Lợi nhuận trước thuế của ABBANK đạt 1.229 tỷ đồng, tăng 36%

Việc chính thức đưa vào áp dụng hệ thống tính toán tài sản có rủi ro theo Thông tư 41 vào đầu tháng 12/2019 được đánh giá là bước đi mang tính chiến lược giúp ABBANK nâng cao hiệu quả lợi nhuận.
Giao dịch tại ABBANK. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Tính đến hết ngày 31/12/2019, Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBANK) có tổng tài sản đạt 102.550 tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2018, lợi nhuận trước thuế đạt 1.229 tỷ đồng, tăng 36%. Các chỉ tiêu kinh doanh quan trọng khác đều ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể so với năm 2018 và mang tính bền vững.

Ngoài ra, ABBANK huy động từ khách hàng đạt 74.786 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ 2018. Dư nợ tín dụng tăng trưởng 10% so với năm 2018, đạt mức 63.028 tỷ đồng. Đặc biệt, tăng trưởng cho vay khách hàng cá nhân và cho vay khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ đều có sự bứt phá, lần lượt tăng 12% và 26% so với cuối năm 2018. Thu nhập từ lãi đạt 2.437 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ 2018.

[Ra mắt phiên bản ứng dụng ABBANKmobile xác thực bằng khuôn mặt]

Nợ xấu trên tổng dư nợ tiếp tục được ABBANK kiểm soát chặt chẽ dưới 2%, đảm bảo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Cùng với đó, hiệu quả và an toàn hoạt động của ABBANK trong năm 2019 cũng tiếp tục được đảm bảo thông qua các chỉ số như RoA đạt 1,4%; RoE đạt 17%; CAR đạt 10,5%.

Ông Phạm Duy Hiếu, quyền Tổng Giám đốc ABBANK cho biết, bên cạnh việc đảm bảo hiệu quả hoạt động và tăng trưởng kinh doanh, 2019 còn là một năm với nhiều sự kiện lớn trong định hướng xây dựng thương hiệu của ngân hàng như: nâng cao năng lực quản trị với Dự án Basel, số hóa hoạt động ngân hàng, hướng hình ảnh của ngân hàng đến gần hơn với nhóm khách hàng gia đình…

Cũng theo ông Hiếu, trong thời đại số, việc gia tăng những giá trị trải nghiệm về dịch vụ cho khách hàng, hay hướng khách hàng đến các giá trị gia đình là một lựa chọn giúp ABBANK thu hút và nhận được sự ủng hộ của đông đảo khách hàng.

Việc chính thức đưa vào áp dụng hệ thống tính toán tài sản có rủi ro (RWA) theo Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước vào đầu tháng 12/2019 được đánh giá là bước đi mang tính chiến lược giúp ABBANK nâng cao hiệu quả lợi nhuận và năng lực quản trị rủi ro của ngân hàng, đồng thời tạo nền tảng quan trọng cho toàn bộ quá trình phát triển hoạt động kinh doanh và thúc đẩy lộ trình triển khai Basel II của ABBANK./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục