Lợi dụng chính sách miễn thuế nhập khẩu, hàng lậu "núp bóng" xách tay

Dưới chiêu hàng xách tay và lợi dụng chính sách miễn thuế nhập khẩu cho những đối tượng nhập cảnh được mang hàng hóa với số lượng cho phép, các đối tượng đem bán, ký gửi tại các cơ sở kinh doanh.
Lợi dụng chính sách miễn thuế nhập khẩu, hàng lậu "núp bóng" xách tay ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Đức Duy/Vietnam+)

Theo Ban chỉ đạo 389 Hà Nội, năm 2017, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp, trong đó hàng hóa nhập lậu chủ yếu là hàng tiêu dùng như quần áo, đồ gia dụng, điện tử, điện lạnh, lương thực, thực phẩm...

Đáng chú ý, với chiêu hàng xách tay và lợi dụng chính sách miễn thuế nhập khẩu cho những đối tượng nhập cảnh được mang hàng hóa với số lượng cho phép, các đối tượng đem bán, ký gửi tại các cơ sở kinh doanh, hoặc được một số đối tượng khác thu mua gom lại với số lượng không lớn để bán kiếm lời, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát.

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp Triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Ban chỉ đạo 389 Hà Nội diễn ra ngày 4/1, tại Hà Nội.

[Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Hiện tượng hàng giả, hàng nhái còn phổ biến]

Liên tiếp bắt hàng lậu

Theo ông Đỗ Huy Chiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Long Biên, qua xác minh trên phố Nguyễn Sơn, có 28 hộ kinh doanh hàng xách tay và qua đối thoại, các hộ khẳng định hàng hóa đều có chất lượng tốt cũng như thiết tha được tiếp tục kinh doanh.

Do vậy, từ phía cơ quan chức năng, Ủy ban nhân dân quận Long Biên đã phối hợp với các lực lượng ​chuyên ngành chống buôn lậu tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành của doanh nghiệp trên địa bàn qua đó hướng dẫn các hộ thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

Thống kê của Chi Cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội, năm 2017, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đã xử lý 26.143 vụ (tăng 2.554 vụ xử lý so với cùng kỳ năm 2016), trong đó chuyển cơ quan chức năng khởi tố 91 vụ đối với 118 đối tượng.

Trong đó, kiểm tra hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng điện thoại di động, điện tử tin học, đồ gia dụng, đồ điện tử cấm nhập trên địa bàn thành phố Hà Nội, lực lượng chức năng đã xử lý 45 vụ, với tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính là 887,6 triệu đồng.

Ngoài ra, với mặt hàng ôtô, xe máy, xe đạp điện và linh kiện, phụ tùng ôtô, xe máy, xe đạp điện, lực lượng liên ngành cũng xử lý vi phạm hành chính lên tới 784,7 triệu đồng.

Trong khi đó, Cục Hải quan thành phố Hà Nội cũng xử lý 886 vụ liên quan đến hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hoá nhập khẩu không có hoá đơn, chứng từ hợp pháp, với số tiền phạt hành chính lên tới 15,104 tỷ đồng.

Nói về thủ đoạn và phương thức hoạt động của các đối tượng buôn lậu, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Hà Nội cho biết, nhiều doanh nghiệp lợi dụng thương mại điện tử và chính sách thông thoáng của nhà nước về thủ tục hải quan để buôn lậu.

"Chính việc người mua và người bán không biết nhau và chỉ cần đặt hàng qua mạng là có hàng nên việc bắt giữ đối tượng kinh doanh hàng lậu rất khó khăn," ông Giang nói.

Đáng chú ý, hoạt động mua bán ma túy qua đường hàng không diễn biến phức tạp và số lượng bắt giữ ngày càng tăng, do vậy ông Giang cho biết, lực lượng hải quan Hà Nội đã tăng cường kiểm soát hàng tạm nhập tái xuất và phương tiện để phát hiện hàng cấm.

Lợi dụng chính sách miễn thuế nhập khẩu, hàng lậu "núp bóng" xách tay ảnh 2Hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu của Ban chỉ đạo 389 Hà Nội. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Vẫn khó xử lý hình sự

Mặc dù đạt được nhiều kết quả trong công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, góp phần bình ổn thị trường và bảo về sản xuất trong nước, nhưng theo đại diện các cơ quan chức năng, hoạt động buôn lậu ngày càng tinh vi và diễn biến phức tạp đòi hỏi có sự đồng bộ từ cơ chế chính sách đến hoạt động kiểm tra, kiểm soát địa bàn.

Đưa ra ý kiến tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công an Hà Nội cho biết, các đối tượng thường đối phó với việc kiểm tra của cơ quan chức năng bằng cách sử dụng rất nhiều hóa đơn, hóa đơn quay vòng, hóa đơn ghi giá trị thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế của hàng hóa gây khó khăn cho việc xác minh, đấu tranh, xử lý.

Đáng lưu ý, hoạt động buôn lậu với sự tham gia của nhiều đối tượng, có các đối tượng ở ngoại tỉnh, có đối tượng người nước ngoài nên việc xác minh lý lịch của các đối tượng để xác lập chuyên án đấu tranh gặp nhiều khó khăn...

Chính vì vậy, để góp phần ngăn chặn buôn lậu, đại diện Công an Hà Nội cho biết, lực lượng này sẽ tập trung đánh mạnh vào đường dây ổ nhóm, ngăn chặn từ xa các hoạt động buôn lậu từ biên giới đưa vào nội địa.

Trong khi đó, ông Chu Xuân Kiên, Chi Cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng, một số văn bản pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, chế tài không rõ ràng nên khó áp dụng trong quá trình phát hiện, bắt giữ, điều tra và xử lý.

Dẫn chứng điều 153 Bộ Luật Hình sự quy định: Tội buôn lậu có hành vi “Buôn bán trái phép qua biên giới” là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm, theo lãnh đạo Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội, thực tế để chứng minh hành vi “qua biên giới” là rất khó cho nên phần lớn các vụ buôn lậu lớn nhưng không khởi tố, truy tố được các đối tượng phạm tội mà chỉ dừng lại ở mức xử lý hành chính.

Nhìn nhận từ thực tế, ông Kiên cho rằng, "sức đề kháng" của hàng trong nước còn thấp, thực tế phần đông doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, chưa sản xuất được các mặt hàng có chất lượng và mẫu mã đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa quan tâm đến công tác chống hàng giả để bảo vệ thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp mình.

​Đại diện ​Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiến nghị việc tổ chức kiểm tra cần kết hợp với tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các đơn vị sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh trên địa bàn đồng thời tăng cường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, giáo dục chính trị tư tưởng, tác phong lề lối làm việc đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính của lực lượng thực thi công vụ, ​cũng như xử lý nghiêm minh, công khai đối với các tổ chức, cá nhân có biểu hiện lợi dụng để bảo kê buôn lậu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục