Kết quả khảo sát thường niên của ngân hàng Lloyds Bank về tâm lý của các công ty tài chính được công bố ngày 13/9 cho thấy London sẽ vẫn là trung tâm tài chính toàn cầu hàng đầu, bất chấp những bất ổn về mặt quy định do việc Anh rời khởi Liên minh châu Âu (EU).
Anh đã chính thức rời EU, khách hàng xuất khẩu đơn lẻ lớn nhất của Xứ sở Sương mù, hồi tháng 12 năm ngoái. Cùng với đó, hàng ngàn việc làm và hàng tỷ euro giao dịch hàng ngày cũng chuyển từ London sang EU. Điều này làm dấy lên lo ngại về vị thế của London trong lĩnh vực tài chính toàn cầu.
Nhưng khảo sát nói trên của Lloyds Bank, được tiến hành với hơn 100 ngân hàng, các công ty quản lý tài sản và công ty bảo hiểm, lại cho thấy hơn 2/3 số công ty tham gia khảo sát tin rằng London vẫn sẽ là một trung tâm hàng đầu.
[HKMA: Hong Kong giữ vững vị thế trung tâm tài chính toàn cầu]
Khảo sát kết luận dù vị thế của London đã “lung lay” do Brexit, nhưng thủ đô của Anh vẫn sẽ là một trong những trung tâm tài chính hàng đầu của thế giới.
Brexit đã khiến lĩnh vực tài chính của Anh bị tách rời khỏi EU. Khảo sát cho thấy 42% số công ty tham gia tin rằng phải đến năm 2023 trở đi, Anh mới có thể tiếp cận trở lại thị trường tài chính của EU, trong khi gần 1/3 nhận định điều này sẽ không bao giờ xảy ra.
Cũng theo khảo sát, những thay đổi trong quy định được xem là mối đe dọa lớn nhất. Điều này phù hợp với tình hình bất ổn hiện tại về những cải cách quy định của Anh, dù đã nhiều tháng đã qua kể từ sau Brexit.
Với triển vọng tiếp cận thị trường EU rất mong manh, Bộ Tài chính Anh đã xây dựng một loạt các đề xuất cải cách nhưng vẫn chưa được thực hiện.
Khảo sát còn cho thấy có sự khác biệt trong quan điểm của các công ty tham gia khảo sát, khi một số công ty cho rằng khả năng cạnh tranh của Anh sẽ tăng lên do sự khác biệt với các quy định của EU, trong khi số khác lại nhận định điều ngược lại./.