Theo kết quả cuộc khảo sát do OpinionWay thực hiện, NewYork đã vượt London trở thành thành phố hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài nhất vào năm 2016.
London vốn đứng đầu danh sách 10 thành phố hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài nhất vào năm ngoái, nhưng việc Vương quốc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), sự kiện được gọi là Brexit và hệ lụy là sự mất ổn định đã khiến thành phố này tụt xuống vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng năm nay.
Vị trí thứ ba trong danh sách của năm 2016 thuộc về Thượng Hải. Paris xếp thứ tư trong danh sách, đứng trên Hong Kong (Trung Quốc) và Tokyo. Bắc Kinh chỉ xếp ở vị trí thứ 10.
Về các tiêu chí đánh giá, 90% các nhà đầu tư chọn sự ổn định chính trị và an toàn về pháp lý làm tiêu chí xếp hạng các thành phố, 88% chọn cơ sở hạ tầng và 85% chọn tăng trưởng kinh tế.
Tiếp theo là các tiêu chí về quy mô và sức mở của thị trường, nguồn nhân lực, các phí tổn, lương và chính sách thuế.
Các tiêu chí khác như giá bất động sản, nghiên cứu và chất lượng cuộc sống đều giảm tầm quan trọng.
Liên quan đến việc London bị tụt hạng, hậu Brexit, vị thế “thiên đường tài chính” của thành phố này có thể bị lung lay.
Việc EU lên kế hoạch chuyển trụ sở Cơ quan giám sát ngân hàng châu Âu ra khỏi London sau khi đa số các cử tri ủng hộ nước Anh rời EU trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 đã làm dấy lên những quan ngại về việc thủ đô của nước Anh có thể bị tách dần khỏi quy chế tài chính của châu Âu hay thậm chí là các thị trường vốn của “lục địa Già.”
Trong khi đó, chuyên gia Greg Clark đến từ viện nghiên cứu Brookings Institution nhận định một vài doanh nghiệp trước đây đặt trụ sở chính tại London sẽ rút một số hoạt động chính sang những thành phố khác của châu Âu.
Tại London, cứ ba việc làm được kiến tạo thì có một việc làm trong lĩnh vực tài chính, tương đương khoảng 1,25 triệu đầu việc.
Do đó, việc các doanh nghiệp đồng loạt bày tỏ ý định rời khỏi thủ đô nước Anh sẽ là mối đe dọa đến vị thế “thiên đường tài chính” của thành phố này./.