“Lời nguyện cầu từ Chernobyl”: Tàn khốc, dữ dội và ám ảnh

Svetlana Alexievich quyết tâm truyền đi “Lời nguyện cầu từ Chernobyl” không chỉ ở góc độ một nhà văn, nhà báo mà với tư cách của người ghi chép về sự sống và cái chết ở mảnh đất đầy khắc nghiệt.
“Lời nguyện cầu từ Chernobyl”: Tàn khốc, dữ dội và ám ảnh ảnh 1Người dân thắp nến tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa Chernobyl ngày 26/4 tại Slavutich, cách hiện trường vụ việc 50km. (Ảnh:AFP/TTXVN)

Tàn khốc, dữ dội và ám ảnh là cảm giác của người đọc khi gấp lại cuốn sách “Lời nguyện cầu từ Chernobyl” của Svetlana Alexievich - chủ nhân của Giải Nobel Văn học 2015.

Để viết “Lời nguyện cầu từ Chernobyl,” tác giả Svetlana Alexievich đã thực hiện những cuộc phỏng vấn với khoảng 500 người có liên quan trực tiếp đến vụ nổ lò phản ứng số 4 của Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl (ngày 26/4/1986).

“Suốt 3 năm ròng, tôi đã đi khắp Chernobyl, phỏng vấn mọi người: những công nhân làm việc ở nhà máy điện, các nhà khoa học, các quan chức của đảng cũ, các bác sỹ, những người lính, các phi công lái trực thăng, thợ mỏ, những người tị nạn, những người dân tái định cư. Tất cả họ đều có những số phận khác, nghề nghiệp khá, tính khí khác; nhưng Chernobyl là nội dung chính trong thế giới của họ,” nữ nhà văn Svetlana Alexievich chia sẻ trong lời kết cuốn sách.

Thế nhưng, Svetlana Alexievich đã quyết tâm truyền đi “Lời nguyện cầu từ Chernobyl” không chỉ ở góc độ một nhà văn, nhà báo mà trước hết là với tư cách của một người ghi chép về sự sống và cái chết ở mảnh đất đầy khắc nghiệt.

“Tôi đã từng biết tới những nỗi bất hạnh của những người khác nhưng ở đây, trong cuốn sách này, tôi cũng giống như họ, là nhân chứng. Cuộc đời tôi là một phần của sự kiện này. Tôi sống ở đây, với tất cả những chuyện này,” tác giả viết.

Vậy là, 15 năm sau thảm họa ấy, khi mà khả năng nhiễm xạ vẫn còn đe dọa bất cứ ai đặt chân đến vùng Chernobyl, nữ nhà báo-nhà văn Svetlana Alexievich đã có mặt ở đó, thu thập dữ liệu, gặp gỡ và phỏng vấn những người đã từng chứng kiến hoặc trực tiếp tham gia công tác khắc phục hậu quả sau sự cố.

“Lời nguyện cầu từ Chernobyl”: Tàn khốc, dữ dội và ám ảnh ảnh 2Nhà văn Svetlana Alexievich. (Ảnh: Reuters)

Thế nhưng, vượt lên những chết chóc và nỗi bi thương cùng cực, “Lời nguyện cầu từ Chernobyl” vẫn truyền tới người đọc thông điệp về tình yêu - tình yêu giữa con người với con người và tình yêu của con người với những loài vật xung quanh.

Bởi thế, bức tranh về những hậu quả của một trong những thảm họa hạt nhân kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại không chỉ có gam màu tối với nước mắt và những niềm đau dai dẳng mà còn có sự ấm áp của tình yêu, vẻ đẹp của lòng vị tha và đức hysinh cao cả.

Svetlana Alexievich không dựng lên khung cảnh Chernobyl - một góc địa cầu đã từng bị coi là vùng đất chết bằng những số liệu thống kê mà bằng cảm xúc và những câu chuyện về phận người bởi bà tin rằng: “những dữ liệu đơn thuần, những dữ liệu mang tính kỹ thuật không thể gần sự thật hơn một cảm xúc… Tại sao chúng ta cứ lặp lại những dữ liệu, chúng ta che giấu cảm xúc của chúng ta. Sự phát triển của những cảm xúc này - những cảm xúc lọt qua các dữ kiện, là điều cuốn hút tôi. Những con người này đã chứng kiến những gì mà đối với người khác vẫn còn là điều chưa biết. Tôi cảm thấy như thể mình đang ghi chép tương lai.”

Dịch giả Bích Lan - người chuyển ngữ “Lời nguyện cầu từ Chernobyl” sang tiếng Việt cho biết, đây là một trong những tác phẩm văn chương theo lối phi hư cấu tiêu biểu nhất của nữ nhà văn-nhà báo Svetlana Alexievich, góp phần quan trọng mang lại cho bà giải Nobel Văn học 2015.

Dịch giả Bích Lan nói về "Lời nguyện cầu từ Chernobyl"

Nhà văn Svetlana Alexievich sinh ngày 31/5/1948 tại Ukraine trong một gia đình công chức.

Năm 2015, bà được trao giải Nobel Văn học. Theo Viện Hàn lâm Thụy Điển, giải thưởng này được trao cho bà để “tôn vinh những dòng văn phức điệu của bà. Văn của bà là tượng đài tri ân sự đau khổ và lòng dũng cảm trong thời đại chúng ta.”

Trước “Lời nguyện cầu từ Chernobyl,” tác phẩm “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” của bà cũng đã được giới thiệu tại Việt Nam. Ngoài ra, bà còn nổi tiếng trên văn đàn thế giới với những tác phẩm có góc nhìn đặc biệt về chiến tranh cũng như thảm họa hạt nhân trong lịch sử như: “Những nhân chứng cuối cùng,”“Quan tài kẽm,”...

“Lời nguyện cầu từ Chernobyl”: Tàn khốc, dữ dội và ám ảnh ảnh 3(Ảnh: Nhà xuất bản Phụ nữ)

Bản dịch tiếng Việt cuốn sách do Nhà xuất bản Phụ nữ phát hành tháng 10/2016./.

Vào ngày 26/4/1986, một loạt các vụ nổ đã xảy ra, phá hủy lò phản ứng số 4 của Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, giải phóng vào bầu khí quyển 50 triệu đơn vị phóng xạ (70% lượng phóng xạ này rơi xuống lãnh thổ Belarus).

Thảm họa này đã xóa sổ 485 ngôi làng và khu dân cư của Belarus, trong đó, 70 ngôi làng bị chôn lấp vĩnh viễn dưới lòng đất. 2,1 triệu người dân Belarus (khoảng 700.000 người trong số đó là trẻ em) sống trên những vùng đất nhiễm phóng xạ.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục