Hơn 43.000 binh sỹ Brazil được huy động, hàng chục nghìn lít nước được máy bay Hercules C-130 chở tới khu vực rừng Amazon đang bị cháy.
Chính phủ Bolivia thuê máy bay Boeing 747 Supertanker, loại máy bay chữa cháy lớn nhất của Mỹ, để tham gia các hoạt động dập lửa và Tổng thống Evo Morales đã tạm hoãn chiến dịch tranh cử để tập trung vào công tác chống cháy rừng.
Chính phủ Paraguay cung cấp khoảng 10.000 lít nhiên liệu hỗ trợ nông dân ở miền Bắc đang sử dụng các phương tiện máy móc cá nhân để xây dựng một tường rào ngăn lửa dài khoảng 50km gần khu vực biên giới với Bolivia và Brazil...
Đó chỉ là một số trong hàng loạt biện pháp đã và đang được các nước khu vực triển khai trong nỗ lực cứu "tấm khiên xanh" của Trái Đất - rừng nhiệt đới Amazon ở Nam Mỹ trước sức tàn phá dữ dội của "giặc lửa."
Suốt 3 tuần qua, hàng nghìn đám cháy đã "thiêu đốt" rừng Amazon, khu rừng nhiệt đới có diện tích 7 triệu km2 và trải dài trên lãnh thổ 8 nước gồm Brazil, Peru, Bolivia, Ecuador, Colombia, Venezuela, Guyana, Suriname và vùng lãnh thổ Guiana của Pháp, trong đó 60% diện tích ở Brazil, khiến không chỉ dư luận trong khu vực mà cả cộng đồng quốc tế tỏ ra hết sức lo ngại bởi khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới này luôn được coi là “lá phổi xanh của hành tinh,” cung cấp khoảng 20% lượng oxy cho Trái Đất.
Bắt nguồn từ những đám cháy nhỏ hồi đầu tháng Tám tại khu vực rừng ở Brazil do thời tiết hanh khô và sự bất cẩn của người dân địa phương trong quá trình khai hoang đất rừng phục vụ sản xuất nông nghiệp, các đám cháy từng bước lan rộng và bùng phát mạnh trong hai tuần trở lại đây tại các bang Mato Grosso, Para, Amazonas của Brazil, vùng Chiquitanía thuộc bang Santa Cruz của Bolivia và khu vực Bahia Negra và Cerro Chovorea ở miền Bắc Paraguay.
Tình trạng gia tăng một cách đáng báo động các đám cháy rừng đã tàn phá gần 2 triệu hécta rừng nhiệt đới ở Brazil, Bolivia, Paraguay và Peru, trong đó riêng Bolivia đã mất khoảng 900.000 hécta, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và hệ động thực vật ở vùng Amazon.
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (INPE), từ đầu năm đến nay có tới 79.513 đám cháy rừng đã được ghi nhận ở các khu rừng rộng lớn của nước này, trong đó hơn một nửa là ở rừng Amazon, tăng 85% so với cùng kỳ năm ngoái và là con số cao nhất kể từ năm 2013.
Khói mù từ các vụ cháy rừng đã phủ kín thành phố Sao Paulo và một số thành phố khác của Brazil.
Bất chấp các nỗ lực chống cháy rừng, INPE cho biết 1.130 đám cháy mới đã bùng phát chỉ trong 2 ngày 23-24/8, trong khi nỗ lực kiểm soát ngọn lửa rất khó khăn do tình trạng khô hạn và gió nóng.
Các chuyên gia môi trường cho rằng vào mùa khô hằng năm vẫn thường xảy ra các vụ cháy ở rừng Amazon, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 11, song số lượng và mức độ các đám cháy rừng trong năm nay tăng bất thường là một vấn đề đáng báo động.
Chuyên gia Paulo Moutinho thuộc Viện Nghiên cứu môi trường Amazon (IPAM) cho rằng số các vụ cháy rừng tăng đột biến trong năm nay chủ yếu là do tốc độ phá rừng của người dân địa phương để mở rộng diện tích trồng trọt và chăn nuôi.
Theo các tổ chức bảo vệ môi trường, đây là "mặt trái" của chính sách khuyến khích khai phá tiềm năng rừng Amazon mà Tổng thống Jair Bolsonaro theo đuổi từ khi lên nắm quyền.
Số liệu thống kê của INPE cho thấy trong 8 tháng đầu năm nay đã có trên 9.000km2 rừng Amazon bị chặt phá, cao hơn cả con số ghi nhận trong cả năm ngoái là 7.500km2.
Giới chuyên gia cảnh báo việc chặt phá cây bừa bãi càng khiến tình trạng cháy rừng thêm trầm trọng.
[Diện tích rừng già Amazon bị chặt phá tại Brazil tăng 278%]
Quy mô cháy rừng Amazon đe dọa nghiêm trọng tới môi trường sống của con người, đẩy nhanh quá trình nóng lên của Trái Đất và trực tiếp nhất là sự da dạng sinh thái của khu vực luôn được biết đến dưới cái tên “Lá phổi xanh của hành tinh."
Nhà nghiên cứu môi trường Roberto Palmieri cho rằng rừng Amazon sẽ phải mất nhiều thập niên để có thể khôi phục được hệ sinh thái bị hủy hoại do cháy rừng, thậm chí một số loại thực vật có thể mất cả thế kỷ cho quá trình hồi phục và chưa chắc đã có được lại sự đa dạng như trước đây.
Trong khi đó, kỹ sư nông nghiệp Gabriel Ribeiro Castellano thuộc trường Đại học Sao Paulo đánh giá, khu rừng Amazon có cấu trúc và các loài thực vật với chức năng sinh thái khác nhau.
Các cây cổ thụ đem lại bóng mát cho các loài thực vật khác nếu bị tàn phá sẽ phải mất cả nghìn năm để có lại được.
Không những vậy, các loài động vật sinh sống ở Amazon cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi hàng nghìn con vật bị chết cháy vì không thể thoát khỏi các đám lửa.
Số khác có thể thoát được nhưng với việc môi trường sống bị hủy hoại thì chúng cũng có thể sẽ bị diệt vong vì nhiều loài chỉ có thể tồn tại ở vùng rừng Amazon.
Các chuyên gia cũng cho rằng với vai trò quan trọng trong việc điều tiết nhiệt độ và độ ẩm của Trái Đất, việc phá hủy rừng Amazon sẽ làm biến đổi cảnh quan và cơ chế mưa trong khu vực, làm gia tăng phát khải thí gây hiệu ứng nhà kính với những hậu quả khôn lường mà loài người sẽ phải trả giá nếu không có những giải pháp hữu hiệu cụ thể.
Đây là bể chứa khí carbon dioxide lớn nhất thế giới và được xem là "tấm khiên sống" bảo vệ Trái Đất trước sự nóng lên toàn cầu.
[Brazil triển khai quân đội hỗ trợ chữa cháy rừng Amazon]
Nhà khoa học Carlos Nobre cảnh báo rằng trong kịch bản xấu nhất, các vụ cháy rừng Amazon có thể khiến 200 tỷ tấn carbon dioxide đổ vào bầu khí quyển, khiến mục tiêu giữ nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 2 độ C càng khó thực hiện.
Những diễn biến phức tạp của đợt cháy trên diện rộng ở rừng Amazon khiến Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi: “Rừng Amazon cần phải được bảo vệ bằng mọi giá,” nhất là trong bối cảnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu chưa có những giải pháp hữu hiệu thì thế giới không thể chịu thêm những tổn thất đối với nguồn cung cấp oxy và đa dạng sinh thái.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng khẳng định cháy rừng Amazon là một "cuộc khủng hoảng quốc tế", đồng thời kêu gọi các quốc gia phát triển nhất thế giới chung tay giải quyết vấn đề này bởi "ngôi nhà chung của chúng ta đang cháy."
Kết quả bước đầu là Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã cam kết hỗ trợ các nước khu vực Amazon đối phó với cháy rừng. Tổng thống Pháp cũng đề xuất sáng kiến thành lập quỹ quốc tế để chống cháy rừng và khôi phục rừng Amazon.
Trên thực tế, chính phủ các nước trong khu vực đã triển khai nhiều biện pháp nhằm dập tắt các đám cháy.
Ngoài huy động quân đội tham gia hỗ trợ, Chính phủ Brazil cũng lên kế hoạch thuê một công ty tư nhân thực hiện việc giám sát vệ tinh khu vực rừng Amazon với nhiệm vụ đưa ra những cảnh báo hằng ngày về những dấu hiệu phá rừng để cơ quan chức năng có các biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Hàng nghìn lính cứu hỏa và tình nguyện viên đã tham gia cuộc chiến với "giặc lửa" ở Bolivia và Paraguay.
Tổng thống Bolivia cũng đã mời lãnh đạo các nước G7 tới quốc gia Nam Mỹ để "trực tiếp biến những cam kết thành hành động."
Các nỗ lực phối hợp cũng đang được xúc tiến, song chưa đem lại nhiều hiệu quả bởi diễn biến cháy rừng hết sức phức tạp.
Theo số liệu thống kê, hơn 40.000 loài thực vật, 1.300 loài chim và hơn 4.200 loài động vật hiện đang sinh sống tại phần rừng nhiệt đới Amazon nằm trên lãnh thổ của Brazil, chưa kể khoảng 1 triệu thổ dân với nền văn hóa phong phú.
Tờ The Atlantic nhận định rằng hậu quả của việc rừng Amazon bị tàn phá sẽ còn tàn khốc hơn của vũ khí hủy diệt hàng loạt bởi nó sẽ dẫn tới diệt chủng nhiều loại động thực vật, kéo theo cuộc khủng hoảng khí hậu và đe dọa cuộc sống của con người.
Cháy rừng đang hoành hành ở Amazon là lời cảnh báo, rằng cộng đồng quốc tế phải phối hợp hành động khẩn cấp với những biện pháp triệt để và căn cơ để cứu "tấm khiên xanh" này của Trái Đất, bởi đó chính là lá chắn bảo vệ sự tồn vong của con người./.