Long An: Mưa lớn kèm dông, lốc khiến hơn 20.000ha lúa bị ngã đổ

Do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn tỉnh Long An xảy ra mưa to kèm theo dông, lốc gây nhiều thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và tài sản người dân.

Hơn 2.000ha lúa của Long An bị thiệt hại. (Nguồn: Báo Long An)
Hơn 2.000ha lúa của Long An bị thiệt hại. (Nguồn: Báo Long An)

Theo ông Võ Kim Thuần, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi Long An, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, những ngày qua trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa to kèm theo dông, lốc làm hơn 2.000ha lúa bị đổ, ngã do mưa, dông, chủ yếu tập trung ở các huyện Tân Trụ (370ha), Mộc Hóa (500ha), Thạnh Hóa (995ha), thành phố Tân An (145ha); trong đó, thiệt hại giảm năng suất dưới 30% khoảng 1.590ha, thiệt hại giảm năng suất từ 30-50% hơn 420ha.

Ngoài ra, dông, lốc làm tốc mái 2 căn nhà trên địa bàn huyện Tân Thạnh, thị xã Kiến Tường, thiệt hại khoảng 32 triệu đồng.

Các đơn vị, địa phương đang thống kê diện tích cây trồng bị đổ, ngã do mưa, dông để đề xuất hỗ trợ khôi phục theo quy định hiện hành.

Với những hộ dân bị thiệt hại về nhà ở, Phòng Kinh tế thị xã Kiến Tường, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thạnh đã cử đoàn đến thăm hỏi, động viên các hộ gia đình bị thiệt hại.

Dự báo, trong những ngày tới, Long An tiếp tục có mưa to, kèm gió lốc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị liên quan và địa phương tổ chức bố trí nhân lực trực ban 24/24 giờ, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, nhằm phát hiện sớm, xử lý các sự cố bất thường theo phương châm “bốn tại chỗ;” chủ động các phương án ứng phó với từng loại hình thiên tai có thể xảy ra, nhất là phương án ứng phó với bão, lũ, dông, lốc, sét, ngập úng, triều cường, sạt lở đất,..; xác định các khu vực trọng điểm xung yếu để chủ động thực hiện kịch bản bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu nạn, cứu hộ và khắc phục thiệt hại khi có tình huống xảy ra.

Các lực lượng xung kích địa phương kiểm tra, rà soát lại hệ thống đê bao, bờ bao, khu vực thấp trũng, các vị trí xung yếu, có nguy cơ xảy ra sự cố để khẩn trương gia cố, nâng cấp và có biện pháp xử lý, đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại; chặt, tỉa, gia cường, chống đỡ các cây cao dễ gãy đổ, nhất là các cây xanh trong trường học, bệnh viện, công viên, dọc các tuyến đường giao thông, khu dân cư đông người, tháo dỡ dọn dẹp các pano, áp phích quảng cáo có nguy cơ gây nguy hiểm; kiểm tra, xử lý các hệ thống thoát nước đảm bảo thông thoáng, thoát nước tốt, tránh ngập úng kéo dài.

Các đơn vị tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hướng dẫn kỹ năng phòng, tránh các loại hình thiên tai để người dân biết và thực hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục