Khi Ấn Độ đương đầu với làn sóng dịch bệnh COVID-19 mới với tốc độ lây lan chóng mặt, kéo theo nguy cơ quá tải và thiếu nguồn lực y tế tại các bệnh viện, cũng là lúc các đường dây buôn bán thuốc trên "chợ đen" được thể hoành hành.
Tại thành phố Patna, miền Đông Ấn Độ, trong lúc nữ bệnh nhân Poonam Sinha chiến đấu với virus SARS-CoV-2 để giành giật sự sống thì con trai của bà, anh Pranay Punj, cũng chạy đôn đáo khắp các cửa hiệu thuốc để tìm mua những viên remdesivir đang khan hiếm cho người mẹ mình.
Cuối cùng, Pranay Punj cũng tìm được một dược sỹ có thể giúp anh mua được thuốc remdesivir nhưng là trên "chợ đen" và mức giá lên tới 100.000 rupee (1.340 USD), cao gấp 30 lần giá thông thường và cao hơn gấp 3 lần mức lương hằng tháng của anh.
Dù sau đó may mắn được một người họ hàng xa cho thuốc vì vợ của người này cũng mới qua đời vì COVID-19 và không còn cần thuốc, nhưng đó cũng là lúc ác mộng mới bắt đầu.
Đến nửa đêm, Punj lại nhận được cuộc gọi từ bệnh viện thông báo nguồn khí oxy dự trữ đã cạn kiện nên tình trạng bệnh của mẹ anh lại rơi vào nguy kịch.
[Dịch COVID-19: Ấn Độ ghi nhận hơn 2.000 ca tử vong một ngày]
Vài giờ sau đó, bệnh viện đã thu xếp được một giường bệnh ở một cơ sở tư nhân và chuyển mẹ anh tới đó nhưng với Punj, mức viện phí cao ngất ngưởng tại bệnh viện tư nhân lại ám ảnh giấc ngủ của anh.
Còn rất nhiều cảnh ngộ khác tương tự như Punj trên toàn Ấn Độ, ngày càng nhiều người tìm lên các mạng xã hội để khẩn cầu sự giúp đỡ từ cộng đồng để tìm được giường bệnh, dưỡng khí oxy và thuốc men cho người thân đang mắc COVID-19.
Dù Ấn Độ được ví là "nhà thuốc thế giới" nhưng nhà sản xuất thuốc hàng đầu thế giới hiện không thể đảm bảo nguồn cung thuốc remdesivir và favipiravir đang được sử dụng phổ biến trong các phác đồ điều trị COVID-19.
Ở thành phố Lucknow, ở miền Bắc Ấn Độ, Ahmed Abbas phải trả tới 45.000 rupee cho một bình dưỡng khí dung tích 46 lít, mức giá cao gấp 9 lần so với thông thường. Không chỉ phải trả giá rất cao mà Abbas còn phải đặt tiền trước một ngày và đến lấy vào ngày hôm sau.
Trên các mạng xã hội Twitter và Instagram cũng xuất hiện một số nhóm tình nguyện viên, những người nổi tiếng và có ảnh hưởng tìm cách giúp đỡ người dân bằng cách cập nhật những danh sách các bệnh viện còn giường bệnh và nơi có thuốc điều trị hoặc khí oxy.
Tuy nhiên, tốc độ hết giường bệnh và nguồn cung dược phẩm quá nhanh trong bối cảnh số bệnh nhân COVID-19 tăng mạnh khiến cách làm này không phải lúc nào cũng phát huy hiệu quả.
Hiện New Delhi đang chuẩn bị nhập khẩu 50.000 tấn oxy và sắp xếp một đoàn tàu đặc biệt "Oxygen Express" để vận chuyển các bình dưỡng khí tới những bang chịu tác động nặng nề nhất.
Thủ tướng Narendra Modi khẳng định chính phủ đang hết sức nỗ lực để tăng nguồn cung các thiết bị và sản phẩm y tế cần thiết.
Ấn Độ đang trải qua giai đoạn dịch bệnh tồi tệ nhất từ trước tới nay, chủ yếu do sự các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh hơn khiến số ca mắc mới tăng mạnh.
Ngày 22/4, quốc gia này ghi nhận số bệnh nhân nhiễm mới cao nhất trên thế giới - 314.835 ca, cũng đồng thời là ngày có số ca mắc mới và tử vong trong ngày cao nhất từ khi dịch bùng phát (2.104 ca tử vong).
Sau chuỗi 8 ngày liên tiếp có số ca nhiễm mới trên 200.000 ca/ngày, đây là ngày đầu tiên Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới vượt 300.000 ca/ngày, trong khi là ngày thứ hai liên tiếp số ca tử vong vượt 2.000 ca/ngày.
Tính đến thời điểm hiện tại, Ấn Độ có tổng cộng 15.930.965 ca nhiễm và 184.657 ca tử vong do COVID-19. Hệ thống y tế của nước này hiện đứng trước nhiều thách thức khi số bệnh nhân nhập viện điều trị tăng, thiếu thốn nghiêm trọng trang thiết bị và vật tư y tế.
Quan chức y tế thành phố New Delhi, Manish Sisodia, cảnh báo một số bệnh viện của thành phố đã cạn kiệt khí oxy dự trữ./.