Long An: Gia tăng số người bị rắn lục đuôi đỏ cắn phải nhập viện

Tại Long An, số lượng bệnh nhân bị rắn đuôi đỏ cắn tăng liên tục trong những tháng gần đây, làm cho không ít người dân sống ở vùng nông thôn hoang mang, lo sợ.

Tại Long An, số lượng bệnh nhân bị rắn đuôi đỏ cắn tăng liên tục trong những tháng gần đây, làm cho không ít người dân sống ở vùng nông thôn hoang mang, lo sợ.

Hiện nay, mỗi tuần Bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh Long An tiếp nhận từ 4-5 bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn.

Bà Bùi Thị Niệm, trú tại xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức (Long An) nhập viện ngày 21/12 do bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Theo bà Niệm, trong lúc bà làm cỏ thì bị một con rắn có đuôi đỏ lao ra cắn vào tay.

Vài phút sau, con rắn này lao ra định tiếp tục cắn thì bà dùng cây đập chết. Sau đó, gia đình đưa bà nhập viện tại Bệnh đa khoa trung tâm tỉnh Long An với vết thương bị sưng tấy. Qua điều trị, hiện vết thương đã đỡ sưng và dự định bà Niệm sẽ xuất viện vào vài ngày tới.

Theo thống kê của Bệnh viện đa khoa tỉnh Long An, trong vòng 6 tháng trở lại đây, tình trạng rắn lục đuôi đỏ cắn xảy ra tương đối thường xuyên.

Theo đó, bệnh viện tiếp nhận khoảng 165 trường hợp bị rắn cắn, trong đó có gần 80 trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ. Hầu hết, bệnh nhân tập trung ở các huyện Bến Lức, Tân Trụ, Đức Hòa.

Bác sỹ Trang Văn Dương, Chuyên khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện đa khoa Long An cho biết khi bị cắn, vấn đề quan tâm chính là sơ cứu ban đầu và điều trị chuyên sâu. Sơ cứu ban đầu là bất động chi và đưa đến cơ sở y tế có điều kiện, có huyết thanh kháng nọc rắn.

Một số bà con có thói quen khi bị rắn cắn, biết đó là rắn độc thì dùng ga gô siết tứ chi chặt để quan niệm máu không chạy về tim.

Đó là một số quan niệm sai lầm, vì nọc rắn về tim theo đường bạch huyết chứ không phải đường máu. Vì vậy ga gô dẫn đến vùng bị cắn có nguy cơ hoại tử. Một số trường hợp phải dẫn tới đoạn chi (cắt chi), tháo khớp.

Cũng theo bác sỹ Trang Văn Dương, khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn thì phải điều trị theo triệu chứng; huyết thanh kháng nọc rắn; triệu chứng lâm sàng cải thiện và xét nghiệm máu. Khi chỉ số huyết học rối loạn trong máu trở về bình thường, bác sỹ theo dõi 12 đến 24 tiếng đồng hồ, cho bệnh nhân xuất viện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục