Lời tiên tri nói về cái chết của một vị vua trên văn tự 4.000 năm tuổi

Những phiến đá có nội dung tiên tri được tìm thấy tại Iraq. Các nhà nghiên cứu tin rằng nó có nguồn gốc từ Sippar, một thành phố cổ thuộc nền văn hóa Babylon, nằm gần Baghdad hiện nay.

Nội dung tiên tri trên bia đá có từ thời Lưỡng Hà chỉ mới được giải mã gần đây. (Nguồn: Yahoo News)
Nội dung tiên tri trên bia đá có từ thời Lưỡng Hà chỉ mới được giải mã gần đây. (Nguồn: Yahoo News)

Các nhà khoa học vừa giải mã thành công những dòng chữ nằm trên bốn phiến đá cổ tại có từ thời Lưỡng Hà, cách đây gần 4.000 năm. Bất ngờ thay, chúng lại là những lời tiên tri về thảm họa và vận đen, thay vì một tương lai yên bình, tốt đẹp. Công trình giải mã nội dung các văn tự này gần đây đã được đăng tải lên Tạp chí khoa học Nghiên cứu Hình nêm và kênh tin tức khoa học Live Science.

Những phiến đá nêu trên được tìm thấy cách nay một thế kỷ tại Iraq. Các nhà nghiên cứu tin rằng nó có nguồn gốc từ Sippar, một thành phố cổ thuộc nền văn hóa Babylon, nằm gần thành phố Baghdad hiện đại, thủ đô của Iraq.

Kể từ khi được tìm thấy, các phiến đá đã được cất giữ và trưng bày tại bảo tàng Anh quốc ở nước Anh. Nhưng chỉ cho tới gần đây, người ta mới dịch được nội dung của các dòng chữ ghi trên chúng.

Theo hai tác giả của nghiên cứu mới là Andrew George và Junko Taniguchi, những phiến đá nêu trên là ví dụ cổ xưa nhất về các tập hợp điềm báo nhật thực từng được phát hiện.

Người Lưỡng Hà có niềm tin rằng “các sự kiện xuất hiện trên bầu trời” là thông điệp do thần thánh gửi tới. Họ phân tích nhật thực, chuyển động bóng tối và chu trình thay đổi ngày đêm để dự đoán những sự kiện sắp xảy ra.

Tuy nhiên, theo nội dung ghi trong những phiến đá nêu trên, bầu trời dường như không mang đến điều tốt lành. Lời tiên tri nói rằng “một vị vua sẽ chết” và khu vực Elam (hiện là Iran) sẽ bị “hủy diệt” nếu “nhật thực bắt đầu khiến bầu trời tối đen và ngay sau đó sáng trở lại”. Các phiến đá cũng dự đoán về “sự sụp đổ” của hai khu vực khác là Subartu và Akkad, nếu “hiện tượng nhật thực bắt đầu ở phía Nam và sau đó trời sáng trở lại.”

Một số lời tiên tri khác ghi trên các phiến đá lại cảnh báo rằng “một đội quân lớn sẽ bị tiêu diệt”, đất nước sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị “một đàn châu chấu lớn tấn công" và "nhiều gia súc có thể chết".

Dù những lời tiên tri chủ yếu dựa trên giả định hơn là chứng cứ xác thực, Andrew George lưu ý rằng một số điềm báo có thể bắt nguồn từ các trải nghiệm thực tế. Người cổ xưa có thể đã quan sát thấy những hiện tượng được coi như điềm báo, trước khi thảm họa xảy ra. Nhưng Andrew cũng nhấn mạnh rằng đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, do thảm họa xảy ra gần thời điểm nhật thực hoặc gần một sự kiện thiên văn lớn khác.

Trong cuộc phỏng vấn với Live Science, Andrew cho biết những phiến đá chứa văn tự cổ có thể đã được các cố vấn của nhà vua sử dụng để dự đoán tương lai. “Các cố vấn cho nhà vua theo dõi bầu trời đêm và đối chiếu quan sát của họ với các văn bản học thuật về điềm báo thiên văn,” ông nói trong nghiên cứu.

Trên khắp thế giới, không thiếu những phiến đá hay tảng đá có khắc những dòng cổ tự như vậy. Rất nhiều trong số chúng đã được giải mã và chứa các thông tin giá trị. Ví dụ như vào năm 2018, người ta từng tìm thấy một cột đá có niên đại 2000 năm tuổi ghi rất nhiều chữ Do Thái cổ.

Nhưng cũng có những văn tự đá chưa được dịch nghĩa đầy đủ. Đơn cử như tại Sapa của Việt Nam có sự tồn tại của một bãi đá cổ, từ lâu đã một điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng. Bãi đá cổ này trải dài trên địa phận của ba xã lân cận nhau là Tả Van, Hầu Thào và Sử Pan.

Nằm ngay trong thung lũng Mường Hoa với diện tích khoảng 8km2, có tổng cộng 159 tảng đá nằm khắp nơi, không tuân theo bất kỳ một quy luật nào. Chúng được một nhà Đông Dương học người Pháp gốc Nga phát hiện vào năm 1923. Kể từ đó, đã có rất nhiều nhà nghiên cứu tìm đến đây. Họ đưa ra những giả thuyết khác nhau về các tảng đá này, nhưng đều chỉ là quan điểm riêng, không có bằng chứng xác thực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục