Lợi ích nhóm: "Quả bom nổ chậm" khiến phân bón giả hoành hành

Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam, trong lĩnh vực phân bón có tồn tại lợi ích nhóm, thậm chí là bảo kê của các lực lượng thi hành công vụ, tiếp tay cho gian thương…
Lực lượng Quản lý thị trường đang kiểm tra ​mặt hàng phân bón. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Nhiều bộ, nhiều lực lượng cùng quản lý nhưng tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến năng suất cây trồng và đời sống nông dân.

Chính vì vậy, tại Hội thảo quốc gia về thị trường phân bón Việt Nam do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức sáng 28/9, tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng, để lập lại trật tự thị trường phân bón cần có những quy định rõ ràng về trách nhiệm của các bộ, ngành chức năng, cũng như xử nghiêm những hành vi bảo kê, tiếp tay cho hàng giả.

Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam, ước tính cả nước có hơn 1.000 doanh nghiệp sản xuất phân bón với hàng nghìn sản phẩm các loại, nhưng trong số này có rất nhiều doanh nghiệp hoạt động "chui", tức là không có giấy phép vẫn lén lút cung ứng các sản phẩm kém chất lượng và cả hàng giả ra thị trường.

Dẫn chứng một số vụ việc điển hình, ông Thúy cho biết, mới đây lực lượng chức năng kiểm tra sản phẩm phân NPK của Công ty Đông Hải (Đà Nẵng) nhưng hàm lượng dinh dưỡng phân NPK chỉ có gần 3%; Công ty cổ phần Đầu tư khoa học kỹ thuật và Công nghệ Việt Pháp Hà Nội kiểm định dinh dưỡng trong phân bón NPK chỉ có 1,9%, còn lại toàn là bột đá vôi…

"Sản xuất kinh doanh phân bón kiểu này không khác nào đem đất bán cho nông dân, vì bản thân đất tự nhiên ở nhiều vùng cũng có một số hàm lượng dinh dưỡng nhất định," ông Thúy bức xúc nói.

Thực tế, có rất nhiều Nghị định, thông tư đã được ban hành để quản lý mặt hàng phân bón như: Nghị định 113/2003/NĐ-CP, Nghị định 191/2007/NĐ-CP, Nghị định 15/2010/NĐ-CP, Nghị định 202/2013/NĐ-CP cùng 8 thông tư của liên bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương. Tuy nhiên, tình hình sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn chưa giải quyết được.

Nói thẳng về bất cập trên, ông Thúy cho rằng, trong lĩnh vực phân bón có tồn tại lợi ích nhóm, thậm chí là bảo kê của các lực lượng thi hành công vụ, tham gia tiếp tay cho gian thương…

Theo ông Thúy, chính các thành phần này như “quả bom nổ chậm” phá hoại Nghị định, thông tư, bóp méo sự thật, bóp méo pháp luật, gây thiệt hại hàng chục triệu nông dân và nền nông nghiệp trong nhiều năm qua.

Hội nghị bàn các giải pháp lập lại thị trường phân bón. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) cũng chỉ ra nhiều bất cập trong đó những quy định còn chưa rõ ràng là nguyên nhân có thể dẫn tới những sơ hở để phát sinh hàng giả, hàng nhái.

Cụ thể, Bộ Công Thương được giao quản lý 90% phân bón vô cơ còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được giao quản lý 10% phân hữu cơ và các loại phân bón khác, thế nhưng mỗi khi phát hiện một cơ sở sản xuất phân bón có dấu hiệu vi phạm thì cơ quan chức năng vẫn chưa biết quy trách nhiệm cho ai.

Hiện nay, pháp luật quy định sản xuất phân bón là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng việc quản lý lĩnh vực này vẫn dối bời, chưa có sự phối hợp thống nhất giữa các cơ quan chức năng.

Đây cũng là vấn đề được lãnh đạo Cục trưởng Cục hóa chất (Bộ Công Thương) chỉ ra khi cho rằng, mặc dù đã có quy chế phối hợp nhưng việc thực hiện giữa các cơ quan chức năng còn chưa tốt.

Do vậy, ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục hóa chất khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, trong đó những quy định mới sẽ làm rõ việc phân công trách nhiệm giữa các các nhân và tập thể trong lĩnh vực kiểm tra, kiểm soát thị trường.

"Không đơn vị nào kiểm soát tốt hơn bằng chính tại địa phương, do vậy những quy định mới sẽ xem xét phân cấp nhiều hơn cho địa phương, ​giúp ​nâng cao công tác quản lý đối với mặt hàng phân bón," ông Thanh nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục