Lời giải cho 'bài toán' triển khai vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu

Việc đảm bảo dòng chảy tự do của các nguyên liệu đầu vào cần thiết trong chuỗi cung ứng là yếu tố sống còn để đẩy mạnh sản xuất vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 15/5/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang mạng eastasiaforum.com, tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở Ấn Độ đã lên đến mức đáng báo động. Điều đó khiến sự chú ý đổ dồn vào thị trường cung ứng vaccine, nhằm giúp quốc gia Nam Á này tháo gỡ tình hình.

Thương mại là một yếu tố quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Một số quốc gia, chẳng hạn như Trung Quốc, đã tìm cách xin chứng chỉ cung cấp vaccine cho các nước khác.

Trong khi đó, sự hợp tác thông qua sáng kiến Tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 toàn cầu (COVAX) đã giúp các lô vaccine của Viện Huyết thanh Ấn Độ được vận chuyển đến một số quốc gia nghèo nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, chính sách thương mại cũng là một trở ngại nghiêm trọng đối với dòng chảy tự do của vaccine, các nguyên liệu đầu vào thiết yếu để bào chế và kiến thức đằng sau quá trình sản xuất chúng.

Vào những thời điểm quan trọng, một số quốc gia - gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và gần đây là Ấn Độ - đã áp đặt các lệnh cấm vận hoặc rào cản hành chính đối với hoạt động xuất khẩu vaccine.

Ngược lại, Ấn Độ cũng đánh thuế hải quan 10% đối với vaccine nhập khẩu. Ngoài ra, một số nước cũng đã đặt ra nhiều hạn chế đối với các nguyên liệu cần thiết để sản xuất vaccine.

Hồi tháng 2, việc Mỹ viện dẫn Đạo luật sản xuất quốc phòng - vốn yêu cầu các nhà cung cấp vật liệu và thiết bị sản xuất vaccine của nước này phải xin được cấp phép xuất khẩu - đã khiến việc tiếp cận 37 nguyên liệu sản xuất vaccine quan trọng trên toàn cầu đối mặt với rủi ro.

Adar Poonawalla, người đứng đầu Viện Huyết thanh Ấn Độ, đã liên kết tình trạng thiếu túi phản ứng sinh học trên toàn cầu - một thành tố rất quan trọng trong chuỗi cung ứng vaccine - với chính sách ưu tiên sản xuất trong nước của Mỹ.

Nguy cơ gián đoạn nguồn cung do can thiệp chính sách là rất rõ ràng, điển hình là trường hợp vaccine của hãng Pfizer, vốn cần tới 280 thành tố từ 86 nhà cung cấp ở 19 quốc gia.

Trong cuộc tranh luận tiếp diễn về quyền sở hữu trí tuệ, Mỹ đã bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất của Ấn Độ và Nam Phi tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc tạm thời bỏ qua các quyền này đối với vaccine ngừa COVID-19, trong đó, đáng chú ý có quyền sở hữu công nghệ RNA thông tin - được sử dụng trong các vaccine của Pfizer-BioNTech và Moderna, cũng như công nghệ được sử dụng trong vaccine adenovirus do Đại học Oxford và hãng AstraZeneca phối hợp sản xuất.

Tuy nhiên, ngay cả khi nhận được sự ủng hộ cần thiết của tất cả 164 thành viên WTO, đề xuất trên cũng không thể ngăn cản các hạn chế về quyền sở hữu trí tuệ buộc các nước đang phát triển dừng tiếp thu kiến thức đối với các kỹ thuật mới để thiết kế vaccine, cũng như phát triển các chuỗi tế bào cần thiết trong sản xuất vaccine.

Việc đảm bảo dòng chảy tự do của các nguyên liệu đầu vào cần thiết trong chuỗi cung ứng là yếu tố sống còn để đẩy mạnh sản xuất vaccine trên toàn cầu.

[Mỹ: Ít nhất 25 bang đã tiêm chủng cho hơn 50% người trưởng thành]

Ngày 14/4/2021, Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala đã gặp gỡ đại diện của chính phủ và các ngành công nghiệp để thảo luận về các cách thức tăng cường chuỗi cung ứng.

Nguyên tắc chỉ đạo trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại được đưa ra tại Điều 11 của Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch (GATT), trong đó nêu rõ mọi hạn chế xuất khẩu chỉ là tạm thời, song lưu ý rằng ngay cả hạn chế “tạm thời” cũng có thể gây gián đoạn rất lớn trong một chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp.

Tham vọng hơn, với việc tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác thay vì chỉ tránh các hạn chế, cuối năm 2020, một nhóm các thành viên WTO đã đề xuất tầm nhìn xây dựng Sáng kiến Thương mại và Y tế. Sáng kiến này liên quan đến việc thiết lập một chương trình hợp tác quốc tế về phân phối và trợ cấp sản xuất các thành phần vaccine.

Vấn đề then chốt ở đây là cần phải vượt qua sự dè dặt của các quốc gia vốn không khuyến khích y tế cộng đồng để cung cấp các khoản viện trợ ở quy mô cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu vaccine của thế giới. Các quốc gia đó sẽ chỉ được hưởng lợi ích “bên ngoài” trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng y tế công cộng của chính họ, nếu họ được đảm bảo tiếp cận vaccine của các quốc gia khác thông qua thương mại.

Nhìn rộng ra, cơ chế thương mại sẽ cần phải phù hợp hơn với việc trang bị kiến thức để đối phó với các đại dịch trong tương lai, trong đó gồm cả những đại dịch phát sinh từ các biến thể của SARS-CoV-2, vốn đang làm giảm hiệu quả của một số loại vaccine hiện nay.

Bất chấp những phức tạp nảy sinh từ nghịch lý của các bằng sáng chế, cụ thể là hạn chế kiến thức hiện tại để phát triển kiến thức trong tương lai, song vẫn có khả năng xảy ra hành động đi quá giới hạn bỏ qua quyền sở hữu trí tuệ.

Nội bộ WTO vẫn còn nhiều việc phải làm để ban hành thay đổi trong Hiệp định Các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS), qua đó cải thiện khả năng tiếp cận thuốc men của các nước đang phát triển.

Vào năm 2010, Ấn Độ và Brazil đã khởi xướng các hành động giải quyết tranh chấp tại WTO và cho rằng việc liên tục thu giữ thuốc không có tên thương mại và vi phạm bằng sáng chế - có nguồn gốc từ Ấn Độ và gửi quá cảnh ở Hà Lan để vận chuyển tiếp đến các nước đang phát triển khác - là không phù hợp với Hiệp định TRIPS. Vụ việc đã chìm xuống, nhưng thực tế vẫn có thể căn cứ vào Điều 31 của TRIPS để làm rõ vấn đề thu giữ thuốc quá cảnh.

Các hiệp định thương mại ưu đãi cũng cần được thay đổi để tạo điều kiện cho các nước đang phát triển tiếp cận thuốc chữa bệnh. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (nay là Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP) là một trường hợp điển hình.

Khi Mỹ từng tích cực tham gia đàm phán hiệp định này, họ đã yêu cầu được độc quyền dữ liệu trong 12 năm đối với các loại thuốc sinh học, trong đó có một số loại thuốc đang được sử dụng trong liệu pháp điều trị COVID-19.

Ngay cả khi Mỹ rời khỏi hiệp định, các điều khoản của CPTPP về bảo vệ độc quyền dữ liệu đối với thuốc sinh học - điều mà nhiều cơ quan y tế coi là yếu tố ngăn cản đáng kể nghiên cứu và là nguồn tăng chi tiêu công cho thuốc - vẫn tiếp tục bị đình chỉ.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại New York, Mỹ, ngày 12/5/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Để đạt được hiệu quả tối ưu, các nước đang phát triển cần phối hợp hành động trên mặt trận thương mại với cải cách y tế công cộng.

Ví dụ, tác động của COVID-19 ở Ấn Độ đã trở nên vô cùng sâu sắc do nước này không đầu tư vào cơ sở hạ tầng y tế công cộng trong hàng thập kỷ. Sự thiếu hụt nhân sự, giường bệnh và ôxy là minh chứng rõ ràng cho thực tế này. Bởi lẽ như thường lệ, chỉ riêng ngành thương mại thì không thể gánh vác nhu cầu của cả một quốc gia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục