn, từ đó, vùng biên giới thêm khởi sắc.

Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi tiếp tục được đầu tư đồng bộ theo hướng phục vụ đa mục tiêu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Toàn tỉnh đã có 152/161 xã (chiếm 94,4% tổng số xã) đạt chuẩn tiêu chí thủy lợi và phòng chống thiên tai thuộc Bộ tiêu chí Xã Nông thôn Mới.

103/161 xã (chiếm 63,98%) đạt tiêu chí thủy lợi và phòng chống thiên tai thuộc Bộ tiêu chí Xã Nông thôn Mới nâng cao. 13/13 huyện (đạt 100%) đạt tiêu chí thủy lợi và phòng chống thiên tai, thuộc Bộ tiêu chí Huyện Nông thôn Mới.

Thêm vào đó, bảo vệ môi trường nông thôn được quan tâm chỉ đạo, nhất là vấn đề xử lý rác thải và cải tạo cảnh quan nông thôn xanh-sạch-đẹp.

Toàn tỉnh đã có 128/161 xã (chiếm 79,50%) đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, 5/13 huyện (chiếm 38,46%) đạt tiêu chí môi trường.

Ông Huỳnh Văn Nhỏ, ngụ ấp Voi, xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An chia sẻ, trước đây đường tỉnh 838B là nỗi trăn trở của người dân bởi tuyến đường huyết mạch của xã xuống cấp và điệp khúc "nắng bụi, mưa lầy" cứ kéo dài.

Nay đường được mở rộng, trải nhựa, người dân rất phấn khởi. Hai bên đường được trồng hoa, cây xanh, có hệ thống chiếu sáng giúp diện mạo quê hương thay đổi rõ nét.

Các đường giao thông nông thôn cũng cơ bản hoàn thành, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa.

Kênh, mương thủy lợi nội đồng được quan tâm đầu tư, cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, đời sống vật chất của người dân ngày càng cải thiện. Nhiều căn nhà xuống cấp được thay thế bằng nhà kiên cố, có nhà vệ sinh riêng.

Ngoài ra, người dân thuộc gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn,... được quan tâm chăm lo tốt hơn.

Nhiều mô hình vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội hoặc vay vốn xoay vòng được người dân dễ dàng tiếp cận, từ đó có thêm điều kiện để phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập.

Long An: Phát triển nông thôn mới tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế ảnh 2Người dân đã áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)

Cùng với đó, từ chương trình xây dựng nông thôn mới, các sản phẩm nông nghiệp tại khu vực nông thôn Long An cũng dần được sản xuất theo các quy trình chất lượng, người dân có thêm thu nhập vì đáp ứng các tiêu chuẩn của khách hàng, điển hình nhất là Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Theo Chi cục Phát triển Nông thôn và Thủy lợi tỉnh Long An, tính đến nay, toàn tỉnh đã có 100 sản phẩm đạt chuẩn OCOP; trong đó, 30 sản phẩm đạt 4 sao, 70 sản phẩm đạt 3 sao.

Ông Lê Văn Giấy, Giám đốc Hợp tác xã Rau An toàn Mười Hai cho biết từ khi được công nhận đạt chuẩn OCOP, sản phẩm rau của Hợp tác xã ngày càng khẳng định được thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường; đồng thời, đã vào được các hệ thống siêu thị,…

Chương trình OCOP đã tạo sân chơi, cơ hội để Hợp tác xã sản xuất ra sản phẩm có sự nâng cấp về chất lượng, bao bì, mẫu mã, tiêu chuẩn và định hướng thị trường tiêu thụ, điều chỉnh sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.

[Long An: Tiến độ thực hiện chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới chậm]

Hiện tại, Hợp tác xã không ngừng ứng dụng công nghệ cao trong quá trình sản xuất, đầu tư thêm các máy móc, trang thiết bị và thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất rau sạch.

Tất cả sản phẩm đều được sơ chế, rửa qua nước sục ozone, đóng gói và dán tem truy xuất nguồn gốc.

Cùng với đó, khi kinh tế khu vực nông thôn phát triển, người dân bắt đầu chú trọng đến các vấn đề liên quan đến sức khỏe, giáo dục và văn hóa cộng đồng. Có thể thấy, sự phát triển kinh tế là đòn bẩy mọi mặt cho người dân khu vực nông thôn.

Long An: Phát triển nông thôn mới tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế ảnh 3Nhờ phát triển nông thôn mới, đời sống người dân được cải thiện hơn. (Ảnh: TTXVN)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An, khi người dân nông thôn đồng lòng xây dựng nông thôn mới, tỉnh Long An cũng đã tạo điều kiện đến mức tối đa trong phát triển y tế khu vực nông thôn.

Cụ thể, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân nông thôn.

Toàn tỉnh có 7 bệnh viện và 3 trung tâm tuyến tỉnh; 15 trung tâm y tế tuyến huyện; 3 bệnh viện đa khoa tư nhân; 986 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; 100% các xã có trạm y tế.

Không chỉ đời sống vật chất nâng cao, đời sống tinh thần của người dân ở các xã nông thôn mới cũng "khởi sắc."

Nhiều hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao, các cuộc thi nấu ăn, cắm hoa,... được địa phương tổ chức, tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho người dân.

Nhiều nhân tố được phát hiện, bồi dưỡng để tranh tài với các xã bạn. Đặc biệt, nhiều xã thành lập câu lạc bộ về thể dục, văn nghệ để chăm lo tốt hơn về đời sống tinh thần cho người dân, đại diện Chi cục Phát triển Nông thôn và Thủy lợi Long An chia sẻ thêm./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục