Lời giải nào cho bài toán quản lý hiệu quả đất rừng?

Để từng bước tháo gỡ những bất cập trong quản lý đất nông-lâm trường quốc doanh, tạo cơ hội cho người dân có đất ổn định sinh kế về lâu dài, các chuyên gia cho rằng cần có một cuộc cải cách đất nông-lâm trường, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.

Trong khi bà con nông dân ở một số địa phương đua nhau bỏ ruộng thì ở miền núi, nhu cầu đất sản xuất (đất rừng) của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu vẫn là “tấc vàng”khiến tình trạng tranh chấp, lấn chiếm ngày càng phổ biến.

Để từng bước tháo gỡ những bất cập trong quản lý đất nông-lâm trường quốc doanh, tạo cơ hội cho người dân có đất ổn định sinh kế về lâu dài, các chuyên gia cho rằng cần có một cuộc cải cách đất nông-lâm trường, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.

Năng lực sản xuất kém

Theo các chuyên gia nghiên cứu về đất rừng, sau 10 năm đổi mới, mặc dù các nông-lâm trường quốc doanh đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn còn bộc lộ rất nhiều hạn chế, yếu kém.

Ông Phạm Quốc Doanh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (đơn vị trực thuộc Chính phủ) cho biết, cái được của việc đổi mới nông-lâm trường quốc doanh là đã từng bước tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ công ích, làm rõ hiện trạng đất đai, lập quy hoạch sử dụng đất. Cùng với đó, các nông-lâm trường tự tổ chức sản xuất hoặc giao khoán cho các hộ thành viên trồng và bảo vệ rừng, khuyến khích phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Tuy nhiên, một cuộc khảo sát tại 56 nông-lâm trường quốc doanh tại 15 tỉnh, thành phố do Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp triển khai cho thấy, do năng lực quản trị yếu kém, các nông-lâm trường tổ chức sản xuất chưa hiệu quả, 50% trong tổng số gần 150 nông-lâm trường quốc doanh hoạt động thua lỗ.

Bở vậy, để tồn tại, nhiều nông-lâm trường quốc doanh không còn cách nào khác là phải sống nhờ vào việc giao khoán bảo vệ rừng hoặc cho thuê đất trồng rừng của mình cho các hộ dân sản xuất, quản lý.

Điều đáng nói, trong khi người dân địa phương nơi công ty lâm trường đóng quân đang “khát” đất sản xuất thì mỗi công ty lâm nghiệp lại nắm trong tay hàng nghìn hécta rừng. Thậm chí có lâm trường ở Quảng Bình quản lý gần 91,5 nghìn hécta rừng, chiếm 91% diện tích rừng của một huyện nhưng lại hoạt động không hiệu quả, thậm chí là bỏ đất hoang.

Về hiện trạng sử dụng đất, báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thừa nhận, đất ở hầu hết các nông-lâm trường quốc doanh chưa được đo đạc, cắm mốc trên thực địa. Tình trạng tranh chấp lấn chiếm, cho thuê mướn đất đai trái pháp luật, xâm hại rừng diễn ra khá phổ biến chưa được giải quyết triệt để, có nơi tình trạng ngày càng nghiêm trọng.

Hơn nữa, đất giao cho các nông lâm trường có nơi giao trùng với diện tích giao cho hộ gia đình, cá nhân, tổ chức khác; quyền sử dụng đất không rõ ràng, khó tạo động lực phát triển. Nông-lâm trường quốc doanh được giao quản lý diện tích đất lớn nhưng không có vốn đầu tư, năng lực tổ chức sản xuất yếu kém, nên chưa phát huy được hiệu quả sử dụng đất.

Ngoài ra, nhiều công ty cổ phần hiện nay không có vốn nhà nước, quản lý sử dụng hàng ngàn ha đất, nhưng vẫn chưa thực hiện thuê đất theo quy định. Cơ sở hạ tầng kém, trình độ khoa học công nghệ áp dụng trong sản xuất còn lạc hậu, sản xuất kinh doanh có nhiều rủi ro… Do đó, lợi nhuận chưa cao so với nguồn lực đất đai được giao.

Lâm trường cần phải thuê đất

Ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE) nhận định, hiện nay các nông-lâm trường đang được giao nguồn lực đất đai quá lớn, trong khi nhân lực, tài chính hạn chế.

Theo ông Tú, trước kia, các nông-lâm trường được Nhà nước bao cấp, nay phải tự chủ, nên đã rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính. Quá trình sắp xếp, đổi mới từ các nông-lâm trường sang công ty nông-lâm nghiệp cũng chỉ là hình thức thay đổi kiểu “bình cũ rượu mới”.

“Thực tế, quá trình thu hồi đất của các nông-lâm trường trả lại cho địa phương rất chậm. Hiện mới chỉ thu hồi được 200.000 ha chứ không phải hơn 700.000 ha như báo cáo nêu. Hơn nữa, việc thu hồi đất lâu nay vẫn áp dụng ‘khoán trắng’ cho các nông-lâm trường dẫn đến các đơn vị này chỉ trả ‘đất xấu,’ đất ở những nơi xa đường giao thông, vách núi khó canh tác,” ông Tú nhìn nhận.

Để tháo gỡ khó khăn nêu trên đồng thời để quản lý đất nông-lâm trường hiệu quả, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển cho rằng việc cần thiết là bóc tách các phần diện tích tranh chấp, lấn chiếm trả lại cho chính quyền địa phương làm cơ sở giao cho các hộ dân đảm bảo diện tích canh tác.

Mặt khác, ông Tú cũng đề xuất khi đã thực hiện các bước trên, đối với phần quỹ đất còn lại của lâm trường, tổ chức cần tiến hành thực hiện cho thuê đất trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng giữa các nhóm đối tượng, nhằm phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh rừng.

Ở góc độ cơ quan chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, ông Phạm Quốc Doanh cho rằng một trong những nội dung cốt lõi về đổi mới nông-lâm trường quốc doanh là đổi mới về cơ chế quản lý sử dụng đất, mô hình nào thì kèm theo cơ chế quản lý sử dụng ấy.

Theo ông Doanh, nếu các đơn vị tổ chức sản xuất kinh doanh theo quy định phải chuyển sang thuê đất, trước khi chuyển sang thuê đất thì cần tiếp tục rà soát lại một lần nữa để nắm bắt thực sự nhu cầu sử dụng đất cả công ty là bao nhiêu, và quản lý phải hiệu quả. Đối với diện tích còn lại cần chuyển hết đất cho địa phương để rà soát lại từng đối tượng, cấp đất và quản lý nhằm đảm bảo công bằng cho người dân.

“Tiếp đến, khi đã rà soát lại rồi, đơn vị nào có nhu cầu cần bao nhiêu thì phải thuê đất của Nhà nước, cắm mốc rõ ràng và được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất. Nếu làm như thế thì chặt chẽ ngay. Ngày xưa, thực hiện giao đất không thu tiền thì chẳng có nông lâm trường nào không ‘ôm’ nhiều đất cả. Bây giờ siết chặt như thế sẽ buộc các công ty phải tính toán lại cho phù hợp với năng lực của họ,” ông Doanh nói.

Đồng tình với quan điểm này, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, vấn đề đổi mới nông-lâm trường đã nhiều lần được các cơ quan đặt lên bàn “mổ xẻ,” nhưng kết quả chưa được gì đáng kể. Câu chuyện cũ vẫn còn nguyên, hiệu quả nông-lâm trường dù không có tiêu chí đánh giá nhưng ai cũng thấy hoạt động kém hiệu quả.

“Tôi nghĩ, một trong những giải pháp ưu tiên để góp phần quản lý bền vững tài nguyên rừng chính là thu hồi một phần diện tích rừng tự nhiên từ lâm trường để giao lại cho cộng đồng, nhóm hộ trong từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, quá trình giao đất cũng cần kết hợp mô hình hợp tác xã để bảo vệ nguồn đất không bị thất thoát,” Giáo sư Đặng Hùng Võ kiến nghị./.

Trong phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa diễn ra trong tuần qua tại Hà Nội, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang khẳng định, thực tế hiệu quả sử dụng đất tại các nông-lâm trường thời gian qua rất thấp. Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát để điều chỉnh và sắp xếp lại hoạt động của các nông, lâm trường đồng thời thu hồi đất nông-lâm trường không hiệu quả, hoặc bỏ hoang để có kế hoạch sử dụng hiệu quả, đúng mục đích.

Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cũng đã đề nghị Chính phủ dành ra 1.000 tỷ đồng để đo vẽ bản đồ cho các tỉnh miền núi. “Chúng tôi cam kết phấn đấu từ nay đến hết năm 2013 đạt 85% và cũng đề nghị các địa phương cùng với tỉnh ủng hộ tập trung vào việc cấp gấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nói./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục