Lợi nhuận của một số ngân hàng tăng mạnh từ thu nhập dịch vụ

HDBank, MSB, SHB vừa công bố con số lợi nhuận ấn tượng trong đó phần lãi chủ yếu đến từ thu nhập dịch vụ như dịch vụ thanh toán, ngoại hối...
Lợi nhuận của một số ngân hàng tăng mạnh từ thu nhập dịch vụ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Một số ngân hàng vừa công bố báo cáo hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm với con số lợi nhuận ấn tượng, trong đó phần lãi chủ yếu đến từ thu nhập dịch vụ và tiền gửi không kỳ hạn tăng mạnh, trong đó phải kể đến Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải (MSB).

Cụ thể, HDBank công bố lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 4.193 tỷ đồng, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành 58% kế hoạch năm; tổng tài sản đạt 330.970 tỷ đồng; dư nợ đạt hơn 199.163 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cuối năm 2020; tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ chỉ 0,8%.

Tổng thu nhập hoạt động quý 2 đạt 4.254 tỷ đồng và lũy kế 6 tháng đạt hơn 8.422 tỷ đồng, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó thu thuần từ dịch vụ đạt hơn 857 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ nhờ sự khởi sắc mạnh mẽ của bancassurance và dịch vụ thanh toán cho thấy dư địa phát triển còn nhiều.

[Vietnam Airlines ký kết vay 4.000 tỷ đồng của 3 ngân hàng]

Hiệu quả quản trị và hiệu suất sinh lời được nâng cao với lãi ròng trên vốn chủ sở hữu (ROAE) tăng mạnh từ 21,6% lên 25,6%. Lãi ròng trên tổng tài sản (ROA) tăng từ 2,0% lên 2,1%. Hệ số chi phí trên thu nhập hoạt động đạt 39,4%, tốt hơn cùng kỳ năm trước.

An toàn vốn, thanh khoản ở mức tốt với hệ số CAR (Basel II) đạt tới 13,2%. Tỷ lệ dư nợ tín dụng trên huy động (LDR) đạt 68%.

Đồng hành, chung tay cùng cộng đồng vượt đại dịch, từ ngày 15/7, HDBank giảm lãi suất cho vay bình quân 1%/năm cho các khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên cũng như ở các lĩnh vực và địa bàn bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19. Song song, HDBank tiếp tục thực hiện các chương trình cho vay ưu đãi với mức lãi suất giảm đến 4,5% so với lãi suất hiện hành.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải (MSB) cũng có kết quả nổi bật từ thu nhập lãi thuần, đạt hơn 5.300 tỷ đồng, tăng hơn 77% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng hoạt động này đã tăng trưởng gấp 9 lần trong quý 2, giúp thu về cho ngân hàng tổng cộng gần 2.200 tỷ đồng lãi thuần lũy kế 6 tháng, cao gấp 6,7 lần cùng kỳ. Phần lãi đột biến này đến từ thu từ nghiệp vụ uỷ thác và đại lý.

Thu nhập lãi thuần, vốn vẫn là nguồn thu chính của ngân hàng, cũng đạt được mức tăng trưởng tích cực 46% với 2.900 tỷ đồng. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ của MSB có sự bứt phá mạnh mẽ, đạt gần 2.400 tỷ đồng.  Ngoài ra, mảng kinh doanh ngoại hối cũng đem về cho MSB 200 tỷ đồng lãi thuần, cao gấp đôi nửa đầu năm 2020. Thu nhập từ lãi tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng với nhu cầu tín dụng trong 6 tháng đầu năm duy trì ổn định. Tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng 15% so với đầu năm đạt hơn 91.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, MSB có lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trên 24.000 tỷ đồng, tỷ lệ CASA trên tổng tiền gửi và ký quỹ khá cao ở mức 28,3% trong quý 2, ngân hàng tiếp tục tăng trưởng hướng về mục tiêu 40.000 tỷ đồng tỷ lệ này năm 2023.

Vì vậy, lợi nhuân trước thuế của MSB đạt 3.119 tỷ đồng, tăng 220% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 95% kế hoạch năm.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội cũng có kết quả ấn tượng không kém với lợi nhuận hợp nhất trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 3.095 tỷ đồng, tăng 86,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng tài sản của SHB đạt 458.000 tỷ đồng, tăng 11% so với thời điểm đầu năm và hoàn thành 99,5% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông đề ra. Vốn tự có đạt 40.425 tỷ đồng. Vốn điều lệ đạt 19.260 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng hợp nhất tại 30/6 đạt 332.000 tỷ đồng, tăng 8,46% so với cuối năm 2020, huy động vốn hợp nhất đạt 423.000 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2020.

Việc áp dụng các chính sách ưu đãi lãi suất có ảnh hưởng nhất định đến thu nhập từ lãi của ngân hàng. Tuy nhiên thu nhập từ lãi của SHB trong 6 tháng đầu năm vẫn đạt hơn 16.500 tỷ đồng, tăng 1.300 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục