Sau khi chạm đáy trong quý 1 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự hồi phục mạnh mẽ trong quý 2/2020.
Lợi nhuận của các công ty chứng khoán theo đó có sự tăng trưởng mạnh, thay vì bức tranh “màu xám” trong 3 tháng đầu năm.
Theo báo cáo kết quả tài chính của Công ty cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) vừa công bố, doanh thu của HSC trong quý 2 đạt hơn 374 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 150 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 13% và 36% so với quý 2/2019.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, HSC ghi nhận doanh thu thuần 679 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ, đạt 52% kế hoạch năm.
Lợi nhuận sau thuế lũy kế đạt 251 tỷ đồng, tăng 30%, hoàn thành 55% kế hoạch cả năm 2020 được Đại hội cổ đông thông qua vào tháng 6/2020.
Trong 3 mảng kinh doanh là môi giới, cho vay ký quỹ và tự doanh thì hoạt động đầu tư tự doanh có kết quả khả quan nhất, đạt 189 tỷ đồng doanh thu, tăng 145% so với nửa đầu năm 2019; đóng góp 28% vào tổng doanh thu 6 tháng đầu năm của HSC so với tỷ trọng 13% cùng kỳ.
Thu nhập trên một cổ phiếu (EPS) 6 tháng đầu năm 2020 đạt 822 đồng/cổ phiếu. Hệ số thu nhập trên tổng tài sản (ROA) và hệ số thu nhập trên vốn cổ phần (ROE) lần lượt đạt 3,5% và 5,8%.
Báo cáo tài chính riêng quý 2/2020 của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng.
Tổng doanh thu quý 2 của SSI đạt 1.379 tỷ đồng, tăng trưởng 85,5% và lợi nhuận trước thuế đạt 651,7 tỷ đồng, tăng 172,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Hoạt động kinh doanh nguồn vốn, môi giới chứng khoán, cho vay ký quỹ và hoạt động đầu tư tiếp tục là các lĩnh vực đóng góp lớn cho tổng doanh thu.
Kết thúc nửa đầu năm 2020, ước lợi nhuận trước thuế hợp nhất của SSI đạt 660 tỷ đồng tăng 29% so với cùng kỳ, tương đương 76% kế hoạch kinh doanh về lợi nhuận trước thuế 2020.
Trước đó, báo cáo tài chính quý 2/2020 của Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cũng ghi nhận có sự phục hồi mạnh mẽ, thay vì lỗ ròng gần 61 tỷ đồng trong quý 1/2020.
Cụ thể, trong quý 1/2020, doanh thu của BSC đạt 256 tỷ đồng, tăng tới 81,5% so với cùng kỳ năm 2019. Theo đó, doanh thu mảng môi giới đạt 56,6 tỷ đồng, tăng 75,7%.
Lãi từ các tài sản chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) chiếm tỷ trọng lớn nhất trong doanh thu hoạt động của BSC đạt 162 tỷ đồng, tăng 122%. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu cũng tăng 6,5% lên 28,6 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận trước thuế của BSC trong quý 2 đạt 96 tỷ đồng, tăng 344% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của BSC đạt 35 tỷ đồng, hoàn thành 40,6% kế hoạch lợi nhuận năm 2020.
[Giá vàng trong nước tăng mạnh, vì sao chứng khoán chỉ giảm nhẹ?]
Trong năm 2020, BSC dự kiến phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư tài chính tối đa 53,85% vốn điều lệ nhằm tăng vốn lên hơn 1.800 tỷ đồng.
Tại Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 2, đạt gần 168 tỷ đồng, tăng trên 273% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo giải trình của VNDirect, việc kiểm soát tốt dịch COVID-19 đã tác động tích cực lên thị trường chứng khoán Việt Nam, làm VN-Index tăng trở lại.
Doanh thu hoạt động của công ty theo đó cũng có sự phục hồi so với cùng kỳ, đạt gần 410 tỷ đồng, tăng trên 5% so với cùng kỳ 2019.
Trong đó ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của mảng môi giới chứng khoán với doanh thu tăng 42%; hoạt động đầu tư chứng khoán, góp vốn tăng tới 97%. Cùng lúc, công ty ghi nhận hoàn nhập các khoản dự phòng đầu tư, dẫn đến chi phí hoạt động trong kỳ giảm. Các chi phí khác như chi phí tài chính, quản lý doanh nghiệp cũng ghi nhận giảm mạnh.
Như vậy, bối cảnh thị trường thuận lợi trong quý 2 đã khiến hoạt động môi giới, đầu tư của các công ty chứng khoán tăng trưởng tích cực. Trong quý 2/2020, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận sự hồi phục mạnh mẽ với thanh khoản toàn thị trường trong quý 2 đã tăng trên 40% so với quý trước đó, đạt trung bình khoảng 6.500 tỷ đồng/phiên.
Tính chung cho 6 tháng đầu năm, giá trị giao dịch bình quân đạt trên 5.600 tỷ đồng/phiên, tăng 21,4% so với bình quân năm 2019.
VN-Index đã tăng trên 25% so với mức đáy của thị trường (cuối tháng 3/2020), khiến Việt Nam được đánh giá là thị trường phục hồi mạnh nhất thế giới.
Dù thị trường vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro, song việc kiểm soát tốt dịch COVID-19 sẽ là điểm nhấn quan trọng để chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và duy trì thanh khoản tốt trong thời gian tới.
Lợi nhuận của các công ty chứng khoán theo đó cũng được kỳ vọng duy trì mức tăng trưởng ổn định trong những tháng cuối năm./.