Long An: Chậm công khai dự án gây bức xúc trong dân

Đóng tiền xong gần 10 năm, hàng trăm hộ dân ở ấp 4, xã Bình Hòa Đông, huyện Mộc Hóa (Long An) vẫn đang mỏi mòn chờ chính quyền địa phương làm đường giao thông nông thôn.

Đóng tiền xong gần 10 năm, hàng trăm hộ dân ở ấp 4, xã Bình Hòa Đông, huyện Mộc Hóa (Long An) vẫn đang mỏi mòn chờ chính quyền địa phương làm đường giao thông nông thôn. Sự đợi chờ đã làm cho nhiều người rơi vào tuyệt vọng.
 
Ông Nguyễn Văn Cư , ngụ ấp 4, xã Bình Hòa Đông cho biết, toàn ấp có 190 hộ với tổng diện tích trên 850 ha. Năm 2005, Bí thư Chi bộ ấp cùng với Trưởng ấp họp dân, thống báo sẽ tiến hành làm 4 con đường giao thông nông thôn của ấp, gồm: đường Bàng, Cây Khô lớn, kênh No và kênh T1. Cuộc họp cũng thống nhất đóng 450 ngàn đồng/ha, trong vòng 3 năm (mỗi năm đóng 150 ngàn đồng), bắt đầu thu tiền từ năm 2005, sau đó sẽ tiến hành thi công lần lượt các con đường, đảm bảo vượt đỉnh lũ năm 2000 để người dân đi lại được thuận lợi, an toàn.
 
Với tinh thần đó, 100% người dân trong ấp đều đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên sau 3 năm thu tiền; hai con đường Cây Khô lớn và đường Bàng được tiến hành thi công ngay rồi ngưng nhưng không rõ lý do.
 
Ông Nguyễn Văn Cư cho biết thêm, sau khi 2 con đường trên hoàn thành, chính quyền ấp tổ chức nghiệm thu công trình, không thông báo cho dân biết. Bức xúc hơn là việc không công khai minh bạch về nguồn kinh phí đóng góp của người dân. Dù hai công trình đã hoàn thành đến nay gần 7 năm, không thấy chính quyền ấp mời dân để công khai rõ ràng, bởi đây là tiền của dân đóng góp.
 
"Ngoài ra, trước đó vào năm 1995 người dân ấp 4 cũng như toàn xã đã được chính quyền địa phương vận động đóng góp 190 ngàn đồng/ha để kéo đường điện hạ thế, làm đường hương lộ 87, chúng tôi không được hưởng lợi từ các công trình này, nay vận động đóng tiền làm 4 con đường của ấp, làm được nửa chừng rồi ngưng. Số tiền đóng góp trước đó khoảng trên 280 triệu để kéo điện, làm đường,... không biết tiêu vào đâu?" - ông Cư thắc mắc.
 
Còn anh Nguyễn Minh Châu, ngụ cùng ấp 4 cho rằng, lãnh đạo ấp 4 không trực tiếp thu tiền của người dân, phải nhờ qua quỹ nhiệm chi của xã thu hộ, nhưng không có một bản danh sách nào kèm theo. Người quỹ nhiệm thu-chi chỉ “nhìn mặt” biết dân ấp 4 là “chìa” biên lai ra thu. Không những vậy, người quỹ nhiệm thu-chi còn “làm khó” mỗi khi người dân đi vay tiền ở ngân hàng.
 
Trước khi đưa hồ sơ qua UBND xã xác nhận, phải đóng tiền trước mới xác nhận sau. "Với cách làm này, theo ghi nhận của người dân ấp 4, xã Bình Hòa Đông, đến nay có khoảng 90% hộ dân đã đóng tiền làm đường," anh Nguyễn Minh Châu nhận định.
 
Người dân ở đường kênh No, kênh T1 đã nhiều lần yêu cầu chính quyền ấp, tiếp tục thi công 2 con đường còn lại nhưng không được chính quyền địa phương đáp ứng. Chính vì vậy, gần 20 hộ dân trên đường kênh No tự quyên góp tiền, với mỗi hộ 600 ngàn đồng, thuê mướn đắp mặt đường kênh No dài gần 2km và bắc 5 cây cầu gỗ để người dân, học sinh đi lại được đảm bảo an toàn, nhất là mua mưa, lũ.
 
Ông Trần Văn Đắng, Trưởng ấp 4, xã Bình Hòa Đông cho biết, việc người dân bức xúc ở kênh No về vận động đóng góp xây dựng đường liên xóm, liên ấp là sự thật. Thế nhưng, người dân phản ánh thu không có biên lai thì chưa chính xác, vì ấp thu thì bao giờ cũng có biên lai. Trường hợp người nào thu không có biên lai, thì người dân nên phản ánh lại để xã xem xét giải quyết.
 
Ngoài ra, người dân bức xúc vì sao không làm toàn tuyến trên ấp của kênh No. Theo ông, người dân bức xúc việc này là rất chính đáng, nhưng thực tế đóng góp của dân không đủ kinh phí để thực hiện tuyến đường No. Do đó, lãnh đạo ấp 4 chờ đợi chương trình nạo vét kênh mương của tỉnh. Hiện nay, ở ấp 4, tỉnh Long An đã làm giai đoạn 1.
 
"Tại cuộc họp dân tại UBND xã vào đầu tháng 7/2014 vừa qua, Bí thư Chi bộ ấp và tôi có hứa với dân: nếu cuối năm 2014 và quí 1 năm 2015, tỉnh không tiếp tục thi công công trình đường, thì Chi bộ ấp xin chủ trương xã làm tuyến lộ No cho bà con đi lại dễ dàng"- ông Đắng khẳng định.
 
Cũng theo ông Đắng, việc đóng góp kinh phí của bà con còn khó khăn, do dân không định cư, thu hoạch xong lúa thì về quê hoặc một số dân không nhiệt tình đóng góp. Mong rằng tới đây, những hộ dân chưa đóng nên kết hợp với địa phương thu đủ để thực hiện đối với địa phương ấp 4, đặc biệt là kênh No.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Thanh Thừa, Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Đông, huyện Mộc Hóa khẳng định, UBND xã có chủ trương vận động dân đóng góp tiền làm lộ. Tuy nhiên, do số hộ đóng tiền chưa đủ nên việc thi công hoàn thành các tuyến lộ tại ấp 4 chưa thể đáp ứng được. Chính vì lẽ đó, người dân bức xúc là đúng.
 
Ông Thừa cho biết thêm, sau khi tiếp nhận thông tin của người dân ấp 4, UBND xã Bình Hòa Đông đã có buổi họp đối thoại trực tiếp giữa chính quyền ấp, xã và các hộ dân để giải quyết. Tại đây, ông Thừa đã nhận khuyết điểm do thiếu sót “chậm mời dân nghiệm thu 2 công trình và công khai tài chính”. Còn vấn đề tại sao vận động đóng tiền để thi công 4 con đường, chỉ thi công 2 rồi ngưng, ông Thừa cho rằng do thiếu vốn thi công.
 
Cũng tại buổi đối thoại, UBND xã đã giải trình một số ý kiến thắc mắc và được bà con thống nhất. Riêng về chủ trương thi công đường tiếp theo, UBND xã vận động những hộ dân chưa đóng tiền, tiếp tục thu để làm tiếp những công trình còn lại. Hiện còn khoảng 50% hộ dân chưa đóng, gây khó khăn cho địa phương thu chưa đạt theo kế hoạch đề ra. "Qua bức xúc này, UBND xã sẽ chỉ đạo Trưởng ấp và Chi bộ ấp tiếp tục vận động những người dân chưa đóng để tiếp tục làm các con kênh và lộ còn lại, đảm bảo việc đi lại cho người dân trong thời gian tới", ông Thừa cho biết thêm.
 
Sự việc nêu trên là bài học để chính quyền địa phương xã Bình Hòa Đông rút kinh nghiệm: Nếu sớm công khai, thì không xảy ra sự việc bức xúc trong dân. Từ đó, khẳng định Chủ trương: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” của Đảng còn có tác động tích cực đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội vững mạnh; tạo niềm tin vững chắc trong nhân dân./.


(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục