Logistics sẽ trở thành ngành dịch vụ chủ lực của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tầm nhìn đến 2050 sẽ là trung tâm kinh tế biển quốc gia, trong đó, cụm cảng biển Cái Mép-Thị Vải giữ vai trò then chốt, cửa ngõ trung chuyển quốc tế lớn nhất cả nước.
Hãng tàu lớn nhất thế giới MSC thường xuyên có chuyến tàu cập cụm cảng Cái Mép-Thị Vải tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: TTXVN phát)

Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 được ban hành ngày 7/10/2022 đã như một liều thuốc kích thích tác động mạnh đến tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Một hướng đi rõ nét, cụ thể cho toàn vùng và một cơ chế mạnh từ Trung ương đảm bảo đã giúp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu quyết đoán trong đầu tư cơ sở hạ tầng để phục vụ cho phát triển những ngành kinh tế thế mạnh của tỉnh; trong đó, logistics được kỳ vọng sẽ trở thành ngành dịch vụ chủ lực của địa phương này.

Chiến lược tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đã được tỉnh xây dựng, vạch rõ trong Quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tầm nhìn đến 2050 sẽ là trung tâm kinh tế biển quốc gia, trong đó, cụm cảng biển Cái Mép-Thị Vải giữ vai trò then chốt, cửa ngõ trung chuyển quốc tế lớn nhất cả nước, có tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới.

Hướng phát triển rõ ràng, với sự hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã bắt tay vào triển khai đồng loạt những phần việc rất đồ sộ.

Đó là xây dựng Khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ 1.700 ha tại thị xã Phú Mỹ, lập Trung tâm kiểm tra chuyên ngành tập trung khu vực Cái Mép-Thị Vải và hiện nay, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đang xây dựng Thông tư thí điểm cảng mở, từ đó mở ra những cơ hội lớn cho nhà đầu tư.

Sức hút của Bà Rịa-Vũng Tàu đã gia tăng mạnh với hàng loạt các dự án tầm cỡ, mang tính động lực hoàn thành và đi vào vận hành. Đó là Tổ hợp hóa dầu Long Sơn tổng mức đầu tư 5,1 tỷ USD đã hoàn thành, bắt đầu vận hành thử nghiệm và đầu năm 2024 sẽ đi vào hoạt động đem lại nguồn thu cho ngân sách tỉnh mỗi năm khoảng 150 triệu USD thuế giá trị gia tăng.

Cụm kho cảng khí hóa lỏng của Tổng Công ty Khí (PVGas) tại cụm cảng biển Cái Mép-Thị Vải tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 29/10, kho cảng khí thiên nhiên LNG đầu tiên của Việt Nam do Tổng công ty Khí đầu tư trị giá 6.500 tỷ đồng, cung cấp lượng khí sạch cho sản xuất ở khu vực miền Nam cũng chính thức đi vào hoạt động.

Cũng trong cuối tháng 10, Cảng cạn Phú Mỹ-cảng cạn đầu tiên của tỉnh rộng 38 ha, hiện đại nhất Việt Nam hiện nay tại khu vực Cái Mép-Thị Vải do Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ làm chủ đầu tư với tổng vốn gần 3.000 tỷ đồng cũng chính thức vận hành, khai thác.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh cho biết, việc Cảng cạn Phú Mỹ đi vào hoạt động trở thành "cánh tay nối dài" để vận chuyển hàng hóa, giúp ngành dịch vụ phát triển mạnh, nhất là dịch vụ logictics đã khơi thông điểm nghẽn thiếu chân hàng của cụm cảng biển này.

Cảng cạn Phú Mỹ có sẵn hệ thống thông quan sẽ mở ra hệ sinh thái phục vụ cho cụm cảng Cái Mép-Thi Vải phát triển trong tương lai.

Trước đó, nắm bắt được tinh thần của Nghị quyết 24-NQ/TW, từ giữa năm 2022, tỉnh đã quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, bổ sung hơn 10.000 tỷ đồng để đầu tư 10 dự án giao thông quan trọng có tính kết nối liên vùng và nội tỉnh.

Các dự án tiếp nối và dự án mới đang triển khai sôi động ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Đó là các công trình trọng điểm như đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đoạn qua tỉnh trị giá gần 5.000 tỷ đồng, đường 991B nối quốc lộ 51 với cảng hạ lưu Cái Mép có tổng vốn đầu tư gần 3.900 tỷ đồng, cầu Phước An nối tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với tỉnh Đồng Nai với tổng vốn đầu tư gần 4.900 tỷ đồng, đường ven biển 994 với tổng vốn đầu tư hơn 6.500 tỷ đồng…

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Trần Thượng Chí cho biết, từ quý 3/2023, hàng hóa thông qua các cảng biển ở tỉnh đã có những tín hiệu tích cực trở lại.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, lượng hàng tàu biển thông qua các cảng biển chỉ đạt 34,1 triệu tấn, bằng 90% so với cùng kỳ; trong đó, hàng container bằng tàu biển đạt 2 triệu TEUs, bằng 79% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, hết quý 3/2023, tổng lượng hàng tàu biển thông qua các cảng biển đã đạt hơn 55 triệu tấn, bằng 99% so với cùng kỳ; trong đó, hàng container đạt hơn 3,7 triệu TEUs, bằng 90% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổ hợp hóa dầu Long Sơn (thành phố Vũng Tàu, Bà Rịa-Vũng Tàu) đang vận hành thử nghiệm và đầu năm 2024 sẽ chính thức hoạt động. (Ảnh: TTXVN phát)

Nhận định nhiều nhà máy sản xuất sẽ đến tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng như khu vực Đông Nam Bộ trong thời gian tới, Phó Tổng Giám đốc cảng SSIT Phan Hoàng Vũ cho biết, để đáp ứng nhu cầu của các hãng tàu, trong thời gian vừa qua, chủ đầu tư cảng đã đầu tư mở rộng bến bãi và hiện đại hóa các tranh thiết bị làm hàng, số hóa các trang thiết bị phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng được thuận lợi.

Trước những số liệu về cụm cảng biển Cái Mép-Thị Vải đang tăng trưởng mạnh mẽ, cuối tháng 10 vừa qua, Hãng tàu container lớn nhất thế giới MSC (Mediterranean Shipping Company) đã ký kết hợp tác với Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ để khai thác Cảng cạn Phú Mỹ.

Tổng Giám đốc điều hành MSC Việt Nam, ông Benoit de Quillacq cho biết, chính sách của hãng tàu MSC đáp ứng nhu cầu về hàng hóa ở địa phương. Cảng Cái Mép-Thị Vải là khu vực tăng trưởng rất mạnh, vì vậy MSC đã quyết định mang các trang thiết bị và container đến đây để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Hiện tại, hãng tàu MSC đang làm việc với rất nhiều đối tác trong khu vực, bao gồm các nhà cung cấp dịch vụ logistics, cảng biển, dịch vụ xà lan, ICD để kết nối, phục vụ khách hàng, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của thị trường này, ông Benoit de Quillacq thông tin.

Theo Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, lượng hàng container thông qua cụm cảng biển Cái Mép-Thị Vải mới chỉ chiếm khoảng 5% cả nước. Các chuyên gia cho rằng, để thu hút được nguồn hàng, tạo chân hàng cần phải phát triển các khu logistics, các khu công nghiệp, đặc biệt là các khu công nghiệp nặng và các khu công nghiệp dầu khí tại khu vực cụm cảng này.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam Trần Khánh Hoàng, cụm cảng Cái Mép-Thị Vải đã đón những con tàu lớn nhất thế giới sức chở tới 24.000 TEUs và cảng cũng được đầu tư những công nghệ tiên tiến của thế giới, nhưng yếu điểm là còn nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết các cảng, chưa có những cảng lớn xứng tầm khu vực và quốc tế.

Đồng thời, còn thiếu hạ tầng chủ chốt về đường bộ, đường biển, đường sông và đường sắt kết nối với doanh nghiệp, do đó nguồn hàng phục vụ cho cảng biển không đủ nên cần được đầu tư nhanh hơn.

Nhận thức rõ những yêu cầu đặt ra về nguồn hàng, chân hàng, nên trong Quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh xây dựng nhiệm vụ là hoàn thiện nhanh hạ tầng, thu hút đầu tư vào 13 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích đất quy hoạch hơn 7.242 ha; triển khai đầu tư hạ tầng 4 khu công nghiệp đã có trong quy hoạch với tổng diện tích 1.810 ha và bổ sung 7 khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ mới với tổng diện tích là 6.850 ha; trong đó, đất công nghiệp là 4.795 ha. Đến năm 2030, tỉnh có 24 khu công nghiệp và khu công nghiệp-đô thị-dịch vụ, với tổng diện tích đất quy hoạch là hơn 16.052 ha; trong đó, đất khu công nghiệp quy hoạch hơn 13.847 ha.

Cảng biển SSIT tại cụm cảng biển Cái Mép-Thị Vải tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết, tỉnh đã đánh giá toàn diện, quy hoạch xong và đang đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng để tạo nền tảng vững chắc cho dịch vụ logistics phát triển. Đây là ngành dịch vụ được kỳ vọng sẽ giúp tỉnh phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Cụ thể, tỉnh đang tập trung phát triển các tổ hợp đô thị, dịch vụ, trung tâm logistics, cảng cạn cung cấp dịch vụ vận tải, kho bãi gắn với hệ thống cảng biển Cái Mép-Thị Vải và kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, gồm Trung tâm logistics Cái Mép Hạ, Khu thương mại dịch vụ tổng hợp Sông Xoài, Khu logistics Phú Mỹ số 1 tại giao lộ đường 991 và đường Vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh, Khu logistics Phú Mỹ số 2 tại giao lộ Cao tốc Biên Hoà-Vũng Tàu và đường Vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm logistics Bình Ba, hệ thống cảng cạn và một số trung tâm logistics quy mô vừa và nhỏ khác tại thị xã Phú Mỹ và huyện Châu Đức.

Bức tranh tổng thể về kinh tế xã hội đã hiện rõ, sức hút của Bà Rịa-Vũng Tàu đã và đang ngày càng gia tăng. Đây là những tiền đề để tỉnh tiến đến mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục