Lợi nhuận trước thuế của các tổ chức tín dụng đến từ đâu?

Tiến sỹ Cấn Văn Lực cho rằng không nên quan tâm về những con số lợi nhuận vì đây chỉ là các số liệu tạm thời do các ngân hàng chưa trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ.
Lợi nhuận trước thuế của các tổ chức tín dụng đến từ đâu? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Báo cáo tài chính quý 2 và bán niên năm 2021 đang lần lượt được các ngân hàng công bố. Tuy nhiên, mức tăng trưởng lợi nhuận kỷ lục của mỗi ngân hàng lại có những màu sắc khác nhau.

Ngân hàng báo lợi nhuận tăng mạnh

Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank nửa đầu năm nay ước tính khoảng 14.500 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 58% kế hoạch so mục tiêu kế hoạch lợi nhuận 25.580 tỷ đồng cả năm. Đây cũng là mức lợi nhuận bán niên cao nhất các ngân hàng công bố đến nay.

VietinBank ước lãi trước thuế 6 tháng đầu năm 2021 khoảng 13.000 tỷ đồng, hoàn thành 3/4 chặng đường cả năm. Techcombank cũng đạt tới 11.500 tỷ đồng, tăng 71,2% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt ngân hàng này vẫn tiếp tục duy trì tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ở tốp đầu với 46,1%; VPBank đạt hơn 9.000 tỷ đồng, tăng 37,2% so với cùng kỳ; MB đạt 8.000 tỷ đồng, ACB đạt 6.300 tỷ đồng.

[Tín dụng sẽ được điều hành như thế nào trước diễn biến dịch COVID-19]

Nhóm ngân hàng tầm trung cũng không kém cạnh khi MSB với ước tính lợi nhuận 6 tháng đầu năm đạt 2.800 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ và hoàn thành 85% mục tiêu cả năm (3.280 tỷ đồng).Tại SeABank, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt gần 1.557 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm 2020, gần bằng mức lợi nhuận cả năm 2020 và hoàn thành 65% kế hoạch năm 2021 (2.400 tỷ đồng).

Lợi nhuận trước thuế của các tổ chức tín dụng đến từ đâu? ảnh 2

Còn các ngân hàng top sau, dù con số lợi nhuận khiêm tốn hơn các "ông lớn" nhưng mức tăng lợi nhuận so cùng kỳ cũng tăng vọt. Điển hình là Ngân hàng Bản Việt với lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 337 tỷ đồng, gấp 5 lần so với cùng kỳ 2020, thực hiện khoảng 80% kế hoạch của cả năm. Tại Saigonbank, 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 136 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, ngân hàng chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận năm nay ở mức 130 tỷ đồng, vì vậy mới chỉ qua 6 tháng nhưng ngân hàng đã hoàn thành kế hoạch cả năm.

Lợi nhuận đến từ đâu?

Một trong những yếu tố quan trọng làm nên con số lợi nhuận cao trong 6 tháng đầu năm của các ngân hàng là đến từ thu nhập ngoài lãi. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ có mức tăng trưởng trên 100%-200%. Kinh doanh chứng khoán cũng là hoạt động mang lại khoản lợi lớn.

Tuy nhiên, nguồn thu chính của các ngân hàng vẫn đến từ thu nhập lãi thuần và phần lớn do giảm mạnh chi phí lãi. Điều này đến từ việc lãi suất huy động giảm sâu nhưng lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng, làm tăng NIM (biên độ lãi ròng) nửa đầu năm 2021.

Một số ngân hàng đã giải quyết được các khoản nợ xấu tồn đọng giai đoạn trước, tạo tiền đề để bứt phá mạnh năm nay. Như Kienlongbank, nhờ bán xong cổ phiếu STB (tài sản đảm bảo của một số khoản nợ xấu) hồi đầu năm nên ghi nhận lợi nhuận quý 1 đạt tới hơn 700 tỷ đồng, gấp 12 lần cùng kỳ và hoàn thành hơn 70% kế hoạch năm.

Bên cạnh đó, nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số những năm qua, các nhà băng cũng dần hái quả ngọt. Dịch vụ ngân hàng số ngày càng tiện lợi, giúp khách hàng dễ dàng thực hiện chuyển tiền, thanh toán mọi lúc mọi nơi mà không cần đến ngân hàng. Theo đó, lượng tiền gửi không kỳ hạn tại nhiều ngân hàng tăng mạnh thời gian qua. Đây là nguồn tiền gửi có lãi suất thấp, giúp các nhà băng tiết giảm chi phí huy động vốn đầu vào.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), cho biết khác với trước kia khi nguồn thu của ngân hàng chủ yếu đến từ lãi vay, hiện nay, tỷ lệ thu từ dịch vụ tại các nhà băng đều đã gia tăng. Có ngân hàng thu dịch vụ đóng góp tới 40% lợi nhuận.

Cũng theo ông Hùng, hiện hầu hết ngân hàng đều đã mở rộng hoạt động dịch vụ như ngân hàng đại lý, bảo hiểm và nhiều hoạt động khác. Điều này đã giúp một số nhà băng ghi nhận tăng trưởng đột biến từ mảng dịch vụ.

Xét trong nhóm ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 2 và ước tính kết quả kinh doanh nửa đầu năm, điểm chung của các nhà băng này là đều ghi nhận tăng trưởng tín dụng cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, đóng góp vào mức lợi nhuận trên 14.500 tỷ đồng của Vietcombank nửa năm qua là mức tăng trưởng tín dụng lên tới 9,8% so với đầu năm, cao gần gấp đôi so với tăng trưởng cùng kỳ là 5%.

VietinBank nửa đầu năm 2020 chỉ ghi nhận tăng trưởng tín dụng 1%, thì đến năm nay, tăng trưởng đã lên tới 5%, với dư nợ tín dụng vượt 1,06 triệu tỷ đồng. Mức tăng trưởng tín dụng nửa năm của VietinBank hiện đã chiếm 2/3 tổng hạn mức tăng trưởng mà Ngân hàng Nhà nước giao cho nhà băng này cả năm (7,5%).

Techcombank Tổng dư nợ tín dụng của khách hàng tại 30/6/2021 đạt 353,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2%.

Cùng với việc công bố khoản lãi gần 8.000 tỷ sau nửa năm, lãnh đạo MBBank cũng ước tính dự nợ tín dụng ngân hàng mẹ 6 tháng đầu năm nay tăng tới 11%, đạt trên 339.900 tỷ đồng và chạm trần hạn mức Ngân hàng Nhà nước giao.

Tương tự, cùng với khoản lợi nhuận bán niên tăng 68%, ACB cũng ghi nhận tăng trưởng tín dụng đạt 9,4%, xấp xỷ mức trần Ngân hàng Nhà nước cho phép (9,5%).

Lợi nhuận trước thuế của các tổ chức tín dụng đến từ đâu? ảnh 3

Một loạt nhà băng ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh nửa đầu năm qua cũng có tăng trưởng tín dụng tốt như BIDV tăng 7%; TPBank tăng 11%; MSB tăng 10,5%; VIB tăng 8,1%; ABBank tăng 6,4% đều cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020, thậm chí VietCapital Bank có mức tăng trưởng tín dụng 11,6%. 

Một số ngân hàng "đụng" trần tín dụng vừa qua đã được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm room và đây là động lực tăng trưởng quan trọng cho nhóm này nửa cuối năm.

Đừng quan tâm đến con số 

Trước những con số được các ngân hàng công bố, nhiều ý kiến cho rằng trong khi doanh nghiệp lao đao bởi COVID-19, ngân hàng báo lãi lớn là phản cảm, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng thực tế lợi nhuận ngành ngân hàng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa phản ánh hết tác động của đại dịch COVID-19. Nguyên nhân là bởi còn những khoản nợ xấu chưa được trích lập dự phòng đầy đủ, nhiều khoản nợ quá hạn đã được tái cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ. Vì vậy, hình ảnh "lãi lớn" phần nào là ảo.

Tiến sỹ Cấn Văn Lực cho rằng không nên quan tâm về những con số này vì đây chỉ là các số liệu tạm thời do các ngân hàng chưa trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ.

Ông Lực nhấn mạnh theo chu kỳ kinh doanh, các ngân hàng trích lập đầy đủ và đúng nhất vào quý 4, cho nên đến cuối năm mới biết được thực hư lợi nhuận ngân hàng.

“Cũng cần lưu ý rằng ngành ngân hàng sẽ có độ trễ đối với tác động của đại dịch. Doanh nghiệp, người dân khó khăn trước, sau đó khó khăn này mới ập đến hệ thống ngân hàng. Chúng tôi dự báo quý 3 và quý 4 tác động của đại dịch tới ngành ngân hàng sẽ rõ nét. Theo tính toán, năm nay ngân hàng sẽ giảm lợi nhuận 30.000-34.000 tỷ đồng, tương đương mức giảm 20%-25% lợi nhuận toàn hệ thống so với kế hoạch ban đầu đề ra. Nợ xấu sẽ tăng, nội bảng gần 4%, gộp là 6%,” ông Lực nói thêm.

Một chuyên gia khác cũng cho rằng, nên nhìn nhận ngân hàng hoạt động tốt là điểm tích cực. Bởi lần đầu tiên trong lịch sử kinh tế mà khủng hoảng xảy ra, nhưng ổn định vĩ mô và sức khỏe ngành tài chính ngân hàng vẫn được giữ vững. Các tổ chức tài chính cũng đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước và an sinh xã hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục