Long An: Đưa di sản lên môi trường số, lan tỏa giá trị gắn phát triển du lịch

Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đưa di sản lên môi trường số, tăng hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị gắn với giáo dục truyền thống và phát triển du lịch là hướng đi đang được Long An thực hiện.

Quần thể tượng đài 'Long An trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc.' (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)
Quần thể tượng đài 'Long An trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc.' (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Long An có vị trí khá đặc biệt, là cửa ngõ nối liền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Trải qua quá trình hình thành, phát triển, mảnh đất Long An là nơi lắng đọng nhiều "trầm tích" văn hóa đa dạng, đặc sắc.

Ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đưa di sản lên môi trường số, tăng hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị gắn với giáo dục truyền thống và phát triển du lịch là hướng đi đang được tỉnh thực hiện.

Bảo tồn, số hóa di sản

Bên “cây” số hóa di sản được đặt trong khuôn viên Khu Công viên Tượng đài "Long An trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc” (phường 5, thành phố Tân An, tỉnh Long An), các bạn trẻ đến từ Thành đoàn Tân An cho biết đây là công trình thanh niên của tuổi trẻ Long An, tạo thuận lợi cho người dân, du khách đến tham quan khu công viên tượng đài có cái nhìn toàn cảnh trước khi đi tham quan từng hạng mục, không gian trưng bày đặc sắc của khu công viên tượng đài.

Sau đó, khi bước vào các gian trưng bày, khách tham quan sẽ hiểu và cảm nhận rõ ràng, trọn vẹn hơn giá trị của các hiện vật, các hộp hình tái hiện sự kiện lịch sử, những chiến công của quân và dân tỉnh Long An trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước.

Chị Nguyễn Thị Yến Nhi (xã Hướng Thọ Phú, thành phố Tân An) chia sẻ chỉ cần thao tác đơn giản, quét mã QR tại khu công viên tượng đài, chị đã rất hào hứng muốn bước tới tham quan tượng đài và các không gian trưng bày để hiểu và tự hào hơn về truyền thống lịch sử, giá trị của các di tích ở quê hương, giới thiệu cho bạn bè ở trong và ngoài tỉnh đến tham quan, du lịch.

Giám đốc Bảo tàng-Thư viện tỉnh Long An Đỗ Thị Kim Dung cho biết Long An là tỉnh có bề dày lịch sử khai phá và truyền thống văn hóa. Các thế hệ cha ông đã để lại cho vùng đất này nguồn di sản văn hóa phong phú và đa dạng.

ttxvn_du lich long an 3.jpg
Tham quan mô hình tái hiện làng chiến đấu thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở Khu công viên tượng đài Long An. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Hiện, trên địa bàn tỉnh có 126 di tích lịch sử-văn hóa, trong đó có 21 di tích cấp quốc gia và 105 di tích cấp tỉnh. Tiêu biểu là các di tích: Khu nhà ông Bộ Thỏ - nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn, Khu Di tích Ngã tư Đức Hòa (gồm tượng đài Võ Văn Tần, bức phù điêu Châu Văn Liêm và khu tưởng niệm các chiến sỹ Nam Kỳ khởi nghĩa), Khu lưu niệm luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Bộ, Khu Di tích Vàm Nhựt Tảo, Khu lăng mộ và đền thờ Quận công Nguyễn Huỳnh Đức, Khu Công viên Tượng đài “Long An trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”…

Ngoài ra, Bảo tàng-Thư viện tỉnh Long An đang lưu giữ, bảo tồn trên 23.200 hiện vật, tư liệu quý về lịch sử, văn hóa và khảo cổ trên đất Long An, trong đó có 2 Bảo vật Quốc gia là Tượng thần Vishnu và Bộ sưu tập hiện vật vàng Gò Xoài.

Theo Giám đốc Bảo tàng-Thư viện tỉnh Long An, với mục tiêu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, từ đó thúc đẩy phát triển du lịch, Long An đang từng bước đẩy mạnh việc thống kê, số hóa các thông tin liên quan đến bảo vật quốc gia, di tích lịch sử, văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể.

Cùng với đó, tỉnh quan tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản. Bảo tàng-Thư viện tỉnh Long An đang thực hiện Đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh về “Nghiên cứu, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu và quảng bá di sản văn hóa phi vật thể trên nền tảng số ở tỉnh Long An." Đề tài nhằm xây dựng hợp lý, chặt chẽ cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa phi vật thể để đưa các thông tin, tư liệu liên quan di sản vào hệ thống quản lý chung, lưu trữ và xây dựng giao diện trang thông tin điện tử (website) cho mọi người dễ dàng truy cập, tìm hiểu về di sản văn hóa phi vật thể, dù đang ở bất cứ nơi đâu.

Thời gian tới, Bảo tàng-Thư viện tỉnh tiếp tục triển khai việc số hóa di sản, trong đó tập trung xây dựng kho dữ liệu về di sản thường xuyên, liên tục cũng như lưu trữ dữ liệu để cùng khai thác, phát triển.

Đơn vị cũng xây dựng hệ thống các tiêu chí lựa chọn nội dung số hóa các di sản như về niên đại, loại hình di sản, cấp xếp hạng... một cách khoa học, theo lộ trình, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, quảng bá di sản gắn với khai thác, phát triển du lịch ở địa phương.

Lan tỏa giá trị gắn phát triển du lịch

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An Nguyễn Tấn Quốc khẳng định bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa, các Di sản Văn hóa Phi vật thể, Bảo vật Quốc gia gắn với chuyển đổi số để phát huy giá trị, giáo dục truyền thống gắn với phát triển kinh tế du lịch, tăng trải nghiệm, mang đến cảm xúc mới mẻ cho người dân và du khách là hướng đi nhất quán để phát triển văn hóa Long An, từng bước đóng góp vào phát triển kinh tế du lịch - một trong các ngành công nghiệp văn hóa nhiều tiềm năng của tỉnh.

Đại diện Tỉnh đoàn Long An thông tin góp phần cùng các cấp, ngành, thực hiện số hóa hệ thống dữ liệu, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, các bạn trẻ Long An đã thực hiện và đưa vào hoạt động Trang thông tin số hóa lịch sử tuổi trẻ Long An.

ttxvn_du lich long an 2.jpg
Thế hệ trẻ hào hứng tham quan, tìm hiểu thông tin tại Khu trưng bày cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân Long An. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Thông qua sử dụng công nghệ hình ảnh 360 độ kết hợp video clip, âm thanh, hình ảnh, người dân và du khách sử dụng điện thoại thông minh kết nối internet chỉ cần thao tác quét mã QR hoặc vào đường dẫn truy cập vào website sẽ lập tức có thông tin đầy đủ, chi tiết về quá trình xây dựng, kiến tạo điểm di tích, tham quan trực tuyến khu trưng bày hiện vật.

Đề cập đến việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, trong đó có các di tích lịch sử, văn hóa gắn với phát triển du lịch, từng bước tiến tới du lịch thông minh, Giám đốc Bảo tàng-Thư viện tỉnh Long An Đỗ Thị Kim Dung cho biết thêm trên cơ sở xây dựng cơ sở dữ liệu số về nội dung và hình ảnh tất cả các di tích trên địa bàn, đơn vị phối hợp với Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch của tỉnh đưa những dữ liệu số này lên website https://dulichsolongan.com, https://www.dulichsolongan.vn, tạo hệ thống thông tin, cung cấp dữ liệu về di sản cho du khách được đầy đủ, chính xác thông qua bản đồ số tuyến, điểm và cơ sở phục vụ du lịch.

Chị Nguyễn Hương Giang, du khách từ tỉnh Thừa Thiên-Huế đến thăm Long An, “mở màn” cho chuyến du lịch về Đồng bằng sông Cửu Long chia sẻ chị ngỡ ngàng với nhiều phong cảnh đẹp của một địa phương được giới thiệu thuộc tiểu vùng Đồng Tháp Mười với nhiều khu du lịch sinh thái nổi bật như: Cánh đồng bất tận, Làng nổi Tân Lập, Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen cùng nhiều di tích lịch sử, văn hóa gắn với lịch sử hình thành, phát triển của vùng đất cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long.

Chỉ trong một chuyến du lịch ngắn, du khách khó có thể tìm hiểu đầy đủ và luôn mong muốn trở lại tham quan, khám phá nhiều hơn vẻ đẹp phong cảnh, các di tích lịch sử, văn hóa, những đặc sản ẩm thực của địa phương có hai dòng sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây thơ mộng, hữu tình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục