Long An: Kiểm soát không để tăng diện tích tôm thẻ chân trắng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, quản lý theo thẩm quyền về chấp hành các quy định của pháp luật trong sử dụng đất để nuôi tôm thẻ.
Ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An (thứ 2 phải sang) kiểm tra nuôi tôm thẻ chân trắng vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An. (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN)

Thời gian qua, tỉnh Long An đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan và địa phương tăng cường quản lý để không gia tăng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng vùng Đồng Tháp Mười.

Thế nhưng, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng này vẫn chưa thuyên giảm, nguyên nhân vì sao?

Diện tích nuôi tôm không ngừng gia tăng

Cặp theo kênh 79 - theo hướng từ Quốc lộ 62 về huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, hàng trăm ao nuôi tôm thẻ chân trắng thuộc địa bàn xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa được che màng lưới san sát nhau và đèn thắp sáng giăng xung quanh giống như một thành phố lên đèn vào lúc chiều tàn.

Vào bên trong khu vực nuôi, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước quy mô nuôi tôm “hoành tráng.” Đó là mỗi ao có diện tích từ 1.000-2.000m2, có độ sâu từ 1,5-2m được lót bạt đáy và bờ; hệ thống oxy đáy; hệ thống quạt nước; máy cho ăn tự động; hệ thống siphon-hệ thống sử dụng nguyên lý hút chân không để loại bỏ chất thải…

Bà Bùi Thị Thống, người dân nuôi tôm xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, cho biết gia đình bà nuôi 4 ao tôm, với mỗi ao 2.000m2. Lúc đầu, nuôi tôm cho hiệu quả cao. Nhưng hiện nay, bị nhiễm khuẫn, tôm bị nhiều thứ bệnh dẫn đến khó nuôi. Năm nay, bà Thống bị lỗ vốn 200-300 triệu đồng do giá tôm rẻ, giá thuốc và thức ăn tăng. Hiện đất đã đào, không thể trở lại làm lúa nên bà Thống chỉ tiếp tục nuôi tôm và mong giá tôm có thể tăng để người nuôi có lợi nhuận.

Còn ông Phan Thanh Chăm, xã Tân Lập, nuôi tôm trên diện tích 15.000m2, cho rằng những năm trước tôm thẻ chân trắng dễ nuôi và có giá. Sau này, dịch bệnh nhiều, giá tôm lại rẻ người nuôi gặp khó khăn. Hiện diện tích nuôi tôm chưa giảm song tỷ lệ người thành công so với trước chỉ còn rất ít.

Ao nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa. (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mộc Hóa Nguyễn Văn Minh cho hay từ năm 2017 đến nay, người dân tự ý chuyển từ đất nông nghiệp sang đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng nước ngọt đã xảy ra rất nhiều. Hiện địa bàn huyện, có khoảng 281ha người dân nuôi tôm.

Trong 8 tháng năm nay, diện tích nuôi tôm tại Mộc Hóa tăng thêm 1,1ha. Ủy ban Nhân dân huyện tập trung chỉ đạo các ngành, phòng ban chuyên môn, các xã tập trung quản lý chặt chẽ trong việc khai thác đất nuôi tôm. Đồng thời, mời các chuyên gia các trường đại học ở Cần Thơ về Hội thảo để bà con biết được vùng đất có lợi, có hại trong việc sử dụng nước lợ nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng nước ngọt.

Hiện diện tích đất nuôi tôm thẻ chân trắng tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An hơn 522,43ha, tăng 77,5 ha so với năm ngoái. Huyện có diện tích nhiều nhất là Mộc Hóa 281ha; Tân Hưng 105,2ha; Tân Thạnh 53,03ha; Thạnh Hóa50,4 ha;…

Qua công tác kiểm tra nuôi tôm thẻ chân trắng vùng Đồng Tháp Mười, ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An, nhận định thời gian qua có một số cá nhân, tổ chức tự ý chuyển mục đích sử dụng, khoan giếng tầng sâu, lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng. Hậu quả, hệ sinh thái, quy hoạch sản xuất nông nghiệp bị phá vỡ, tài nguyên đất và nước bị suy thoái, môi trường bị ô nhiễm…

Các sở, ngành, địa phương cũng đã làm tốt việc xử lý vi phạm nuôi tôm thẻ chân trắng theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh. Tuy nhiên, các biện pháp về thủ tục tiếp theo các đơn vị chưa thực hiện quyết liệt (như về phân loại ra những trường hợp phải khôi phục lại hiện trạng; chưa phối hợp với các địa phương rà lại hộ hiện hữu, tồn tại trước khi có chỉ đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh; chưa kiểm tra đầy đủ các điều kiện kỹ thuật cho hộ tiếp tục nuôi, nhưng phải có cam kết thời gian ngừng nuôi; những hộ đã lỡ đầu tư nuôi trước đây, cần phải có giấy cam kết thời gian ngừng nuôi;…).

Các sở ngành liên quan còn rất lúng túng trong quản lý nuôi tôm. Điều này, dẫn đến hệ lụy môi trường, kể cả ảnh hưởng đến quy hoạch của tỉnh và đời sống của người dân sau này.

Giải pháp hạn chế diện tích nuôi tôm vùng Đồng Tháp Mười

Quản lý việc sử dụng đất trong nuôi tôm thẻ chân trắng tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh một cách chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả, ổn định, bền vững, hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực và không phá vỡ quy hoạch, hạn chế tác động xấu đến môi trường, sản xuất nông nghiệp, hiện các sở, ngành tỉnh đang tập trung quyết liệt nhiều giải pháp.

Vùng nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa. (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN)

Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mộc Hóa, cho hay hướng tới Ủy ban Nhân dân huyện chỉ đạo các phòng, Ủy ban Nhân dân các xã tiếp tục vào cuộc để vận động, tuyên truyền bà con dừng lại, không phát triển diện tích nuôi tôm và sẽ giảm dần theo từng năm.

Bên cạnh đó, huyện tiếp tục phối hợp trường Đại học Cần Thơ định hướng cho người dân chuyển đổi một số diện tích từ nuôi tôm thẻ chân trắng, chuyển sang nuôi cá nước ngọt, phù hợp với vùng quy hoạch của huyện Mộc Hóa. Đối với những diện tích phát sinh mới, huyện sẽ kiên quyết xử lý, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.

Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An, từ số liệu theo dõi của đơn vị, từ năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, hiệu quả của việc nuôi tôm thẻ chân trắng trên vùng Đồng Tháp Mười đang giảm rất mạnh. Thậm chí, có những hộ nuôi lỗ vốn. Qua nắm tình hình, hiện nay đa số các hộ nuôi đã bắt đầu ngưng nuôi. Do người dân đã đào ao, việc trả lại hiện trạng ban đầu và định hướng cho người dân canh tác gì trên những diện tích này còn là bài toán khó, Sở cần phải phối hợp các ngành, địa phương để có đáp án.

Thời gian tới, Sở sẽ tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các quy định của pháp luật về sử dụng đất để nuôi thủy sản theo quy định của Luật Đất đai; các quy định về điều kiện cơ sở nuôi trồng thủy sản; phối hợp với Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý Nhà nước về con giống, vật tư phục vụ sản xuất thủy sản, phòng chống dịch bệnh thủy sản, về sử dụng chất cấm, chất không có tên trong danh mục được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản; đồng thời, rà soát, thống kê chính xác các hộ nuôi (năm đào ao, nguồn gốc chuyển đổi từ ao nuôi cá hay đất trồng lúa); rà soát về các điều kiện chấp hành pháp luật về đất đai.

Ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương vùng Đồng Tháp Mười có diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tăng cường kiểm tra, quản lý theo thẩm quyền về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sử dụng đất để nuôi tôm thẻ, bảo vệ môi trường, quản lý và xử lý vi phạm về sử dụng đất để nuôi tôm thẻ, khoan giếng để lấy nước mặn và bảo vệ môi trường nuôi tôm thẻ; tiếp tục tuyên truyền, khuyến cáo người dân về những ảnh hưởng trước mắt, cũng như lâu dài của việc nuôi tôm thẻ trong vùng nước ngọt, không để phát triển thêm diện tích nuôi mới.

Đồng thời đẩy mạnh cường quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật về chuyển đổi từ đất trồng lúa sang nuôi tôm thẻ, khoan giếng lấy nước mặn và công tác bảo vệ môi trường. Đối với các trường hợp đào ao mới từ đất trồng lúa để nuôi tôm thẻ không đúng quy định pháp luật, phải kiên quyết xử lý và buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã Kiến Tường chịu trách nhiệm trong việc người dân sử dụng đất không đúng mục đích./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục