Với nữ cựu tù kháng chiến Phạm Thị Xinh (sinh năm 1950) hay gọi Chín Xinh, thương binh hạng 4/4, tại thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, niềm vui của đồng đội chính là hạnh phúc lớn đối với bản thân bà.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, ngay từ nhỏ, bà Chín Xinh đã tham hoạt động cách mạng tại địa phương. Năm 1966, vừa tròn tuổi 16, nữ thanh niên Chín Xinh được đơn vị du kích xã giới thiệu đi học lớp của ngành Y tế để phục vụ sơ cứu, cứu thương cho cán bộ, chiến sỹ. Một năm sau, Chín Xinh vinh dự được kết nạp Đảng.
Bà Chín Xinh cho biết hằng ngày, thấy người dân bị thương, bị chết do những trận càn của địch, bà rất xót xa. Tại buổi kết nạp, bà nguyện đem hết tâm huyết của mình phụng sự Tổ quốc, quê hương. Vì vậy, bà Chín không quản hiểm nguy, xông pha cứu thương đồng đội. Trong những lần thay băng gạc, chứng kiến thương binh đau đớn, bà lại hun đúc thêm lòng yêu nước, quyết tâm chăm sóc thật tốt để đồng đội khỏe mạnh trở lại.
Năm 1968, trong một lần truy quét của giặc, bà Chín Xinh bị địch bắt. Trải qua nhiều đợt tra tấn dã man và bị giam cầm lần lượt qua các đồn Bến Lức, Ty cảnh sát Long An, đồn Cần Đốt, khám đường Long An, rồi đến nhà lao Tân Hiệp (Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), bà Chín một mực kiên trung, không khai một lời.
Đến giữa tháng 4/1975, bà Chín và nhiều đồng chí khác bị đưa ra nhà tù Côn Đảo-chuyến cuối cùng đưa tù ra Côn Đảo. Đến Côn Đảo, chúng đưa bà giam tại Trại 8 (hay còn gọi là trại Phú Hưng). Lúc này, do tình hình cách mạng đang giành thắng lợi, địch không còn tinh thần nên bà Chín Xinh không còn bị tra tấn, hỏi cung như những đồng chí bị bắt trước. 20 ngày bị giam, bà cùng tất cả đồng chí được về đất liền sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trở lại quê hương, bà Phạm Thị Xinh cùng chính quyền, nhân dân địa phương chung tay đóng góp, xây dựng Tổ quốc sau chiến tranh. Dù mỗi vị trí công tác khác nhau (Bí thư Đảng ủy xã Tân Bửu, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bến Lức…), bà Chín Xinh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được nhân dân tin tưởng, quý mến.
Đặc biệt, qua 14 năm là Trưởng ban liên lạc Hội cựu Tù kháng chiến, bà Chín Xinh cùng các thành viên trong Ban tập hợp 228 người hoạt động kháng chiến trong huyện bị địch bắt tù đày, tra tấn còn sống và hầu hết cựu tù kháng chiến vào các tổ chức cơ sở ở xã, thị trấn. Qua đó, các cựu tù kháng chiến có điều kiện gặp gỡ, động viên, giúp nhau vượt qua khó khăn, thử thách, gương mẫu và vận động nhân dân cùng thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước...
Đồng thời, bà vận động các tổ chức, nhà hảo tâm ủng hộ, tặng quà hội viên nhân dịp Tết, tổ chức đi thăm lại chiến trường xưa, nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc; tham quan chiến khu Rừng Sác huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh…, với số tiền trên 500 triệu đồng cùng 7 tấn gạo và các loại nhu yếu phẩm thiết yếu khác.
Đến nay, do sức khỏe yếu, bệnh hiểm nghèo và hầu hết đều bị ảnh hưởng những vết thương do kẻ thù tra tấn nên Hội cựu Tù kháng chiến chỉ còn 137 người. Chính sự góp sức của bà Chín phần nào giúp hội viên vơi đi nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống và an vui cùng con cháu.
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Bến Lức Phạm Văn Lèo, bà Phạm Thị Xinh là cán bộ kháng chiến bị địch bắt tù đày, luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản. Hòa bình lập lại, bà giữ nhiều trọng trách quan trọng, đặc biệt là Phó Bí thư Huyện ủy đến nghỉ hưu. Hiện nay, bà tham gia tích cực các hoạt động của Hội cựu Tù kháng chiến huyện Bến Lức. Bà Phạm Thị Xinh là một trong những gia đình chính sách tiêu biểu, được lãnh đạo các cấp đến thăm vào dịp lễ, Tết.
Mặc dù tuổi cao, thường xuyên đau nhức do hậu quả của những trận đòn tra tấn của giặc nhưng bà Chín Xinh vẫn miệt mài với hoạt động Hội cựu Tù kháng chiến. Bà chia sẻ: "Tôi cảm thấy vui và an ủi phần nào với trách nhiệm của mình khi cùng các đồng chí trong Ban liên lạc tham gia hỗ trợ những hồ sơ, giấy tờ, chứng cứ hợp pháp để chính quyền các cấp giải quyết đúng, đầy đủ chính sách theo quy định. Qua đó thể được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về vật chất, lẫn tinh thần như nhà ở, y tế, nghỉ dưỡng… cho những thương binh, gia đình chính sách.”
Hiện, bà Phạm Thị Xinh đã ở tuổi 74 nhưng tình yêu cuộc sống và những phẩm chất tốt đẹp của người lính cụ Hồ năm xưa, vẫn vẹn nguyên. Bà cho biết thời gian tới tiếp tục xây dựng Hội cựu Tù kháng chiến thành một tập thể gương mẫu, phát huy tốt vai trò giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu nước và truyền thống cách mạng của cha ông; đồng thời, vận động tham gia phong trào ở địa phương, nhất là phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh./.
Nữ thương binh bán vé số dạo mưu sinh, gom tiền tu sửa nghĩa trang liệt sỹ
Dù cuộc sống chẳng dư giả nhiều nhưng nữ thương binh Đặng Thị Bảy vẫn thực hiện trọn vẹn lời hứa năm xưa với đồng đội đã khuất đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sỹ xã Long Hưng A.