Long An cần 78.000 tỷ đồng phát triển giao thông giai đoạn 2021-2030

Tỉnh Long An sẽ tập trung huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế để cùng ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ.
Long An cần 78.000 tỷ đồng phát triển giao thông giai đoạn 2021-2030 ảnh 1Một góc thành phố Tân An, tỉnh Long An. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Theo Bí thư Tỉnh ủy Long An, ông Nguyễn Văn Được, giai đoạn 2021-2030, Long An cần nguồn lực rất lớn để phát triển hạ tầng giao thông.

Cụ thể, tổng nhu cầu nguồn vốn triển khai, thực hiện các công trình giao thông trọng điểm, đột phá của tỉnh trong giai đoạn này khoảng 78.000 tỷ đồng.

Riêng tổng vốn đầu tư dự án Đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Long An là hơn 48.000 tỷ đồng và vốn đầu tư Quốc lộ 50B là hơn 18.600 tỷ đồng.

Do đó, địa phương sẽ tập trung huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế để cùng ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị trên địa bàn.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An, những năm qua, hạ tầng giao thông trên địa bàn được quan tâm đầu tư nên dần hoàn thiện theo hướng kết nối liên vùng, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Giai đoạn 2021-2025, Long An xác định danh mục dự án giao thông cần đầu tư gồm 3 công trình trọng điểm và 8 công trình mang tính chất đột phá; đến nay, tiến độ các dự án giao thông cơ bản đạt yêu cầu.

[Long An linh hoạt các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế]

Cụ thể, các công trình như Đường Vành đai thành phố Tân An, đường ĐT.824 và dự án nút giao Hùng Vương-Quốc lộ 62 đang được các nhà thầu gấp rút thi công để hoàn thành trong năm 2023.

Đặc biệt, Long An đã tổ chức khởi công và triển khai nhiều công trình quan trọng, mang tính chất liên kết vùng như Đường ĐT. 823D, Đường ĐT. 830E, Đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh...

Các dự án này đóng vai trò quan trọng nhằm cải tạo kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, tăng cường kết nối với các địa phương lân cận, nhất là kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An, dù được quan tâm đầu tư, nhưng hạ tầng giao thông vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của địa phương.

Tỉnh xác định tiếp tục tập trung các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông nhằm tháo gỡ "điểm nghẽn," thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội một cách mạnh mẽ.

Bên cạnh nguồn vốn, giải phóng mặt bằng cũng là một khó khăn lớn trong thực hiện các dự án giao thông của tỉnh Long An. Do đó, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Được yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị phải trực tiếp giải quyết những việc khó, phức tạp trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Để đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, các ban ngành, địa phương cũng như người dân sống trong khu vực có dự án đi qua cần chung tay vào công cuộc xây dựng hạ tầng theo tinh thần tự nguyện; lấy quan điểm "lộ thông tài thông" làm kim chỉ nam trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội.

Việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư phải thực hiện chính xác, đúng quy định pháp luật; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư; người dân được tái định cư phải hưởng lợi từ dự án, theo nguyên tắc "nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục