Trong những năm qua, với quyết tâm của lãnh đạo Campuchia, Lào và Việt Nam (CLV), hợp tác giữa các tỉnh trong khu vực Tam giác Phát triển nói riêng cũng như giữa ba nước nói chung đã tăng mạnh mẽ, đem đến nhiều lợi ích lớn cho người dân và góp phần phát triển kinh tế của ba nước.
Việc các nhà lãnh đạo cấp cao của ba nước nhất trí giao Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), đơn vị duy nhất đang có mạng di động tại cả ba nước, triển khai thực hiện việc bỏ cước dịch vụ viễn thông chuyển vùng quốc tế (roaming) ở ba nước là một ví dụ về nỗ lực trên.
Ông Nguyễn Việt Sơn, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Trách nhiệm hữu hạn Hà Nội-Sài Gòn Lào (SHBank Lào): “Trước kia khi mà chưa áp dụng chương trình với một phút roaming, chúng tôi phải trả chi phí đến hai mấy nghìn đồng và sau khi chính sách này áp dụng từ ngày 1/1/2017, thì thay vì phải trả 26.000 đồng/phút, chúng tôi chỉ phải trả hơn 1.000 đồng/phút. Bạn biết với cường độ giao dịch như chúng tôi rất là lớn thì cái chi phí giảm đi rất là nhiều."
Được các lãnh đạo cấp cao của ba nước thông qua tại Hội nghị cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ chín tại Siem Reap (Campuchia) vào tháng 11/ 2016, quyết định thực hiện bỏ cước chuyển vùng quốc tế giữa ba nước được cho là một bước đột phá không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho người dân, nhà mạng mà còn giúp tăng cường sự gắn kết giữa ba nền kinh tế.
[Thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư Khu vực tam giác phát triển CLV]
Sở dĩ Viettel được lựa chọn để triển khai cuộc cách mạng này bởi đây là đơn vị duy nhất cho đến thời điểm hiện nay có hệ thống mạng di động ở ba nước với các thương hiệu Viettel ở Việt Nam, Metfone ở Campuchia và Unitel ở Lào. Ước tính đến thời điểm này có hàng triệu thuê bao di động tại ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia được hưởng lợi từ chính sách trên.
Hướng tới mục tiêu tạo ra một “thế giới phẳng” trong viễn thông, việc công ty viễn thông đại diện của Việt Nam thực hiện bỏ cước roaming cho tại ba nước được dự báo sẽ tạo ra động lực quan trọng thúc đẩy việc giao lưu kinh tế-thương mại, văn hoá, du lịch đồng thời thắt chặt mối quan hệ láng giềng gắn bó trong khu vực, tác động đến các khối kinh tế trên thế giới để lan tỏa chính sách này.
Không chỉ viễn thông, kết nối giao thông, đặc biệt là giao thông đường bộ không chỉ là một trong những trọng tâm của Tam giác phát triển CLV nói riêng mà còn nằm trong Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN nói chung, bởi điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy hội nhập khu vực. Trong thời gian qua, với sự nỗ lực của lãnh đạo ba nước CLV, cũng như của các nước ASEAN, hệ thống đường cao tốc xuyên Đông Nam Á có tên gọi là AH (cao tốc ASEAN) đang dần dần thành hình và đã góp phần thúc đẩy sự thông thương trong khu vực...
Tại Hội nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải các nước ASEAN lần thứ 23 diễn ra ở Singapore vừa qua, các bộ trưởng giao thông ASEAN đã thông qua Thỏa thuận tạo thuận lợi cho vận chuyển hành khách xuyên biên giới bằng phương tiện đường bộ (CBTP), theo đó các nước đồng ý đơn giản hóa quy định vận chuyển xuyên biên giới, tạo điều kiện cho hàng ngàn chuyến xe buýt, xe khách du lịch được nhập cảnh, chuyển tiếp và lưu thông dễ dàng hơn giữa các nước trong khối ASEAN. Điều này chắc chắc sẽ tạo nên sự bùng nổ các tuyến xe khách mới chạy trên các tuyến đường cao tốc kết nối ASEAN, góp phần thúc đẩy giao thương trong khu vực.
Với thời gian rút ngắn từ trên 2 ngày xuống còn 24 giờ, đường sá đi lại thuận tiện bằng phẳng và an toàn hơn, có thể nói việc mở ra các tuyến xe liên vận quốc tế như thế này không chỉ làm giúp tăng lượng trao đổi hàng hóa và người giữa các nước CLV nói riêng, ASEAN nói chung, mà còn giúp hiện thực hóa tầm nhìn 2025 mà các lãnh đạo ASEAN đã đề ra./.