Lối thoát nào cho V-League 2021 trước những xung đột lợi ích?

V-League 2021 phải hoãn tới tháng 2/2022 mang tới muôn vàn thách thức cho các câu lạc bộ, song đây là phương án khả dĩ nhất trong thời điểm hiện tại trước tình hình dịch COVID-19.
V-League 2021 cần sớm tìm được lối thoát trong bối cảnh dịch COVID-19. (Ảnh: Vietnam+) 

Sáng nay (21/7), Việt Nam ghi nhận thêm 2.787 ca mắc mới COVID-19, trong đó 12 ca nhập cảnh và 2.775 ca ghi nhận trong nước. 

Tình hình phức tạp như vậy khiến các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam gần như không thể trở lại trong vòng ít nhất 2 tháng tới khi Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh còn đang gồng mình và áp dụng những biện pháp giãn cách xã hội. 

Nhận định khó khăn, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã đưa ra phương án hoãn các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam tới giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022 sau khi bị đổ bể kế hoạch tổ chức thi đấu tập trung tại miền Bắc. 

Phương án này đang bị nhiều câu lạc bộ V-League phản ứng dữ dội. Có khoảng 7 đội bóng không đồng tình với kế hoạch được VPF đưa ra. 

Hoãn V-League 2021 tới tháng 2/2022 gặp phải nhiều phản đối từ các câu lạc bộ. (Ảnh: Vietnam+) 

Điều này dễ hiểu khi phương án được tính tới gây ảnh hưởng nặng nề tới các câu lạc bộ ở nhiều mặt, từ kinh tế tới con người. 

Song, các đội bóng tham dự giải phản ứng gay gắt như thế nào thì cũng không thể phủ nhận rằng đó là giải pháp tối ưu nhất vào thời điểm hiện tại. 

Kế hoạch ấy có những ưu điểm và nhược điểm, nhưng đảm bảo được nhiều yếu tố cần thiết để các bên cùng có lợi và giúp giải đấu kết thúc trọn vẹn.  

Hãy phải nhìn nhận các giải pháp khác đang được nêu ra để thấy rõ rằng phương án hoãn V-League tới tháng 2/2022 là hợp lý. 

V-League hoàn thành trong năm 2021?

Nhiều ý kiến cho rằng không cần thiết phải hoãn giải tới năm sau khi còn 5 tháng của năm 2021 trước mắt. 

Mặc dù trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm, đội tuyển Việt Nam và U23 sẽ tập trung để chuẩn bị thi đấu cho ba giải đấu quan trọng gồm vòng loại thứ ba World Cup, vòng loại U23 châu Á và AFF Cup 2020. 

Tuy nhiên, V-League có thể đá xen kẽ với lịch thi đấu và tập trung của đội tuyển.  

Phương án này mang tới lợi thế rằng các câu lạc bộ được thi đấu sớm, không phải chờ đợi khoảng thời gian dài khiến tiêu tốn thêm nhiều chi phí, cầu thủ được đảm bảo phong độ, thể lực. Giải đấu cũng có thể kết thúc trọn vẹn trong năm 2021. 

Tuy nhiên, điều này sẽ khiến nhiều cầu thủ bị đặt vào trạng thái quá tải do phải thi đấu cùng lúc cho cả đội tuyển cũng như câu lạc bộ và làm nổi lên tranh cãi rằng ưu tiên V-League hay đội tuyển?

V-League khó có thể trở lại trong năm 2021. (Ảnh: Vietnam+)

Khi bối cảnh dịch còn diễn biến xấu, khó có thể lắng xuống trong vòng 2 tháng nữa, nếu vẫn muốn tổ chức được V-League, VPF chỉ còn phương án đá tập trung như từng đưa ra. 

Khi ấy, 14 đội bóng V-League buộc phải ở lại khu vực thi đấu (như miền Bắc chẳng hạn) ít nhất 3 tháng cuối năm 2021 theo quy trình sinh hoạt khép kín "bong bóng" để có thể đá theo lịch thi đấu không liên tục vì phải xen kẽ với tuyển Việt Nam. Điều đó có thể khiến họ tiêu tốn chi phí nhiều không kém việc "đóng băng" 7 tháng từ nay tới đầu năm 2022. 

Trong khi đó, đây cũng không phải là phương án đảm bảo tối đa an toàn phòng chống dịch COVID-19. Bởi thực tế cho thấy quy trình sinh hoạt khép kín "bong bóng" trong thi đấu tập trung của FIFA được xem là phương án tối ưu nhất hiện tại cho các nhà tổ chức bóng đá để duy trì những giải đấu đã cho thấy lỗ hổng. Vòng bảng AFC Champions League 2021 được tổ chức tại Uzbekistan gần đây đã chứng kiến 5 ca nhiễm COVID-19 dù được vận hành đúng với quy trình này. 

Hơn nữa, với quy trình này, một cầu thủ nhiễm COVID-19 sẽ được đưa đi cách ly và điều trị, các trường hợp F1 cũng cách ly nhưng phần còn lại được thi đấu bình thường. Điều này quá nguy hiểm và gần như không được cho phép với tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam hiện tại. 

Quy định tại Việt Nam yêu cầu trường hợp F2 và F3 cũng cần thực hiện nghiêm quy định cách ly tại nhà hoặc nơi cư trú chứ không thể tiếp xúc với nhiều người. 

Phương án tổ chức đá tập trung chưa chắc đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong thời điểm hiện tại. (Ảnh: Vietnam+) 

Tình hình dịch COVID-19 phức tạp tại Việt Nam không cho phép bất cứ một ngoại lệ nào để rồi dẫn tới việc có lỗ hổng trong hệ thống phòng chống dịch COVID-19 cả nước. 

Không thể lấy việc đội tuyển Việt Nam được tổ chức các trận đấu sân nhà ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 với quy trình khép kín "bong bóng" để so sánh với việc tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp cấp câu lạc bộ. 

Cần nhớ, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) phải vất vả mới xin được các cơ quan chức năng tổ chức vòng loại thứ ba World Cup 2022 trên sân Mỹ Đình với những biện pháp cực kỳ nghiêm ngặt. 

Điều này rất không thể lặp lại với V-League khi nhiều câu lạc bộ thậm chí chưa hoàn thành tiêm đủ 2 mũi vaccine cho thành viên, đặc biệt trong bối cảnh cực kỳ phức tạp hiện tại. 

Kết thúc sớm V-League 2021 

Một phương án khác được tính đến khi nhiều đội bóng không đồng ý hoãn giải đấu tới tháng 2/2022 là kết thúc sớm, không có đội vô địch, xuống hạng hoặc tổ chức một trận đấu tranh ngôi vô địch giữa hai đội đứng đầu bảng xếp hạng Viettel và Hoàng Anh Gia Lai. 

Ưu điểm của phương án này là giúp các đội bóng hoàn thành được mùa giải, không tốn thêm chi phí, không bị ảnh hưởng nặng nề về thành tích bởi không có đội xuống hạng và đem lại lợi ích tối đa cho câu lạc bộ. 

Khi giải đấu đã đi được 2/3 chặng đường, việc chọn lựa nhà vô địch giữa Viettel và Hoàng Anh Gia Lai cũng không gây nhiều tranh cãi. 

Các giải đấu kết thúc không trọn vẹn gây ảnh hưởng tới nhà tổ chức. (Ảnh: Vietnam+) 

Nhưng kế hoạch này lại gây thiệt hại "cực đại" cho nhà tổ chức. VPF có thể phải chịu khoản lỗ khổng lồ nếu như các giải kết thúc sớm vì không đảm bảo được quyền lợi cho nhà tài trợ cũng như các đối tác.

Còn nhớ, doanh thu ở mùa giải 2020 thấp rất nhiều so với năm 2019 vì ảnh hưởng từ đại dịch dù các giải vẫn kết thúc trọn vẹn. 

Nếu giải đấu được xem như cuộc chơi của các bên, VPF chắc chắn cũng không thể chịu phần thiệt về mình. Hơn hết, hủy giải đấu khiến hình ảnh của bóng đá Việt Nam đi xuống rất nhiều và có thể phải chịu thiệt từ các phán xét tiêu cực của AFC khi đánh giá về chất lượng giải. 

Nên nhớ, V-League từng phải đi những bước rất dài để nhận được đánh giá tích cực từ AFC, cụ thể là suất dự vòng bảng AFC Champions League. 

Kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, VPF đã rất nhanh nhạy trong việc thay đổi thể thức mới sao cho phù hợp và đảm bảo yếu tố lợi ích tối đa cho câu lạc bộ. Thời điểm này, đơn vị tổ chức cũng cần sự chung tay ngược lại của các câu lạc bộ. 

Hoãn V-League tới tháng 2/2022 có hợp lý? 

Nhìn hai phương án trên để thấy hoãn giải đấu tới tháng 2/2022 hợp lý hơn dù không hoàn hảo. Không phải không có cách để các câu lạc bộ và VPF đảm bảo lợi ích với kế hoạch này. 

Việc phải duy trì lương thưởng, hợp đồng với cầu thủ nội và ngoại được xem là rào cản lớn nhất cho 14 đội bóng với phương án này. Dễ nhận thấy những bên tỏ thái độ gay gắt với phương án này đều không có tiềm lực tài chính mạnh. 

Song họ hoàn toàn thể đàm phán, đưa ra kế hoạch hợp lý với các khoản chi phí đang phải gồng gánh. Ngay cả khi V-League có thể trở lại vào cuối năm nay, các đội cũng sẽ trải qua ít nhất 5 tháng chịu thiệt về tài chính khi các giải đang bị hoãn từ tháng Năm vừa qua. 

Việc chịu thiệt về chi phí là vấn đề chung của mọi lĩnh vực xã hội ở thời điểm đại dịch bùng nổ. Chỉ có những sự chung tay và đàm phán hợp lý từ câu lạc bộ với cầu thủ, đối tác, nhà tài trợ mới gỡ được nút thắt này. 

Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng bài toán về kinh tế thời điểm này không khó bằng việc tổ chức và đảm bảo an toàn phòng chống dịch. 

Ngay cả thời điểm tháng 2/2022 chưa chắc tình hình dịch COVID-19 đã dịu xuống để VPF có thể tổ chức giải đấu. Tuy nhiên, kéo dài thêm thời gian giúp gia tăng cơ hội để giải đấu mùa này thêm trọn vẹn. 

VPF cho biết sẽ lấy ý kiến của các câu lạc bộ trong việc tổ chức các giải chuyên nghiệp Việt Nam. Khi đã ngồi vào bàn tròn, biết đâu một phương án tối ưu mới sẽ được đưa ra hoặc đơn giản các bên sẽ tìm được tiếng nói chung cho một giải pháp hợp lý./. 

VPF cần nhiều cuộc đối thoại hơn với các câu lạc bộ để đưa ra giải pháp cuối cùng. (Ảnh: CLB TP.HCM) 
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục