Long An chuẩn bị sẵn sàng cho dự án đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Long An có tổng chiều dài đoạn tuyến khoảng 78,3km bao gồm đoạn cuối tuyến dài 3,8km qua địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Theo Sở Giao thông Vận tải Long An, địa phương đang tập trung cho khâu chuẩn bị đầu tư dự án đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, đảm bảo thực hiện tốt việc đầu tư khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Long An Đặng Hoàng Tuấn cho biết đến nay, tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi và gửi Thành phố Hồ Chí Minh để tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tổng thể đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh; trình Quốc hội xem xét, thông qua trong kỳ họp tới.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Long An có tổng chiều dài đoạn tuyến khoảng 78,3km bao gồm đoạn cuối tuyến dài 3,8 km qua địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Điểm đầu tuyến tại kênh Thầy Cai (ranh giới huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh và huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Điểm cuối tuyến nối với trục Bắc-Nam tại khu vực Cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh.

Quy mô đầu tư giai đoạn hoàn thiện phần đường cao tốc có 8 làn xe hoàn chỉnh, vận tốc thiết kế 100 km/h; đối với phần đường song hành hai bên bố trí tối thiểu 2 làn xe, vận tốc thiết kế 60 km/h. Quy mô phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 đối với phần đường cao tốc có 4 làn xe hoàn chỉnh, tốc độ 100 km/h; quy mô đường song hành mỗi bên bố trí tối thiểu 2 làn xe, chỉ bố trí cho đoạn tuyến đi trùng đường cũ để hoàn trả.

Trên tuyến bố trí 27 nút giao; trong đó 10 nút giao liên thông, 16 nút giao trực thông và 1 chỗ ra vào. Giai đoạn 1 đầu tư 7 nút giao liên thông (Đường Hồ Chí Minh Chơn Thành-Đức Hòa, Quốc lộ N2, Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương, Quốc lộ 1, Đường tỉnh 827E, Đường tỉnh 826D, cuối tuyến) và 14 nút giao trực thông; 1 chỗ ra vào.

Riêng khâu giải phóng mặt bằng sẽ tiến hành theo quy mô hoàn chỉnh (đảm bảo 8 làn xe cao tốc, đường song hành 2 bên) và các công trình phục vụ khai thác như trạm dịch vụ, trạm thu phí, các nút giao, đường ngang trên tuyến...

Long An tính toán tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 hơn 67.300 tỷ đồng (bao gồm cả phần 3,8km cuối tuyến thuộc địa phận Thành phố Hồ Chính Minh). Nguồn vốn đầu tư của nhà đầu tư, ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác; thời gian hoàn vốn của dự án dự kiến là 20 năm.

Theo ông Đặng Hoàng Tuấn, bên cạnh việc thực hiện tốt khâu chuẩn bị đầu tư dự án đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, địa phương cũng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay, tiến độ dự án đã đạt gần 50% khối lượng, đạt chỉ tiêu do Chính phủ giao; phấn đấu cơ bản hoàn thành thông xe phần cao tốc trong tháng 10/2025 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026.

Cùng đó, Long An cũng triển khai đồng loạt nhiều dự án giao thông trọng điểm kết nối các khu, cụm công nghiệp đến cảng biển; kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực như dự án đường Đường tỉnh 830E, Đường tỉnh 823D, trục Lương Hòa-Bình Chánh…

Sau khi các dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông, thay đổi toàn diện bộ mặt của Long An. Từ đó, góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, giúp Long An vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục