Long An: Cây Me 300 năm tuổi được công nhận là Cây Di sản Việt Nam

Cây Me được giám định khoảng 300 năm tuổi, là Cây Di sản Việt Nam đầu tiên trên địa bàn huyện Bến Lức được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận.
Cây Me được giám định có khoảng 300 năm tuổi tại ấp 6, xã Tân Bửu, huyện Bến Lức (Long An). (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 5/4, Ủy ban Nhân dân huyện Bến Lức, tỉnh Long An công bố Quyết định và đón nhận Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam đối với cây Me tại ấp 6, xã Tân Bửu.

Cây Me được giám định khoảng 300 năm tuổi, là Cây Di sản Việt Nam đầu tiên trên địa bàn huyện Bến Lức được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận.

Ngoài giá trị cây cổ thụ, cây Me còn là chứng nhân lịch sử, có giá trị cảnh quan, văn hóa gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của vùng đất Ba Cụm, Rạch Rít (nay thuộc ấp 6, xã Tân Bửu, huyện Bến Lức) trong lịch sử vùng đất Nam Bộ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ.

[Công nhận quần thể cổ thụ rừng Nam Tây Nguyên là Cây di sản Việt Nam]

Theo ông Phạm Thanh Phong, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An, người dân xã Tân Bửu rất tự hào, xem cây Me là biểu tượng sinh tồn của cư dân nơi đây từ ngày đầu mở đất, lập làng. Tại đây ngày 14/5/1948, thực dân Pháp mở đợt càn và xử bắn 6 người dân yêu nước của xã.

Bia tưởng niệm cạnh cây me, ghi dấu trận thảm sát trong chiến tranh với hàng ngàn thanh thiếu niên và người dân đã hy sinh tại ấp 6, xã Tân Bửu. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 24/7/1964, máy bay Mỹ bất ngờ lao tới xả súng xuống khu vực cây me làm chết 32 thường dân đang ngồi dưới bóng mát. Tại khu vực cây Me, người dân đã lập bia tưởng niệm các sự kiện này.

Việc đón cây Me được công nhận là Cây Di sản Việt Nam có ý nghĩa rất thiết thực nhằm tuyên truyền giá trị bảo tồn đa dạng sinh học, giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường; đồng thời, nâng cao ý thức bảo vệ cây cho người dân trong cộng đồng, đánh thức tiềm năng du lịch, văn hóa, góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh quê hương Bến Lức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục