Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBANK) vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh.
Tính đến hết ngày 31/12/2020, có tổng tài sản đạt 116.494 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.368 tỷ đồng. Năm 2020, ABBANK cũng đã hoàn thành việc đưa cổ phiếu giao dịch tập trung trên sàn UPCoM.
Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBANK) vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh năm 2020 ghi nhận tổng tài sản đạt 116.494 tỷ đồng, tăng 14%. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.368 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch năm 2020, tăng 11,3% so với năm 2019.
[Cổ phiếu ABBANK giao dịch trên sàn UpCoM với giá 15.000 đồng]
Bên cạnh đó, huy động từ khách hàng đạt 78.128 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2019. Dư nợ tín dụng đạt 69.469 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cuối năm 2019. Đặc biệt, tăng trưởng cho vay khách hàng cá nhân và cho vay khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ - hai nhóm khách hàng mục tiêu của ABBANK đều có sự tăng trưởng, lần lượt tăng 16,33% và 21,36% so với cuối năm 2019.
Nợ xấu trên tổng dư nợ tiếp tục được ABBANK kiểm soát chặt chẽ ở mức 1,44%, đảm bảo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Cùng với đó, hiệu quả và an toàn hoạt động của ABBANK trong năm 2020 cũng tiếp tục được đảm bảo thông qua các chỉ số như RoA đạt 1,4%; RoE đạt 16,5%.
Đặc biệt, cuối năm 2020, ABBANK đã hoàn tất công tác đăng ký giao dịch tập trung trên UPCoM theo đúng lộ trình yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, hơn 571 triệu cổ phiếu phổ thông có mã chứng khoán ABB đã chính thức được giao dịch tập trung trên sàn UPCoM.
Riêng trong năm 2020, ABBANK đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, giảm biên độ NIM để đồng hành cùng khách hàng. Hiện ABBANK đang nằm trong nhóm ngân hàng có mức lãi suất ưu đãi cạnh tranh bậc nhất thị trường, như cho vay khách hàng cá nhân chỉ từ 5,9%/năm, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ từ 6,5%/năm, cho vay khách hàng doanh nghiệp từ 6,1% đối với VND và từ 2,1%/năm đối với USD.
Năm 2021 là năm đầu tiên ABBANK triển khai thực hiện kế hoạch kinh doanh trung hạn 2021-2025. Theo đó, ABBANK sẽ triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp hành động nhằm khai thác sâu các nhóm khách hàng mục tiêu, nâng cao năng lực bán hàng của đội ngũ để gia tăng doanh thu.
Ngoài ra, ngân hàng sẽ tối ưu chi phí thông qua tập trung hóa hoạt động vận hành và thẩm định, phê duyệt tín dụng, tin học hóa 100% quy trình nghiệp vụ trọng yếu của ngân hàng, tăng cường trải nghiệm của khách hàng trên toàn bộ các kênh bán hàng với nền tảng kinh doanh số để thu hút và gắn kết khách hàng, xây dựng hệ sinh thái kết nối với các đối tác (Fintech, RegTech, EduTech), quản lý rủi ro chủ động với sự hỗ trợ từ các cổ đông chiến lược nước ngoài./.