Logistics làm tốt vai trò mạch máu của nền kinh tế, chuyển mình đón đầu cơ hội

Các tuyến đường cao tốc, sân bay, bến cảng và trung tâm logistics được xây dựng mới, mở rộng đã góp phần nâng cao năng lực xử lý hàng hóa, thúc đẩy lưu thông nhanh chóng và thuận tiện.
Cảng biển SSIT tại cụm cảng biển Cái Mép-Thị Vải tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN)

Năm 2023 đang dần khép lại trong bối cảnh vẫn còn những khó khăn từ bất ổn bởi kinh tế toàn cầu nhưng ngành logistics đã làm tốt vai trò mạch máu của nền kinh tế, đảm bảo lưu thông hàng hóa.

Với đặc thù là ngành dịch vụ trải dài trên nhiều lĩnh vực đòi hỏi mức độ ứng dụng công nghệ lớn, do đó, Chuyển đổi Số là xu hướng tất yếu, giúp doanh nghiệp dịch vụ logistics nâng cao năng suất, chất lượng dịch vụ và sức cạnh tranh.

Thực hiện Quyết định số 200/QĐ-TTg và 221/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam với tầm nhìn đến năm 2045, bên cạnh sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp logistics đã từng bước chuyển mình để đón đầu cơ hội trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết năm 2023, phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đã có nhiều cải thiện, trong đó khung pháp lý về dịch vụ logistics từng bước được hoàn thiện. Cùng đó, Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm đầu tư phát triển, bến bãi vận tải, giao nhận hàng hoá phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu đã được nâng cấp, mở rộng. Đặc biệt, các tuyến đường cao tốc, sân bay, bến cảng và trung tâm logistics được xây dựng mới, mở rộng đã góp phần nâng cao năng lực xử lý hàng hóa, thúc đẩy lưu thông nhanh chóng và thuận tiện.

Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Hải, doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế; chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Doanh nghiệp logistics Việt Nam cung cấp chủ yếu là dịch vụ logistics nội địa như: vận tải nội địa, giao nhận, kho bãi, khai báo thủ tục hải quan, giám định hàng hóa, dịch vụ thuê chỗ trên tàu...

So với doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam hiện đang nắm giữ nhiều cơ sở hạ tầng, tài sản phục vụ hoạt động logistics. Đồng thời, có lợi thế am hiểu tập quán kinh doanh và khách hàng nội địa. Thế nhưng, hoạt động còn đơn lẻ, năng lực tài chính, quản trị còn hạn chế, chỉ phục vụ ở từng phân khúc nhất định, thiếu sự kết nối xuyên suốt để cung cấp dịch vụ logistics tích hợp.

Hơn nữa, trong bối cảnh thị trường khó khăn hiện nay, tình trạng cạnh tranh để có được đơn hàng trở nên gay gắt hơn. Ngoài sức ép cạnh tranh về dịch vụ, tiêu chuẩn mới của quốc tế và trong nước về môi trường và an toàn giao thông, an toàn lao động cũng đặt doanh nghiệp dịch vụ logistics trước yêu cầu đổi mới.

Cần trục giàn có khả năng nâng hàng chục tấn khi bốc xếp tại Tân Cảng, Lạch Huyện, Hải Phòng. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Đáng lưu ý, doanh nghiệp logistics toàn cầu khi thuê ngoài dịch vụ yêu cầu tiêu chuẩn khí thải, đòi hỏi doanh nghiệp logistics phải chủ động đầu tư, chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng “xanh hóa,” nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm phát triển bền vững.

Đặc biệt, Chuyển đổi Số đang là xu hướng tất yếu giúp doanh nghiệp dịch vụ logistics nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả dịch vụ cũng như sức cạnh tranh tại thị trường trong nước và vươn ra quốc tế.

Đánh giá về mức độ phát triển của ngành logistics, các chuyên gia nhấn mạnh gần đây, ngành logistics của Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm. Doanh nghiệp tham gia ngày càng tăng về số lượng và mở rộng về quy mô.

Năm 2023, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Chỉ số hiệu quả logistics (LPI) của Việt Nam ở vị trí 43/139 nền kinh tế được xếp hạng, cải thiện đáng kể so với vị trí 53 vào năm 2010. Trong khu vực, Việt Nam thuộc nhóm top 5 khi cùng thứ hạng với Philippines và đứng sau Singapore, Malaysia, Thái Lan.

Hiện nay, Việt Nam thuộc top 10/50 thị trường logistics mới nổi trên thế giới theo bảng xếp hạng về chỉ số thị trường mới nổi của Nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận Agility.

Trong số đó, chỉ tiêu về cơ hội logistics quốc tế, Việt Nam xếp hạng 4 thế giới và được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển logistics hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, ngành logistics trên phạm vi cả nước vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự tương xứng với điều kiện và tiềm năng phát triển.

Theo ông Nguyễn Triều Quang, Giám đốc Khối Vận hành miền Bắc, Lazada Việt Nam, trong bối cảnh toàn cầu đang hướng tới phát triển bền vững, doanh nghiệp logistics cần xây dựng hệ sinh thái bền vững và toàn diện để nắm lấy cơ hội của thương mại điện tử. Đồng thời, nâng cao trải nghiệm giao nhận hàng hóa từ mọi điểm chạm; ứng dụng công nghệ và chuẩn hóa quy trình để tối ưu hiệu suất vận hành; phát triển logistics xanh bền vững.

Ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, chia sẻ Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn đã và đang từng bước ứng dụng công nghệ Trí tuệ Nhân tạo (AI) vào việc chăm sóc khách hàng và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Trợ lý ảo Pi của Tân cảng Sài Gòn được học máy (Machine Learning) 25 kịch bản, 301 bước quy trình, 4.532 câu mẫu để trả lời tự động cho khách hàng.

Hiện nay, AI của Tân cảng Sài Gòn có thể trả lời hầu hết các câu hỏi thông thường về quy trình thủ tục tác nghiệp tại Cảng Cát lái.

AI được tích hợp trên website và các trang Fanpage, Zalo OA và E-port, tạo tiện lợi cho khách hàng có thông tin kịp thời.

Tới đây, Tân cảng Sài Gòn sẽ tích hợp thêm công nghệ để thiết lập mô hình đa kênh (omni-channel) để đem đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất, xứng đáng với vai trò “sếu đầu đàn” trong ngành khai thác cảng và cung cấp dịch vụ logistics.

Theo Bộ Công Thương, Bộ Công Thương đã phát huy vai trò đầu mối, chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về dịch vụ logistics.

Bộ Công Thương đã tham mưu, trình Chính phủ phê duyệt Nghị quyết số 163/NQ-CP về đẩy mạnh triển khai đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.

Hơn nữa, Bộ Công Thương thường xuyên đôn đốc, theo dõi, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao trong thông báo kết luận về phát triển logistics được giao tại các nghị quyết, quyết định khác.

Đặc biệt, Bộ thường xuyên đôn đốc, góp ý, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ; hỗ trợ kết nối doanh nghiệp, hiệp hội với cơ quan quản lý Nhà nước, kết nối doanh nghiệp logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Mặc dù hoạt động dịch vụ logistics gồm những lĩnh vực quản lý của nhiều bộ, ngành, địa phương nhưng Bộ Công Thương đã phát huy vai trò cầu nối giữa hiệp hội, doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp xuất nhập khẩu và cơ quan quản lý nhà nước. Qua đó, đảm bảo sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các bên nhằm mục tiêu xử lý khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp logistics phát triển.

Cùng đó, Bộ còn phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam triển khai nghiên cứu xây dựng Đề án Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045; biên soạn và phổ biến Tài liệu rà soát và hướng dẫn thực thi cam kết quốc tế về dịch vụ logistics trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ASEAN và các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã tham gia…

Để ngành dịch vụ logistics Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, doanh nghiệp cần bắt kịp với xu thế của quốc tế, đóng góp tích cực trong sự phát triển kinh tế cả nước. Vì vậy, ngoài việc hoàn thiện cơ chế chính sách cần đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trong logistics.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng khẳng định Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục tổng hợp đầy đủ kiến nghị, đề xuất của địa phương, hiêp hội, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ logistics trong nước và quốc tế. Từ đó, báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách, quy định của pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho ngành dịch vụ logistics tiếp tục đổi mới và phát triển nhanh, bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục