Về Long An dự Lễ hội Vía Bà Ngũ hành Long Thượng ở Cần Giuộc

Qua 2 năm bị gián đoạn bởi dịch COVID-19, năm nay, Lễ hội Vía Bà Ngũ hành Long Thượng được tổ chức từ ngày 18-21 tháng Giêng với các nghi thức về nghệ thuật, diễn xướng dân gian.
Về Long An dự Lễ hội Vía Bà Ngũ hành Long Thượng ở Cần Giuộc ảnh 1Miếu Bà Ngũ hành ở Long An. (Nguồn: Báo Long An)

Nếu có dịp đến xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An đi Lễ hội Vía bà, xem hát rỗi và múa bóng, du khách sẽ được hòa mình vào không gian nghệ thuật đặc sắc.

Miếu bà Ngũ Hành Long Thượng thờ Ngũ Hành nương nương - vị thần được người dân tin rằng có quyền năng trong ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ), giúp quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa.

Miếu Bà Ngũ hành là thiết chế văn hóa tín ngưỡng dân gian, xuất hiện trong quá trình khai hoang lập ấp nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần của cộng đồng vào giữa thế kỷ 17.

Theo chân các cư dân Đàng Ngoài vào Nam khai phá, tục thờ Ngũ Hành xuất hiện từ rất sớm, gắn chặt với quá trình hình thành và phát triển của vùng Cần Giuộc.

Trong tâm thức của cộng đồng cư dân, bà Ngũ Hành không chỉ là nữ thần cai quản các yếu tố thiên nhiên mà còn là vị thần bảo hộ mang đến bình an, hạnh phúc cho vùng đất và con người nơi đây.

Lễ hội Vía bà Ngũ Hành hay còn gọi là lễ cầu an được tổ chức tại Di tích Kiến trúc Nghệ thuật Miếu bà Ngũ Hành ở xã Long Thượng.

Ngoài cúng bái bà, lễ hội còn là dịp để cộng đồng tưởng nhớ, tri ân những bậc tiền hiền, hậu hiền, những anh hùng liệt sỹ có công với quê hương, đất nước.

Lễ hội là minh chứng cho nhu cầu thẩm mỹ và đạo đức trong đời sống nhân dân trong các việc như xây nhà, dựng đình, lập chùa, đắp lộ cho đến lễ nghi phong tục, giọng hò, câu lý… từ những thế kỷ trước.

Điểm độc đáo của lễ hội là tính chất nghi lễ có sự hòa hợp giữa lễ thức dân gian mang tính phóng khoáng và lễ thức điển chế cung đình mang tính khuôn mẫu. Vì thế, trong suốt quá trình diễn ra, bên cạnh những nghi lễ cúng đình trang nghiêm: Lễ Túc Yết, Lễ Đoàn Cả là những nghi lễ mang tính dân gian vui nhộn như múa bóng rỗi, xiếc, văn nghệ. Chính sự dung hòa của 2 yếu tố trên tạo ra không gian văn hóa đầy cảm xúc thăng hoa, giúp người đi lễ vừa có những giây phút thiêng liêng, vừa có những khoảnh khắc vui tươi, thoải mái.

Một điểm nhấn trong Lễ hội Vía bà Ngũ Hành là bữa cơm thân mật mà người đi lễ thường gọi là "ăn để lấy lộc bà" - một bữa cơm bình dị, thấm đượm tính cộng đồng.

Ngày 22/2/1997, Miếu Bà Ngũ hành Long Thượng được Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật.

Ngày 19/12/2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội Vía Bà Ngũ hành Long Thượng là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

[Đảm bảo lễ hội Xuân Quý Mão 2023 diễn ra an toàn, văn minh]

Qua 2 năm bị gián đoạn bởi dịch COVID-19, năm nay, Lễ hội Vía Bà Ngũ hành Long Thượng được tổ chức từ ngày 18-21 tháng Giêng với các nghi thức về nghệ thuật, diễn xướng dân gian.

Không chỉ chiêm ngưỡng, cúng bái, du khách còn được chứng kiến lễ cầu an, nhạc lễ, múa lân, dâng bông, hát chập Địa nàng..., đặc biệt là múa bóng rỗi.

Múa bóng rỗi còn được gọi là múa bóng hoặc bóng rỗi - một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của người Nam Bộ. Loại hình này có từ thời khẩn hoang, lập ấp, theo dấu chân của các tiền nhân trong công cuộc Nam tiến cách đây hơn 300 năm.

Múa bóng rỗi, gồm 2 phần là múa bóng và hát rỗi, là một nghệ thuật diễn xướng và hát, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của con người đối với thần linh, tổ tiên và những người đã khuất. Hầu hết các tiết mục đều được chuẩn bị công phu, khéo léo, thu hút sự chú ý của đông đảo người dân và du khách.

Bà Đào Thị Ngọc Vui - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cần Giuộc, cho biết miếu Bà Ngũ Hành Long Thượng không những là chứng tích vật chất của cuộc Nam tiến của cha ông ta trên mảnh đất này trong suốt quá trình tồn tại của mình mà đây còn là nơi bảo tồn một lễ hội truyền thống.

Lễ hội Vía bà Ngũ Hành Long Thượng ăn sâu vào đời sống tinh thần của người dân Long Thượng, trở thành nét sinh hoạt văn hóa tâm linh định kỳ không thể thiếu.

Lễ hội còn là dịp để nhân dân trong và ngoài địa phương gặp gỡ, giao lưu, củng cố tình đoàn kết trong cộng đồng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục