Theo báo cáo của Hiệp hội ôtô Nhật Bản, kết quả kinh doanh trong quý 2 năm 2014 của bảy hãng sản xuất ôtô nước này đã tăng mạnh, đánh dấu bước khởi đầu mới trong hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp chế tạo nước này.
Bất chấp những khó khăn từ việc Chính phủ Nhật Bản tăng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8% kể từ đầu tháng 4/2014, cùng với việc đồng yen yếu đi trên thị trường quốc tế, lợi nhuận của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản vẫn hết sức khả quan. Trừ hai hãng Honda và Nissan, năm doanh nghiệp còn lại như Toyota, Suzuki, Subaru đều có mức lợi nhuận cao kỷ lục.
Trong quý 2 năm 2014, bảy hãng sản xuất ôtô hàng đầu của Nhật Bản đạt lợi nhuận 1.132 tỷ yen, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2013
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu của các hãng sản xuất ôtô Nhật Bản cũng tăng mạnh. Các nhà phân tích kinh tế cho rằng kết quả kinh doanh khả quan ở cả trong và ngoài nước chính là yếu tố giúp các hãng sản xuất ôtô Nhật Bản làm ăn phát đạt.
Hiện nay, việc chuyển dịch sản xuất kinh doanh đang được các hãng sản xuất ôtô Nhật Bản đẩy mạnh, trong đó Mỹ, châu Âu vẫn là những thị trường được ưu tiên hàng đầu. Đặc biệt, Mỹ đang áp dụng các chính sách thuế và lãi suất cho vay thấp, tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Nhật Bản tiêu thụ các sản phẩm ôtô của họ. Lượng xe bán ra của Nissan tại khu vực Bắc Mỹ đã tăng 13%, trong khi của Mitsubishi tăng 6%.
Tại khu vực châu Âu, bất chấp những lo ngại về tình trạng giảm phát, hoạt động mua sắm của người dân "lục địa già" vẫn tăng mạnh, khiến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản rất lạc quan.
Tại thị trường trong nước, hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp tuy có bị ảnh hưởng bởi tình trạng tăng thuế tiêu dùng, song mức giảm chỉ có 0,5% và chỉ xảy ra ở một vài doanh nghiệp, nên các nhà kinh tế nhận định rằng ảnh hưởng của việc tăng thuế tới thị trường ôtô nội địa Nhật Bản "chỉ mang tính tượng trưng." Điều này cũng đồng nghĩa với việc dù tình trạng đồng yen trên thị trường có yếu so với đồng USD thì lợi nhuận của các hãng sản xuất ô tô Nhật Bản cũng không bị ảnh hưởng nhiều.
Mặc dù kết quả kinh doanh thuận lợi, song các hãng sản xuất ôtô Nhật Bản vẫn rất thận trọng trong các chiến lược sản xuất và kinh doanh của họ. Trừ Honda điều chỉnh kế hoạch theo dự kiến đồng yen yếu hơn, các hãng xe còn lại đều giữ nguyên chiến lược kinh doanh thận trọng do lo ngại những ảnh hưởng từ chính sách tăng thuế tiêu dùng./.