Lợi nhuận trước thuế của VIB đạt trên 8.300 tỷ đồng, tăng 7%

VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 8.325 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 27%, duy trì hiệu quả sinh lời tốp đầu ngành.
Lợi nhuận trước thuế của VIB đạt trên 8.300 tỷ đồng, tăng 7% ảnh 1Lợi nhuận trước dự phòng tín dụng của VIB tăng trưởng vượt bậc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) công bố kết quả kinh doanh cho 9 tháng với doanh thu tiếp tục đà tăng trưởng tốt, hiệu quả kinh doanh ở tốp đầu ngành, bảng tổng kết tài sản vững mạnh và an toàn. 

Doanh thu tăng trưởng mạnh

Kết thúc 9 tháng, VIB ghi nhận tổng doanh thu đạt trên 16.300 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng chính đến từ các mảng kinh doanh cốt lõi của ngân hàng bán lẻ, khách hàng doanh nghiệp và khối nguồn vốn. Trong đó thu nhập lãi đạt 13.000 tỷ đồng, tăng 18% và thu nhập ngoài lãi đóng góp 20% vào tổng thu nhập hoạt động. Chi phí hoạt động được kiểm soát tốt, ở mức 4.840 tỷ đồng, chỉ tăng 4,5% so với năm trước. Nhờ vậy, hệ số chi phí/doanh thu (CIR) của VIB giảm còn 30% và là một trong những ngân hàng bán lẻ có hiệu quả quản trị chi phí dẫn đầu ngành.

Lợi nhuận trước dự phòng tín dụng của VIB tăng trưởng vượt bậc, đạt gần 11.500 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng quý 3 đạt 4.300 tỷ đồng - mức cao nhất của ngân hàng từ trước đến nay.

[Ba trụ cột trong chuyển đổi số của VIB và những con số ấn tượng]

Bên cạnh kết quả kinh doanh giữ vững tăng trưởng ổn định, nhằm nâng cao chất lượng tài sản cũng như tạo bộ đệm dự phòng vững chắc, ngân hàng cũng chủ động trích lập dự phòng lên tới hơn 3.150 tỷ đồng, gấp 3,4 lần so với cùng kỳ. Sau 9 tháng, VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 8.325 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 27%, duy trì hiệu quả sinh lời tốp đầu ngành.

Rủi ro tập trung thấp nhất thị trường

Tại ngày 30/9, tổng tài sản VIB đạt 384.500 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với đầu năm. Nhờ triển khai các chiến lược thúc đẩy tăng trưởng, dư nợ tín dụng đạt gần 247.000 tỷ đồng, tăng 5,5% so với đầu năm. Trong đó, đáng chú ý tăng trưởng tín dụng riêng quý 3 của VIB đạt hơn 4,5%, gấp đôi so với tăng trưởng tín dụng trung bình toàn ngành ngân hàng trong quý 3 - khoảng 2,2%.

Nhờ kiểm soát tăng trưởng tín dụng thận trọng trong nửa đầu năm 2023, hiện nay VIB đang là một trong những ngân hàng còn room tín dụng lớn nhất, gần 9%, đây là điều kiện rất tốt để ngân hàng tiếp tục tăng trưởng trong quý 4, trên nền lãi suất đã giảm rất mạnh so với đầu năm.

Lợi nhuận trước thuế của VIB đạt trên 8.300 tỷ đồng, tăng 7% ảnh 2VIB là một trong những ngân hàng có rủi ro tín dụng tập trung thuộc nhóm thấp nhất thị trường với mức độ phân tán rủi ro tập trung tối đa. (Ảnh: Vietnam+)

Nợ xấu của VIB hiện được duy trì ở mức 2,47%, giảm so với mức đỉnh 2,62% vào cuối quý 1/2023 và đang có xu hướng tiếp tục giảm. Trong số nợ xấu này, hầu hết là các khoản vay được thế chấp bằng bất động sản, với tỷ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo được duy trì ở mức 60%-70%. Bên cạnh đó, chính sách tài sản đảm bảo chặt chẽ với 99,5% tài sản đảm bảo bằng bất động sản là nhà đã có sổ hồng, sổ đỏ, do vậy tỷ lệ mất vốn trên các khoản nợ xấu là rất thấp.

Hiện VIB là một trong những ngân hàng có rủi ro tín dụng tập trung thuộc nhóm thấp nhất thị trường với mức độ phân tán rủi ro tập trung tối đa. Tại thời điểm cuối quý 3 tỷ trọng dư nợ bán lẻ tại VIB đạt 86% tổng danh mục cho vay. Bên cạnh đó, VIB cũng thận trọng trong việc cấp tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Tại ngày 30/9 dư nợ cho vay các hoạt động và lĩnh vực như: BOT, năng lượng tái tạo, bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư trái phiếu bất động sản đều bằng không. VIB cũng có số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nằm trong nhóm thấp nhất ngành, ở mức 877 tỷ đồng, chỉ tương đương khoảng 0,3% tổng dư nợ tín dụng và hoàn toàn không có nợ xấu. Các trái phiếu nắm giữ hầu hết thuộc lĩnh vực sản xuất thương mại và tiêu dùng.

Tổng huy động vốn của VIB đạt 258.000 tỷ đồng, trong đó tiền gửi khách hàng gần 214.000 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Động lực tăng trưởng chính đến từ huy động tiền gửi khách hàng cá nhân tăng 10%, trong đó số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cũng tăng tới 9% so với đầu kỳ.

Bên cạnh đó, nhờ sự quản trị linh hoạt và điều hành cơ cấu nguồn vốn phù hợp trong bối cảnh lãi suất thị trường điều chỉnh cũng giúp VIB tối ưu chi phí huy động đáng kể. Lãi suất huy động từ khách hàng giảm gần 3% so với đầu năm, qua đó tạo điều kiện giảm mạnh lãi suất cho vay và duy trì NIM một cách tích cực.

Các chỉ số quản trị của VIB được duy trì ở mức an toàn và tối ưu, với hệ số an toàn vốn CAR (Basel II) ở mức 11,8% (so với quy định là trên 8%), hệ số nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là 28% (quy định dưới 34%), hệ số cho vay trên huy động (LDR) đạt 72% (quy định là dưới 85%), tỷ lệ dự trữ thanh khoản (MLH) là 17,5% (quy định là trên 10%).

Tiên phong các chuẩn mực quốc tế

VIB được biết đến như là ngân hàng luôn tiên phong triển khai các chuẩn mực quốc tế tại Việt Nam.

Trong năm 2019, VIB là ngân hàng Việt Nam đầu tiên triển khai thành công cả 3 trụ cột của chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế Basel II.

VIB là một trong những ngân hàng tiên phong triển khai và tiến hành kiểm toán báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế IFRS từ năm 2019, trước 6 năm so với lộ trình dự kiến của Bộ Tài chính là năm 2025. Trong quá trình kiểm toán báo cáo tài chính từ năm 2019 đến hết 2022, với báo cáo kiểm toán chấp nhận toàn phần, các dữ liệu cơ bản của chuẩn mực quốc tế IFRS và chuẩn mực Việt Nam (VAS) khá tương đồng, đặc biệt là các chỉ số trọng yếu như tổn thất tín dụng, vốn chủ sở hữu và lợi nhuận. Điều này phần nào thể hiện chất lượng thông tin cao, minh bạch và hiệu quả của việc triển khai các chuẩn mực quốc tế tại VIB.

Lợi nhuận trước thuế của VIB đạt trên 8.300 tỷ đồng, tăng 7% ảnh 3VIB được biết đến như là ngân hàng luôn tiên phong triển khai các chuẩn mực quốc tế tại Việt Nam. (Ảnh: Vietnam+)

Sau khi hoàn tất Basel II, VIB triển khai mạnh mẽ các cấu phần của Basel II nâng cao và Basel III. Trong quý 3/2023, VIB được Ngân hàng Nhà nước chỉ định làm thành viên Ban chỉ đạo triển khai Basel II nâng cao và Basel III cho ngành ngân hàng.

Hiện nay, VIB đang là một trong số ít các ngân hàng thương mại được xếp hạng tốp đầu bởi Ngân hàng Nhà nước, dựa vào kết quả đánh giá với điểm số cao về: an toàn vốn, chất lượng tài sản, quản trị điều hành, kết quả hoạt động kinh doanh và khả năng thanh khoản.

Là một trong những ngân hàng có tỷ trọng bán lẻ cao nhất thị trường, VIB kiên định với mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam về quy mô và chất lượng. Trong thời gian tới, ngân hàng tiếp tục có các kế hoạch triển khai các sản phẩm chiến lược, duy trì vị thế dẫn đầu ở một số mảng kinh doanh bán lẻ trọng yếu.

Bên cạnh đó, VIB tăng cường đầu tư vào Chuyển đổi Số tất cả sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, chú trọng quản trị rủi ro đảm bảo các hệ số an toàn, lành mạnh và minh bạch./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục