Thực hiện Quyết định 583/QĐ-TTg năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 và Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 3/7/2023 về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo, thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh Long An sẽ tiếp tục tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh phối hợp ngành nông nghiệp quy hoạch, xây dựng lại vùng trồng, xác định được chủng loại, tiêu chuẩn chất lượng cho từng thị trường; hướng dẫn người dân, các hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất, chế biến đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Tỉnh tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo về các thông tin, tình hình, nhu cầu các thị trường; đặc biệt đối với thị trường mới, các thị trường Việt Nam đã ký kết Hiệp định Thương mại Tự do (FTA).
Bên cạnh đó, Long An tăng cường hỗ trợ trong xúc tiến thương mại qua các hội chợ, triển lãm quốc tế đối với ngành lương thực, thực phẩm. Đồng thời, Sở Công Thương tỉnh tham mưu với Ủy ban Nhân dân tỉnh phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị chuyên đề về xúc tiến xuất khẩu cho các sản phẩm chủ lực của Long An, trong đó có xuất khẩu gạo.
Long An đã đăng ký đến năm 2025, toàn tỉnh có diện tích canh tác lúa đạt 60.000ha và đến năm 2030 có diện tích canh tác lúa đạt 120.000ha, theo Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Cùng với việc quy hoạch xác định lại vùng trồng các tiêu chuẩn của gạo xuất khẩu, Long An khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải liên kết với người sản xuất lúa để xây dựng vùng nguyên liệu. Qua đó, đảm bảo vùng nguyên liệu có sản lượng hàng hóa, tiêu chuẩn đáp ứng được những đơn hàng và thị trường khó tính, thị trường có nhu cầu cao.
[Doanh nghiệp xuất khẩu gạo đón đầu cơ hội bứt tốc trong nửa cuối năm]
Trong 6 tháng đầu năm nay, mặc dù chịu ảnh hưởng nhiều yếu tố như biến động chính trị, lạm phát, giá nguyên liệu sản xuất leo thang, nhưng với sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Công Thương và Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An trong điều hành xuất khẩu, thông tin thị trường, kết nối giao thương xuất khẩu gạo của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt sản lượng và giá trị tăng cao. Các doanh nghiệp đã đa dạng hóa thị trường, chú trọng xây dựng thương hiệu để tiếp cận, thâm nhập vào các thị trường lớn, khó tính.
Ông Nguyễn Tuấn Khoa, Giám đốc doanh nghiệp Phước Thành 2, phường Tân Khánh, thành phố Tân An, tỉnh Long An, cho biết 6 tháng qua, doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 12.000 tấn gạo. Thị trường xuất khẩu chủ yếu ở Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Philippines… với những dòng gạo ST24, gạo Nàng Hoa, Jasmine.
Doanh nghiệp xuất khẩu có số lượng nhiều hơn và giá cả cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, doanh nghiệp đã đầu tư gần 1 tỷ đồng lắp đặt hệ thống hút khí chân không tự động có trọng lượng các loại từ 0,5kg, 1kg, 5kg và 10kg. Với hệ thống hút khí chân không này, sản phẩm gạo xuất khẩu đến người tiêu dùng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có thời gian lâu hơn và thuận tiện, dễ dàng vận chuyển.
Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Khoa, rào cản kỹ thuật mỗi ngày được nâng cao dẫn đến doanh nghiệp phải tìm kiếm những cánh đồng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để những mặt hàng xuất khẩu ngày càng thuận lợi hơn. Đáp ứng điều này, hiện doanh nghiệp đang xây dựng vùng nguyên liệu lúa ở huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Mộc Hóa, Kiến Tường của tỉnh Long An, với hơn 500ha.
Còn ông Nguyễn Nhựt Quang, Phó Giám đốc Công ty Hoàng Gia Nhựt Quang, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, cũng rất phấn khởi với kết quả xuất khẩu gạo những tháng đầu năm. Theo đó, công ty đã xuất khẩu hơn 10.000 tấn gạo, tăng khoảng 2.000 tấn và giá tăng từ 10-20 USD/tấn so với cùng kỳ.
Ông Nhựt Quang cho rằng đáp ứng thị trường xuất khẩu thì doanh nghiệp phải nỗ lực rất nhiều trong việc đảm bảo không có nhiều dư lượng thuốc trừ sâu và hàm lượng khoáng chất trong gạo. Làm tốt diều này, doanh nghiệp phải có sự kết hợp chặt chẽ với một số hợp tác xã của Long An nhằm đảm bảo sản phẩm lúa đầu vào đạt năng suất tốt, chất lượng cao.
Bên cạnh đó, các ngân hàng nên tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp có nguồn vốn để thu mua kịp thời lúa cho nông dân. Đồng thời, các bộ, ngành Trung ương sớm hoàn thành thương hiệu gạo Việt Nam để gạo trong nước đứng vững trên thị trường quốc tế.
Qua thống kê của Sở Công Thương tỉnh Long An, hiện tỉnh có 25 doanh nghiệp xuất khẩu gạo; trong đó, có 1 doanh nghiệp FDI; 3 doanh nghiệp được xuất khẩu gạo trực tiếp sang Trung Quốc. Xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm nay đạt 353.000 tấn, với trị giá khoảng 183 triệu USD (tăng 27,23% về lượng và 30 % về giá trị so với cùng kỳ năm 2022); giá xuất khẩu bình quân đạt 517 USD/tấn, tăng khoảng 8 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường xuất khẩu gạo chủ yếu là Trung Quốc, Singapore, Indonesia, Ghana, Malaysia, Philippines, châu Phi và một số thị trường có yêu cầu cao như Đức, Anh, Hà Lan, Pháp, Mỹ, Canada… Chủng loại gạo xuất khẩu gồm gạo thơm, gạo trắng, gạo nếp, gạo Japonica… Hầu hết, các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường và đang chuyển hướng dần từ gạo thông dụng (IR504, OM 5451) sang gạo phẩm cấp cao (ST, Nàng Hoa, Đài thơm 8, Jasmine...) từ đó tiếp cận, thâm nhập vào các thị trường lớn, khó tính hơn.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, cho biết bên cạnh những thuận lợi, tỉnh còn gặp một số khó khăn trong xuất khẩu gạo. Cụ thể, chi phí đầu vào cho sản xuất lúa, gạo vẫn còn ở mức cao; điều kiện hạ tầng logistics của tỉnh vẫn còn kém phát triển, dẫn đến chi phí xuất khẩu gạo vẫn tăng; chưa thâm nhập vào thị trường có nhu cầu cao về chất lượng cũng như tiêu chuẩn kỹ thuật.
Việc thực hiện cánh đồng lớn, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân không ổn định, thiếu bền vững, khó nhân rộng mô hình. Nguyên nhân chính là do không thống nhất về giá, thời gian thu hoạch, phương thức thu mua..../.