Long An kiểm soát chặt việc bảo vệ môi trường khu, cụm công nghiệp

Tỉnh Long An phấn đấu đến cuối năm 2022 sẽ có 98% khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn, hiệu quả và nâng tỷ lệ này đạt 100% vào năm 2023.
Long An kiểm soát chặt việc bảo vệ môi trường khu, cụm công nghiệp ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tỉnh Long An phấn đấu đến năm 2023 có 100% khu, cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn sẽ có khu xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An, địa bàn tỉnh hiện có 16 khu công nghiệp và 22 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích hơn 3.200ha, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 90%.

Tỷ lệ khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung hiện đạt 97%. Hầu hết các khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải đạt hiệu quả.

Tuy nhiên, một số khu, cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút đầu tư chưa thu gom triệt để nước thải của doanh nghiệp; nhà máy xử lý nước thải tập trung vận hành chưa hiệu quả; chưa đầu tư hoặc đầu tư nhưng không vận hành khu xử lý nước thải tập trung (các cụm công nghiệp Đức Hòa Hạ, Đức Hòa Đông, Hoàng Gia…).

[Xử lý nước thải sinh hoạt đô thị: Người gây ô nhiễm phải trả tiền?]

Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2022 sẽ có 98% khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn, hiệu quả và nâng tỷ lệ này đạt 100% vào năm 2023.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm soát chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường khu, cụm công nghiệp, khu dân cư đô thị; tập trung xử lý tình trạng ô nhiễm cục bộ các tuyến kênh, rạch.

Đặc biệt, nghiên cứu tham mưu các giải pháp nhằm xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại 3 cụm công nghiệp gồm: Hoàng Gia, Đức Hòa Hạ và Đức Hòa Đông.

Sở Tài nguyên và Môi trường Long An phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra và kiểm soát ô nhiễm tại khu, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và phát sinh nguồn thải lớn (nước thải, khí thải và chất thải rắn); rà soát việc chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhằm tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước; thực hiện hoàn thành các dự án về môi trường.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục