Theo tờ New York Times số ra mới đây, một nghiên cứu mới nhất cho thấy đại dương đang ấm lên nhanh hơn nhiều so với những tính toán trước đây do nhiệt độ mà Trái Đất hấp thụ chủ yếu bị giữ lại ở dưới nước.
Công trình nghiên cứu được công bố tuần trước trên tập san khoa học Science đã chỉ ra rằng đại dương đang nóng lên nhanh hơn 40% so với dự báo của Liên hợp quốc 5 năm trước đây. Các nhà khoa học cũng kết luận rằng nhiệt độ đại dương đã phá vỡ kỷ lục trong vài năm gần đây.
Zeke Hausfather, nhà nghiên cứu thuộc nhóm nghiên cứu khí hậu độc lập Berkeley Earth, đồng thời cũng là tác giả của nghiên cứu mới này, cho rằng: "2018 là năm đại dương nóng nhất. Trước đó, 2016 là năm nóng nhất rồi đến 2017 là năm nóng nhất, cứ thế năm sau nóng hơn năm trước". Khi Trái Đất nóng lên, đại dương đóng vai trò như "tấm đệm giảm sốc."
Các đại dương làm giảm tác động của biến đổi khí hậu thông qua hấp thụ 93% nhiệt độ do khí nhà kính mà con người thải ra bầu khí quyển.
Phó giáo sư Malin L. Pinsky, một nhà khoa học của Viện Hệ sinh thái, Phát triển và Tài nguyên thiên nhiên thuộc Đại học Rutgers, cho biết: "Nếu đại dương không hấp thụ chừng đó nhiệt độ thì bề mặt của đất liền sẽ nóng lên nhanh hơn nhiều so với bây giờ. Trên thực tế, đại dương đang cứu con người khỏi việc Trái Đất nóng lên quá nhanh."
Tuy nhiên, nhiệt độ nước biển tăng nhanh cũng đang tiêu diệt nhiều hệ sinh thái biển, làm mực nước biển gia tăng và khiến các cơn bão trở nên nguy hiểm hơn. Các nhà khoa học cho rằng khi nước biển tiếp tục nóng lên, những tác động này sẽ trở nên tàn khốc hơn.
Mưa nhiều hơn, các cơn bão lớn như Harvey năm 2017 hay Florence năm 2018 sẽ trở nên phổ biến hơn. Các rạn san hô sẽ gặp nguy hiểm nhiều hơn và 1/5 số san hô đã chết trong 3 năm qua.
Người dân ở các vùng nhiệt đới vốn phụ thuộc chủ yếu vào đánh bắt cá sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Kathryn Matthews, nhà khoa học thuộc Nhóm bảo tồn Oceana nhấn mạnh: "Khả năng sản sinh ra thức ăn của các đại dương giảm đáng kể, đồng nghĩa với việc các đại dương đang nhanh chóng tiến tới mức mất an ninh về nguồn thức ăn."
[Lớp băng bao phủ trên đảo Greenland tan giữa mùa Đông]
Do đại dương đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự ấm lên của Trái Đất nên chúng chính là lĩnh vực nghiên cứu quan trọng nhất của các nhà khoa học về khí hậu.
Hausfather cho rằng nhiệt độ trung bình của các đại dương chính là cơ sở để theo dõi tác động của hiệu ứng nhà kính bởi nhiệt độ đại dương không bị tác động bởi những yếu tố thời tiết ngắn hạn. Ông nói: "Đại dương chính là nhiệt kế tốt nhất để đo sự biến đổi của Trái Đất."
Nhưng từ trước đến nay, việc đo nhiệt độ đại dương vẫn rất khó khăn. Báo cáo của Liên hợp quốc năm 2014 thể hiện 5 đánh giá khác nhau về sự nóng lên của đại dương nhưng đều ở mức ít báo động hơn so với mức độ mà các mô hình khí hậu điện tử đưa ra.
Điều này cho thấy một trong hai cách đánh giá (đo nhiệt độ đại dương hoặc mô hình khí hậu) là không chính xác.
Từ những năm 2000, các nhà khoa học đã đo nhiệt độ của đại dương bằng cách sử dụng hệ thống quan sát đại dương công nghệ cao có tên Argo - một mạng lưới quốc tế gồm hơn 3.000 phao robot liên tục đo nhiệt độ và độ mặn của nước đến độ sâu 6.500 feet (khoảng 1.981,2 m) và chuyển dữ liệu qua vệ tinh.
Trước Argo, các nhà khoa học dựa vào các thiết bị cảm biến nhiệt độ được kết nối với tàu thuyền bằng dây đồng. Dây đồng chuyển dữ liệu từ máy cảm biến đến tàu thuyền cho đến khi dây dẫn này đứt và thiết bị cảm biến rơi xuống.
Phương pháp này không đảm bảo chắc chắn về độ chính xác của độ sâu nơi biện pháp đo đạc được tiến hành. Sự thiếu chắc chắn đó cản trở các nhà khoa học đồng bộ các dữ liệu về nhiệt độ trong thế kỷ 20 vào một hồ sơ lịch sử toàn cầu.
Trong phân tích mới, Hausfather và đồng nghiệp đã đánh giá 3 nghiên cứu gần đây, kết quả đều chỉ ra một ước tính về mức độ cảnh báo cao hơn bản báo cáo năm 2014 của Liên hợp quốc và có vẻ giống hơn với kết quả mà mô hình khí hậu đưa ra.
Theo dữ liệu do Lijing Cheng thuộc Viện Vật lý Khí quyển Bắc Kinh đưa ra, phần nước biển trên bề mặt đã nóng lên nhiều nhất và sự cảnh báo đó ngày càng gia tăng trong hai thập kỷ qua.
Khi đại dương nóng lên, mực nước biển sẽ dâng cao bởi nước ấm hơn chiếm nhiều không gian hơn nước có nhiệt độ thấp. Trên thực tế, phần lớn mực nước biển dâng đến nay là vì lý do này chứ không phải sự tan chảy của băng.
Các tác giả cho rằng không có những hành động toàn cầu nhằm giảm lượng khí thải carbon thì đến năm 2100, mực nước biển sẽ tăng khoảng 1 foot (tương đương 30,48 cm) và sự tan băng sẽ khiến mức tăng này cao hơn nữa.
Điều đó làm gia tăng sự tàn phá từ những cơn bão và lũ ven biển. Tác động của mực nước biển gia tăng sẽ gây hậu quả to lớn.
Tiến sỹ Pinsky nói: "Khi đại dương nóng lên, các loài cá phải di cư sang vùng khác và điều chúng ta đang thấy là nó gây ra xung đột giữa các quốc gia...
Hậu quả của nó không chỉ ở ngư nghiệp mà còn biến thành chiến tranh thương mại, biến thành xung đột ngoại giao. Nó dẫn đến sự sụp đổ quan hệ quốc tế trong một số trường hợp."
Nghiên cứu thứ tư mà các nhà nghiên cứu xem xét cũng góp phần củng cố kết luận của họ. Nghiên cứu này sử dụng một biện pháp khác để ước tính nhiệt độ đại dương một cách trực tiếp và thấy rằng nhiệt độ đại dương tăng nhanh hơn so với kết luận mà nghiên cứu năm 2014 đưa ra.
Nghiên cứu này ban đầu có một sai sót khiến cho con số dự báo về nhiệt độ tăng của đại dương thấp hơn so với thực tế. Tuy nhiên, sau khi được tính toán lại, kết quả của nghiên cứu này cũng đưa ra đáp án gần như thống nhất với kết quả nghiên cứu vừa được công bố.
Các nhà khoa học đưa ra 4 nghiên cứu trên đều không cố gắng biến các kết quả tương thích với nhau. Hausfather cho biết: "Các nhóm nghiên cứu về nhiệt độ nước biển, họ không phải là những người làm mô hình khí hậu. Họ không quan tâm liệu phát hiện của họ có giống với kết quả của các mô hình khí hậu khác hay không."
Laure Zanna, Giáo sư tại Đại học Oxford nhận định nghiên cứu mới này là "một kết luận rất hay về những điều chúng ta biết về đại dương và các ước tính của chúng ta tương thích với nhau tới đâu."
Giáo sư Zanna cũng đã công bố một nghiên cứu sử dụng các dữ liệu có sẵn để ước tính nhiệt độ nước biển từ năm 1871 với mục tiêu tìm ra nơi nào mực nước biển có thể dâng cao nhanh hơn dự đoán giúp cho những khu vực nguy hiểm có thể chuẩn bị tốt hơn cho những thay đổi có thể xảy ra.
Zanna nói: "Chúng ta đang khiến Trái Đất nóng lên nhưng đại dương thì không nóng lên đồng đều, có những khu vực nóng hơn. Bởi vậy mực nước biển cũng sẽ khác nhau ở những vùng biển khác nhau."
Mặc dù những phát hiện này đưa ra một dự báo đáng lo ngại cho tương lai của đại dương nhưng Hausfather cho rằng những nỗ lực kiềm chế sự nóng lên của Trái Đất, bao gồm Thỏa thuận khí hậu Paris (COP21) năm 2015, sẽ có tác dụng.
Hausfather dự báo: "Trái Đất sẽ tránh được hậu quả nghiêm trọng nhất dù chúng ta không thể có được kết quả cuối cùng như ta mong muốn"./.