Ngày 17/1, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs thông báo lợi nhuận quý 4/2022 của hãng đã giảm mạnh, chủ yếu do số thương vụ sáp nhập ít hơn kỳ vọng của các nhà đầu tư.
Theo Goldman Sachs, số thương vụ hoàn tất sáp nhập và mua lại giảm mạnh khi có ít công ty lớn mua lại đối thủ và việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng cũng sụt giảm đáng kể so với những năm gần đây.
Cụ thể, lợi nhuận ròng của ngân hàng trong quý 4/2022 là 1,2 tỷ USD, giảm 69%, trong khi doanh thu giảm 16% xuống còn 10,6 tỷ USD. Đây là quý thứ 5 liên tiếp Goldman Sachs đạt lợi nhuận thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Trong ngày 17/1, giá cổ phiếu Goldman Sachs đã giảm 7,5% xuống 346 USD, khiến chỉ số Dow Jones cũng giảm theo.
[Ngân hàng Goldman Sachs chuẩn bị cắt giảm hàng nghìn việc làm]
Giám đốc điều hành Goldman Sachs, David Solomon đã thừa nhận kết quả kinh doanh đáng thất vọng, song nhấn mạnh công ty đã đạt được lợi nhuận ở mức hai con số trong cả năm 2022.
Ông Solomon cũng công bố kế hoạch thu hẹp quy mô hoạt động mảng ngân hàng tiêu dùng tham vọng, đồng thời lưu ý rằng việc cắt giảm 3.200 việc làm vào đầu tháng này sẽ giúp tiết kiệm chi phí trong năm 2023, góp phần hỗ trợ kết quả kinh doanh.
Các khoản phí ngân hàng đã giảm 48% trong quý 4/2022, song xu hướng này đã được bù đắp phần nào nhờ doanh thu liên quan đến giao dịch tiền tệ, thu nhập cố định và hàng hóa tăng 44%.
Giám đốc David Solomon nhận định năm nay thế giới đã đối mặt với nhiều thách thức như lạm phát cao, xung đột tại Ukraine.
Ông cho biết tình hình kinh doanh của ngân hàng vẫn tương đối khả quan, song viễn cảnh năm 2023 vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Goldman Sachs đang thu gọn bộ máy doanh nghiệp từ 4 mảng xuống 3 mảng, theo đó cơ cấu lại mảng kinh doanh ngân hàng tiêu dùng qua nền tảng ngân hàng số "Marcus," vốn gặp nhiều khó khăn.
Trong thông báo mới nhất, ban lãnh đạo Goldman Sachs xác nhận ngừng cho vay mới trên nền tảng Marcus, đồng thời thu hẹp mảng kinh doanh "Các giải pháp nền tảng" xuống còn 3 lĩnh vực gồm giao dịch ngân hàng, thẻ tín dụng và chương trình cho vay GreenSky.
Theo Giám đốc tài chính Denis Coleman, Goldman Sachs cũng đã lập các quỹ dự phòng. Dù ưu tiên của ngân hàng là tăng lợi nhuận, song trước mắt Goldman Sachs sẽ vẫn tiêu tốn nhiều chi phí để đẩy nhanh hoạt động trong mảng này./.