Làm mẹ là bản năng của mọi phụ nữ, nhưng làm mẹ thông minh lại là một lựa chọn đòi hỏi phải có kế hoạch và chiến lược. Với trẻ nhỏ, sách là cánh cửa đầu tiên đưa con ra thế giới rộng lớn, nhưng yêu thích đọc sách không phải bẩm sinh mà là một quá trình bồi dưỡng. Mẹ của dịch giả nhỏ tuổi Đỗ Nhật Nam đã chia sẻ với Đẹp bí kíp dạy con yêu sách.
Khi mới làm mẹ, tôi vẫn luôn hình dung về một gia đình ở đó bố mẹ và con cặm cụi đọc sách bên ngọn đèn ấm áp. Điều thành công nhất trong quá trình nuôi dạy Nam, đó là tôi đã nuôi dưỡng cho con tình yêu với sách.
[Nhiều “sao Việt" tiếp tục “Đọc sách thật phong cách”]
Đọc sách từ khi nào?
Tôi bắt đầu đọc sách cho con ngay từ khi Nam còn nằm trong bụng mẹ. Tôi thường dành 30 phút mỗi ngày đọc truyện cho con. Giữa chừng bao giờ tôi cũng lấy tay đặt lên bụng và hỏi bé: “Con thích hay không mà nằm yên vậy? À, con đang thấy hồi hộp hay vui mừng đúng không?” Cứ như vậy tôi đọc sách cho Nam từ khi còn là trái bóng trong bụng mình, cho đến ngày con ra đời.
Ban đầu, mọi việc không hề dễ như tôi nghĩ. Cuộc sống đảo lộn, tôi quay cuồng với bỉm sữa, ăn uống, dọn dẹp. Ước vọng ngồi thư thái đọc sách cho con xem chừng quá xa xỉ. Nhưng tôi quyết không bỏ cuộc. Mỗi ngày, tôi chọn một khung giờ cố định để đọc sách, và tương tác bằng âm thanh với con.
Tôi học cách đọc sao cho bé thích nhất. Mẹ phải rèn luyện để tìm ra tiết tấu, nhịp điệu hay cường độ âm thanh mà con sẽ thích, bằng cách đo cảm xúc dựa trên phản ứng của con.
Khi Nam biết đi, biết chạy thì việc nghe đọc sách không còn là niềm vui của con nữa. Như mọi đứa trẻ khác, Nam thích chơi đồ chơi, thích chạy lung tung, thích la hét. Nhưng tôi vẫn giữ nguyên tắc, cứ đúng giờ là đọc sách. Tôi mua cho con một cái ghế thật mềm, đưa cho Nam một đồ chơi nho nhỏ, mỗi ngày bày trò cùng với câu chuyện để con thích thú.
Nam lớn lên như vậy trong không gian của sách, con yêu thích từng con chữ. Với Nam, đọc sách là khoảng thời gian yêu thương, trọn vẹn và ấm áp của hai mẹ con.
Đọc sách gì cho con?
Hãy chọn những câu chuyện phù hợp với từng lứa tuổi. Các bé nhỏ thích chuyện đơn giản, có nhiều màu sắc, có nhân vật là các con vật, thích những câu chuyện về đời sống hàng ngày như chuyện ăn, chuyện đánh răng, chuyện tắm, chuyện ngủ…
Các bé lớn hơn thích những câu chuyện giúp bé dễ dàng tưởng tượng, có tính chất hồi hộp, ly kỳ. Hãy cho con cơ hội được tự chọn truyện mà con thích. Mẹ hãy là một “bạn đọc cùng” chứ không phải “người hướng dẫn."
Dạy con nâng niu sách
Sách là thứ được nâng niu nhất trong gia đình tôi. Hãy để bé nhìn thấy hình ảnh bố mẹ ngồi đọc sách hàng ngày. Ngoài ra, nên tạo một không gian đọc sách trong nhà, nơi có nhiều sách, có ghế ngồi thư thái, có cả âm nhạc và nến thơm nữa càng tốt.
Giúp con thích đọc hơn nữa
Dự đoán câu chuyện: Hãy tương tác với con bằng cách đặt các câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra? Nhân vật này sẽ làm gì?…
Tưởng tượng câu chuyện theo nhiều cách: Hỏi con có thích cách kết thúc câu chuyện như vậy không? Nếu được thay đổi, con sẽ kết thúc thế nào?
Kết nối câu chuyện: Câu chuyện này giống hoặc khác gì với những chuyện con đã được đọc?
Đánh giá câu chuyện: Con thích/không thích chi tiết nào nhất trong truyện? Con có nghĩ đây là câu chuyện hay không? Tại sao?
Những câu hỏi về nội dung như vậy sẽ khiến con cảm thấy hứng thú hơn. Bằng cách đó, câu chuyện sẽ ở lại lâu hơn trong trí nhớ của trẻ. Tôi cũng nhận ra rằng, nếu chỉ hỏi con một chiều thì bé sẽ nhanh chán. Vì vậy, mỗi buổi đọc sách, tôi và Nam lại tạo ra một cuộc “thương thảo” nho nhỏ. Tôi cân nhắc để chọn ra cách giải thích phù hợp với tâm lý của con.
Diễn lại câu chuyện: Bằng các con rối tay, tự cắt dán tạo hình những nhân vật trong truyện, tự tìm đạo cụ, tự làm ra những cuốn sách…
Quan trọng hơn cả, tôi luôn tạo cho con cảm giác thoải mái, dễ chịu khi đọc sách. Lúc đó, xếp lại hết những bề bộn, tôi cảm nhận niềm hạnh phúc trong sự kết nối thiêng liêng của mẹ con và cất giọng đọc. Tôi tin là con trẻ sẽ cảm nhận được điều đó. Từ đó, tình yêu với sách, với việc đọc sách, tình yêu của bé với bố mẹ, với vạn vật xung quanh, cứ thế lớn lên…/.